18/11/2024

Lãnh đạo Đài Loan lại phản bác lời kêu gọi của ông Tập ‘về với đại lục’

Chủ tịch Trung Quốc nói “người Trung Quốc không nên đấu với người Trung Quốc” và cam kết đảm bảo toàn vẹn “chế độ, hệ thống xã hội cũng như lối sống của đồng bào Đài Loan”. Nhưng lãnh đạo Đài Loan nói không.

 

Lãnh đạo Đài Loan lại phản bác lời kêu gọi của ông Tập ‘về với đại lục’

Chủ tịch Trung Quốc nói “người Trung Quốc không nên đấu với người Trung Quốc” và cam kết đảm bảo toàn vẹn “chế độ, hệ thống xã hội cũng như lối sống của đồng bào Đài Loan”. Nhưng lãnh đạo Đài Loan nói không.
 
 
 
 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 2-1 về vấn đề Đài Loan – Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc kêu gọi chấm dứt đối đầu quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng đã tới lúc Bắc Kinh và Đài Bắc có các bước đi chấm dứt sự chia cắt 70 năm giữa hai bên, gợi ý chính sách “một quốc gia, hai chế độ” có thể sẽ phát huy tác dụng.

“Những chia cắt về mặt chính trị không nên kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác” – chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh trong bài phát biểu ngày 2-1 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Ông Tập khẳng định việc tái thống nhất Đài Loan phải được thực hiện theo nguyên tắc “Một Trung Quốc”, nhấn mạnh “không ai và không một thế lực nào có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, cũng như thực tế lịch sử và pháp lý rằng cả hai bờ eo biển đều cùng là một Trung Quốc”.

 

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để tái thống nhất và ngăn Đài Loan độc lập nhưng quân đội sẽ chỉ nhắm vào các thế lực và những phần tử gây chia rẽ đến từ bên ngoài.

“Người Trung Quốc không nên đấu với người Trung Quốc” – chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa hai bên không nên là trở ngại cho việc thống nhất, khẳng định nó có thể được giải quyết thông qua mô hình “một quốc gia, hai chế độ” – cách tiếp cận được Bắc Kinh áp dụng khi thu hồi Hong Kong và Macau.

“Mục đích ban đầu của việc đưa ra mô hình một quốc gia, hai chế độ là dựa trên tình hình tại Đài Loan cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích của các đồng bào ở Đài Loan.

Hệ thống xã hội và lối sống của đồng bào Đài Loan sẽ được tôn trọng hoàn toàn, các tài sản riêng, tôn giáo và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ toàn vẹn sau khi thống nhất hòa bình, và với điều kiện chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia được bảo đảm” – ông Tập cam kết.

Tuy nhiên, ngay sau bài phát biểu của ông Tập, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã bác bỏ đề xuất “một quốc gia, hai chế độ”, nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển cần phải dựa trên nguyên tắc giữa “hai chính phủ” – theo hãng tin Reuters.

“Đại đa số người dân Đài Loan kiên quyết phản đối cái gọi là một quốc gia, hai chế độ. Đó là sự đồng lòng của người dân Đài Loan” – bà Thái nhấn mạnh.

Bà Thái cũng kêu gọi Bắc Kinh nên nghĩ nhiều hơn về những gì người Đài Loan suy nghĩ và mong muốn.

Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng sau khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền ở Đài Loan năm 2016. Trong năm 2017, chính quyền Bắc Kinh đã gây sức ép buộc một số nước từ bỏ quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chuyển sang công nhận chính sách “Một Trung Quốc”.

 

DUY LINH