Sập sàn Coolcat ‘bao lời 100%’: Thêm hàng trăm nạn nhân nộp đơn tố cáo
Sập sàn Coolcat ‘bao lời 100%’: Thêm hàng trăm nạn nhân nộp đơn tố cáo
Sau khi sập sàn Coolcat, trong vòng chưa đến 1 tuần đã có hàng ngàn người báo bị mất tiền, ước tính sơ bộ con số thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Hàng trăm đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản cũng được gửi đến cơ quan chức năng.
Hôm nay 23-4, hàng chục người đã quy tụ ở một quán cà phê tại Q.1 (TP.HCM) để gom hơn 400 đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản do đầu tư trên Coolcat – sàn giao dịch bảo hiểm 100% vốn, với mục đích nộp cho Công an TP.HCM. Đơn được nhiều người ở các tỉnh thành trên cả nước gửi về.
“Trước khi sàn sập, nhiều người đã không thể rút tiền ra. Người bên sàn cứ nói yên tâm, do lỗi hệ thống thôi. Giờ sập rồi, không vào được nữa. Họ còn nhắn mình đừng nộp đơn lên công an, nhưng mình phải nộp để có hi vọng và cảnh báo cho những người khác”, chị S. (TP.HCM) nói.
Chị S. cho biết ba mẹ chồng, em chồng và vợ chồng chị đã bỏ hơn 500 triệu đồng vào sàn Coolcat, bản thân chị mới nộp tiền, chưa kịp chơi thử đã bị trắng tay.
Là người đứng ra gom thông tin, chị A.M. cho biết trừ hơn 400 đơn giấy mới kể trên, theo thống kê online thì trong vòng chưa đến một tuần nay đã có hơn 1.700 người báo bị thiệt hại với tổng số tiền gần 150 tỉ đồng, nhiều người bỏ từ 1-2 tỉ đồng.
Một tuần trước, nhiều người cũng tá hỏa, làm đơn tố cáo vì bị mất tiền do ứng dụng Shopping Mall “cuốn gói ra đi” sau những hứa hẹn thu nhập cao, hoa hồng lớn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định các ứng dụng – sàn giao dịch trên thường không có pháp nhân, không có trụ sở doanh nghiệp, kêu gọi theo hình thức đa cấp, rất khó cho cơ quan chức năng khi thụ lý vụ việc.
“Tuy nhiên, nếu những người chơi có bằng chứng, bao gồm hình ảnh, tin nhắn, thông tin người nhận tiền… thì có thể nộp tất cả cho cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc. Việc nhiều người cùng nhau làm đơn tố cáo sẽ gây áp lực cho những người có liên quan đến hoạt động của sàn, và giúp cảnh báo người khác không nên tham gia các giao dịch kiểu này”, luật sư Hùng cho hay.
Ông Hùng cho biết thêm nếu có dấu hiệu lừa đảo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 của Bộ luật hình sự. Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị 2 – 50 triệu đồng sẽ bị xử phạt không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 50 – 200 triệu đồng thì bị phạt 2 – 7 năm tù. Chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù 7 – 15 năm, trên 500 triệu đồng thì mức phạt tù 12 – 20 năm hoặc chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Công an TP Hà Nội: Cảnh báo “sập bẫy” sàn giao dịch GardenBO
Công an TP Hà Nội vừa ra cảnh báo về việc sập bẫy sàn giao dịch GardenBO. Sàn này cho phép người chơi cá cược, đặt lệnh tăng (xanh) hoặc giảm (đỏ) theo tỉ giá các đồng tiền ảo. Sàn chào lợi nhuận 10 – 80%/ngày.
“Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất như cam kết, nhưng chỉ là các điểm ảo được ghi nhận trên tài khoản, người chơi chỉ được quy đổi thành tiền Việt Nam một lượng rất nhỏ để tạo lòng tin, hoặc không quy đổi được. Các hội nhóm có nhà đầu tư không rút được tiền sẽ bị xóa đi và các đối tượng tiếp tục lập các hội nhóm khác để lôi kéo các nhà đầu tư mới”, Công an TP Hà Nội cho biết.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo là phương tiện thanh toán tại Việt Nam là bất hợp pháp, tiềm ẩn rủi ro. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia hội nhóm liên quan sàn GardenBO và các sàn nhị phân (hoặc mô hình tương tự), tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc thiệt hại về tài sản.