24/11/2024

Caritas Thuỵ Sĩ hưởng ứng cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi luật CO2

Caritas Thuỵ Sĩ hưởng ứng cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi luật CO2

Ô nhiễm môi trường (AFP or licensors)

Caritas Thuỵ Sĩ kêu gọi mọi người hưởng ứng cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi luật CO2 vào ngày 13/6 tới.

Theo Thoả thuận Paris 2015 về Biến đổi Khí hậu, Thuỵ Sĩ đã cam kết vào năm 2030 sẽ giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính so với năm 1990. Để đạt được mục tiêu này, vào mùa thu năm 2020, Quốc hội Liên bang đã thông qua việc sửa đổi luật cụ thể hiện đang được đệ trình cho một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong một lưu ý, Caritas quốc gia bày tỏ sự ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, bởi vì “biến đổi khí hậu gây ra mối đe doạ đối với sự tồn tại của nhiều người ở các nước nghèo” và “với tỷ lệ phát thải khí nhà kính cao, Thuỵ Sĩ có trách nhiệm lớn trong việc nóng lên toàn cầu”.

Theo Caritas, cuộc khủng hoảng ngày nay trở thành một thực tế cay đắng cho người dân ở các nước đang phát triển. Thật vậy, những người nghèo là những người ít đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu, nhưng lại là những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ ai khác: họ không có phương tiện và khả năng tự bảo vệ mình khỏi hạn hán, bão, sự gia tăng mực nước biển và thậm chí không thể dùng đến an sinh xã hội hoặc các khoản bồi thường khác.

Do đó, tổ chức bác ái kêu gọi sự đồng trách nhiệm của Thuỵ Sĩ, bằng cách phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu để hạn chế biến đổi khí hậu và đối phó với những hậu quả tàn khốc do sự nóng lên toàn cầu. Theo nghĩa này, Caritas quốc gia tin rằng việc sửa đổi luật CO2 là một bước quan trọng để thực hiện Thoả thuận Paris về Khí hậu: trên thực tế, nó thiết lập khuôn khổ hành động phù hợp để Thuỵ Sĩ có thể tiến hành những gì có thể hướng tới sự trung lập về khí hậu, do đó đóng góp vào công bằng khí hậu toàn cầu.

Cụ thể, việc sửa đổi luật tập trung vào sự kết hợp các ưu đãi tài chính, đầu tư và công nghệ mới. Ví dụ: công ty nào nhập khẩu xăng và dầu diesel được yêu cầu bù đắp một phần cho lượng khí thải CO2 do các nhiên liệu này tạo ra. Luật còn nhìn nhận hành vi đạo đức: người nào ít tạo ra CO2 sẽ đóng thuế ít hơn. Ví dụ, nếu một người chọn sử dụng ô tô điện, hay không sử dụng máy bay để đi nghỉ, hoặc chọn một hệ thống sưởi không tạo ra CO2, thì người đó sẽ được giảm thuế. (CSR_2855_2021)

Ngọc Yến