Đường sắt Sài Gòn mòn mỏi chờ nhà ga
Đường sắt Sài Gòn mòn mỏi chờ nhà ga
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở KH-ĐT báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ cho các dự án giao thông trọng điểm.
Trong đó có 2 dự án ga đường sắt Bình Triệu và ga Thủ Thiêm.
Lận đận 2 nhà ga đầu mối
Sở GTVT cho biết theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, đường sắt Bắc – Nam khu vực TP.HCM đoạn từ Bình Triệu – Hòa Hưng thành đường sắt trên cao; các ga hành khách phía TP.HCM gồm ga khách trung tâm (ga Sài Gòn hiện hữu với diện tích khoảng 6,14 ha) và ga Bình Triệu với diện tích khoảng 41 ha. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT từ năm 2014, Cục Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc cắm mốc giới ngoài thực địa theo ranh quy hoạch đã được phê duyệt của ga Bình Triệu và bàn giao cho TP quản lý. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai.
Mới nhất, tại cuộc họp ngày 26.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã cơ bản thống nhất “Bộ GTVT phối hợp Bộ TN-MT và các bộ ngành liên quan xem xét cơ chế triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 – 2025 để sớm ổn định đời sống của người dân cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch”. Sở GTVT tham mưu UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện theo nội dung đã thống nhất tại cuộc họp vì trong phạm vi ranh quy hoạch ga Bình Triệu có nhiều tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng nên việc chậm thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của người dân.
Cùng cảnh ngộ, dù được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 nhưng đến nay, dự án ga Thủ Thiêm (ga đầu mối bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM – Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác – tuyến metro số 2, BRT số 1) vẫn chưa được triển khai. Hiện TP đã cập nhật phạm vi nhà ga Thủ Thiêm vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích nhà ga là 14,7163 ha. Nhằm có cơ sở để quản lý quỹ đất trên thực địa, tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ việc triển khai các dự án, UBND TP đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực ga Thủ Thiêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các dự án trong khu vực ga Thủ Thiêm tiến độ đều chậm, chủ yếu mới ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa đủ cơ sở để tổ chức lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực nhà ga Thủ Thiêm.
Do đó, Sở GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT nhanh chóng chủ trì nghiên cứu quy hoạch chi tiết ga đầu mối Thủ Thiêm để có cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư.
Thiếu nhà ga, “tắc” đường tàu
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển TP.HCM) nhận định dự án xây dựng ga Bình Triệu cần triển khai nhanh chóng vì có tác động rất lớn đến kinh tế, đô thị của TP.HCM.
Ga Sài Gòn hiện nay quá nhỏ, chỉ 6 ha, hiện chỉ đủ cho phòng vé, sảnh đợi và bãi giữ xe, không đủ năng lực phục vụ cho mục tiêu mà ga Sài Gòn hướng tới là hơn 10 triệu lượt khách/năm cùng hàng triệu tấn hàng hóa. Trong khi đó, ga Bình Triệu có diện tích 42 ha, hoàn toàn đủ cho việc xây dựng một tổ hợp giao thông và dịch vụ hiện đại. Chưa kể Bình Triệu là đầu mối giao thông đường bộ thuận lợi đi về các hướng Đông – Bắc, Tây – Bắc và về miền Tây qua QL1, QL13 vào sâu nội ô qua đường Trường Chinh. Đồng thời, giảm tải cho hệ thống giao thông đô thị hiện hữu bởi “những ai đã đi tàu mới biết hầu hết người đi tàu là ở vùng bên ngoài di chuyển vào ga Sài Gòn. Đặc biệt là vào các dịp lễ tết, hàng trăm ngàn công nhân ở các khu công nghiệp phía bắc (Tây Bắc, Đông Bắc) và phía nam TP đổ về ga Sài Gòn để về quê, gây quá tải ở ga này…”, ông Hòa nói.
Đồng tình, PGS-TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng ga Bình Triệu và ga Thủ Thiêm là 2 công trình hạ tầng đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thiện hệ thống đường sắt, kết nối giao thông TP.HCM đi các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Phải có nhà ga Bình Triệu thì mới có thể kết nối tàu đi Mộc Bài (Tây Ninh), Cần Thơ, nối ra Nha Trang. Ga đầu mối chính thức sẽ là ga Bình Triệu. Ở đây có đủ diện tích đất để xây dựng không chỉ nhà ga mà cả depot sửa chữa đầu máy, toa xe; thành nơi tập kết hàng, hành khách. Ga Sài Gòn hiện nay là “ga cụt” không nối được, chỉ nên coi là ga nhánh hỗ trợ đưa khách vào trung tâm. Do đó, nếu không nhanh chóng xây dựng, cải tạo ga Bình Triệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đường sắt nối TP.HCM với các tỉnh đồng bằng Nam bộ cũng như các tỉnh miền Đông.
Bên cạnh đó, từ ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn hiện nay) đến ga Bình Triệu có 14 điểm giao cắt với trung tâm TP, gây ùn tắc giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Phải nhanh chóng thực hiện theo đúng Quyết định 839 của Thủ tướng Chính phủ, đưa toàn bộ tuyến đường sắt Bình Triệu – Hòa Hưng lên cao để chấm dứt giao cắt tại 14 tuyến đường lớn.
Trong khi đó, ga Thủ Thiêm là đầu mối kết nối cả tuyến metro số 2, kết nối đường sắt TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành. Đường sắt quan trọng nhất là liên kết hệ thống nhà ga.
Tàu phải vào được ga thì khách mới lên/xuống, đường sắt mới phát triển được. “Trong bối cảnh đường bộ ngày càng tắc nghẽn như hiện nay, không có ga Thủ Thiêm thì việc vận chuyển khách giữa trung tâm TP.HCM và sân bay Long Thành sẽ khá gay go”, ông Trường đánh giá.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, ở Nga, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác, ga đầu nguồn ở các TP lớn bao giờ cũng là một tổ hợp kỹ thuật – kinh tế – xã hội. Ngoài phần kỹ thuật phục vụ việc đi lại như nơi bán vé, phòng khách, sảnh đợi, hệ thống đường ray, khu duy tu sửa chữa… thì còn các dịch vụ khác xung quanh như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… đảm bảo phục vụ đầy đủ cho khách đi tàu. Mỗi ga lớn trở thành điểm nút dịch vụ, tức là làm sao hành khách đến mỗi ga là có thể mua được hàng hóa phục vụ đời sống thiết yếu.
HÀ MAI
TNO