23/12/2024

Khổ sở với chứng chỉ kỹ năng nghề

Khổ sở với chứng chỉ kỹ năng nghề

Không chỉ giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp mà cán bộ quản lý các trường này cũng phải đi học chứng chỉ kỹ năng nghề. Nhiều giảng viên cho rằng đây là một loại ‘giấy phép con’ khiến họ khổ sở, mệt mỏi.

 

Khổ sở với chứng chỉ kỹ năng nghề - Ảnh 1.

Giảng viên trong một kỳ thi lấy chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề quốc gia – Ảnh: M.G.

Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Lao động – thương binh và xã hội trước đây phần lớn giảng viên đã có chứng chỉ kỹ năng nghề.

Trong khi đó các trường trung cấp, cao đẳng chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ Lao động – thương binh và xã hội, số người có chứng chỉ kỹ năng này chưa nhiều. Theo quy định, họ chưa đạt chuẩn và phải đi học để có chứng chỉ này.

“Làm khổ trường”

Chia sẻ việc giảng viên phải đi học kỹ năng nghề quốc gia để đủ chuẩn dạy thực hành cao đẳng, hiệu trưởng một trường cao đẳng tại TP.HCM thẳng thắn cho rằng giảng viên đi học chứng chỉ này rất mất thời gian, tiền bạc.

Hơn nữa, chủ trương của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là khuyến khích và cho phép doanh nghiệp tham gia đào tạo. Trường đã thực hiện việc này nhưng người của doanh nghiệp thì lấy đâu ra chứng chỉ? “Thay vào đó, có thể ban hành khung chương trình để trường tổ chức bồi dưỡng và chịu trách nhiệm về giảng viên của mình.

Với các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hầu hết chỉ cấp cho trường công mà không có trường tư, ngành nghề vẫn còn rất hạn chế. Nhiều nghề chưa xây dựng, ban hành chương trình thi và cấp chứng chỉ” – ông này nói thêm.

Tương tự, hiệu trưởng một trường cao đẳng khối kinh tế – kỹ thuật cho biết thỉnh thoảng có cử giảng viên đi học và thi kỹ năng nghề quốc gia. Đa số giảng viên trường chưa có chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng.

Theo ông này, trường vốn xuất thân từ trường công nhân kỹ thuật nên những giảng viên khi đó có chứng chỉ bậc thợ 4/6. Khi trường nâng cấp lên cao đẳng, đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau thuộc Bộ GD-ĐT quản lý, đến lúc chuyển giao về Bộ Lao động – thương binh và xã hội nên đa số giảng viên chưa có chứng chỉ nghề.

“Giảng viên đã có trình độ đại học, thạc sĩ. Họ cũng đã có nhiều năm giảng dạy trình độ cao đẳng rồi nên tôi cho rằng không cần thiết buộc họ phải có chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề. Với những người có trình độ tiến sĩ, trường chỉ bố trí họ dạy lý thuyết” – ông cho biết.

Tương tự, người quản lý một trường cao đẳng khối sức khỏe cho biết giảng viên phải có chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề khối sức khỏe. Chương trình chứng chỉ này mới được ban hành gần đây nên hầu như còn rất ít người có chứng chỉ này.

Ngay cả một bệnh viện ở tỉnh Long An chỉ một người có chứng chỉ đó. Trong khi nguồn giảng viên dạy thực hành ngành sức khỏe chủ yếu là từ bệnh viện, doanh nghiệp. Buộc họ phải có chứng chỉ kỹ năng thực hành để đủ chuẩn giảng dạy e là trường không có giảng viên…

“Cứng nhắc và chưa hợp lý”

Từ khi chuyển hệ thống giáo dục nghề nghiệp qua Bộ Lao động – thương binh và xã hội quản lý, không chỉ giảng viên mà cả cán bộ quản lý cũng phải đi học chứng chỉ để đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Khi được điều chuyển làm hiệu trưởng trường cao đẳng năm 2017, một ông phó giáo sư phải tìm lớp học chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phải thi lấy chứng chỉ trước khi được công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng.

“Vì tôi đã từng vướng nên sau này những người trong diện quy hoạch trường phải đưa đi học các lớp quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp hết” – ông này nói.

Thậm chí, một người có bằng tiến sĩ quản lý giáo dục vẫn phải đi học quản lý nhà nước về giáo dục để được bổ nhiệm hiệu trưởng cao đẳng.

“Tiến sĩ ngành khác đi học đã đành. Người tốt nghiệp tiến sĩ quản lý giáo dục vẫn phải đi học nghiệp vụ quản lý về giáo dục là điều rất cứng nhắc và chưa hợp lý” – quản lý một trường cao đẳng cho biết.

Không chỉ bổ nhiệm mới, những hiệu trưởng đương chức cũng phải học chứng chỉ này. Hiệu trưởng một trường cao đẳng cho biết đã làm hiệu trưởng trường trung cấp 10 năm. Sau khi chuyển về Bộ Lao động – thương binh và xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu phải học chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp mới được công nhận hiệu trưởng.

“Họ nói không có chứng chỉ này sẽ không công nhận hiệu trưởng, đòi thu hồi bằng tốt nghiệp đã cấp cho sinh viên vì không hợp lệ. Có phải làm khó các trường không?” – vị này bức xúc.

Thi thực hành liên tục 8 tiếng

Trường CĐ Nghề TP.HCM là một trong những trường được Bộ Lao động – thương binh và xã hội cấp chứng nhận tổ chức thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và kỹ năng thực hành nghề.

TS Trần Kim Tuyền – hiệu trưởng – cho biết nội dung thi kỹ năng thực hành tương đương với bài thi thực hành tốt nghiệp của sinh viên cao đẳng. Thời gian ôn tập từ 350 đến hơn 400 giờ. Ngân hàng câu hỏi được công khai.

Thời gian thi thực hành kéo dài liên tục trong 8 tiếng. Chứng chỉ này thường áp dụng cho giảng viên dạy tích hợp, vừa lý thuyết vừa thực hành. Trong khi đó, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia với nội dung tập trung vào chuẩn đầu ra của các nghề. Chứng chỉ này thường những người dạy trực tiếp dưới xưởng thực hành cần phải có.

MINH GIẢNG
TTO