Người bán vé số dạo bị cắt giảm hoa hồng
Người bán vé số dạo bị cắt giảm hoa hồng
Từ ngày 1.4, nhiều người bán vé số dạo xổ số kiến thiết khu vực miền Nam bỗng dưng bị cắt giảm hoa hồng khiến cuộc sống của họ càng khốn khó.
“Cái gì cũng lên giá, sao tiền lời bán vé số giảm xuống ?”
Những ngày này, hầu như người bán vé số dạo nào cũng than thở về việc tiền hoa hồng (tiền thù lao) dầm mưa dãi nắng đi bán từng tờ vé số của họ bỗng dưng bị cắt giảm.
Ông Võ Thành Sang (40 tuổi, khiếm thị, ngụ TT.Vĩnh Bình, H.Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) bức xúc phản ánh: Trước đây, đại lý ở địa phương giao vé số cho ông Sang với giá 8.900 đồng/tờ (bán ra giá cố định 10.000 đồng/tờ), như vậy anh được hưởng 1.100 đồng/tờ. Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, đại lý nâng giá thành 8.950 đồng/tờ, nên ông chỉ còn hưởng 1.050 đồng/tờ. Ông Sang cho hay: “Bình quân mỗi ngày bán 200 tờ vé số, vợ chồng tui bị giảm thu nhập 10.000 đồng, một tháng mất 300.000 đồng. Đại lý giải thích họ chỉ làm theo quy định công ty xổ số kiến thiết (XSKT)”.
Ông Sang ấm ức: “Vé số bán ế, các công ty tăng vé phát hành nhưng hiếm khi cho trả vé thừa. Đặc biệt, tiền lời bán vé số của tụi tui lại giảm, trong khi cái gì cũng lên giá. Họ làm vậy là gây thiệt thòi, bắt chẹt những người nghèo, người tàn tật bán vé số dạo như tụi tui”.
Từ ngày 1.4, mỗi công ty XSKT khu vực miền Nam phát hành 11 triệu tờ vé số, tương đương 110 tỉ đồng/kỳ (trước đó là 10 triệu vé, tương đương 100 tỉ đồng/kỳ/công ty XSKT).
Trong quý 1 vừa qua, đa số công ty XSKT khu vực miền Nam có tỷ lệ tiêu thụ từ 97 – 99%, cao nhất từ trước đến nay. Điều này cũng đồng nghĩa tỷ lệ vé tồn được trả rất thấp, thậm chí nhiều công ty không cho trả vé tồn, đã gây áp lực lớn cho các đại lý và nhất là cho người bán vé số dạo. Vì đại lý nào nộp tỷ lệ tiêu thụ càng cao càng có khả năng được tăng vé, ngược lại có nguy cơ bị cắt vé.
Bà Nguyễn Thị Hường (61 tuổi, quê Bình Định) bán vé số dọc đường Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, thở dài: “Bán vé số dạo đã hơn 30 năm, không lúc nào tui thấy trăn trở nhất như lúc này. Ngày trước ổ bánh mì chỉ có 5.000 đồng, mà hoa hồng bán vé số của tụi tui là 1.200 đồng/tờ. Nay ổ bánh mì đã lên 15.000 – 20.000 đồng, phòng trọ tui ở từ 500.000 đồng/tháng đã lên giá 1 triệu đồng/tháng, cái gì cũng lên giá gấp đôi – gấp ba, vậy mà hoa hồng vé số rớt xuống chỉ còn 900 – 1.150 đồng/tờ, khiến những người bán vé số dạo tụi tui thêm điêu đứng, lâm vô cảnh khó sống”.
Theo bà Hường, để bán được 200 tờ vé số/ngày, 6 giờ rưỡi bà đã ra khỏi nhà và đi miết tới 15 – 16 giờ, sau đó tiếp tục bán xuyên đêm tới 2 – 3 giờ hôm sau mới về…
Ai đã cắt giảm hoa hồng của người bán vé số dạo ?
Nhiều đại lý cấp 2, cấp 3 XSKT khu vực miền Nam cũng than thở dạo này họ phải lấy vé số từ đại lý cấp 1 với giá cao hơn trước. Để giữ nguyên lợi nhuận, họ “chuyển giao” toàn bộ thiệt thòi đó cho người bán dạo. Cạnh đó, cũng có một số ít đại lý lo bị mất bạn hàng nên không (chưa) tăng giá hoặc tăng giá phần nào, để san sẻ khó khăn với người bán dạo.
Bà T., chủ đại lý vé số cấp 3 ở P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết lâu nay bà lấy vé số tại một đại lý cấp 1 ở Q.Tân Bình. Từ ngày 1.4, đại lý cấp 1 giảm hoa hồng của bà T. ở mức 7.000 đồng/100 tờ vé số. Sau mấy hôm “chịu trận” một mình, từ ngày 5.4, bà T. quyết định “chia” cho người bán vé số dạo cùng gánh.
Theo đó, cứ 100 tờ vé số bán ra, bà T. chịu giảm lợi nhuận 2.000 đồng, người bán vé số dạo bị giảm hoa hồng 5.000 đồng. Tức là, người bán vé số dạo chỉ hưởng được 115.000 đồng/100 tờ (thay vì được 120.000 đồng như trước). Bà T. rầu rĩ: “Đại lý cấp 1 nói họ ưu tiên cho tôi, những chỗ khác họ giảm hoa hồng nhiều hơn. Họ bảo tôi muốn lấy vé thì lấy, còn không thì họ cũng… không cần. Chúng tôi sợ bị cắt vé, không có vé bán nên đành chấp nhận”.
Tại đại lý vé số T.Đ (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM), từ ngày 1.4, hoa hồng của người bán vé số dạo giảm 10.000 đồng/100 tờ. Ông Thành – chủ đại lý, tâm tư: “Bị giảm thu nhập, nhiều người bán vé số dạo bất bình phản đối. Tụi tui đâu muốn làm vậy, tại đại lý cấp 1 điều chỉnh hoa hồng thì mình cũng phải thực hiện theo giá mới. Có những nơi giảm hoa hồng của người bán dạo 20.000 – 30.000 đồng/100 tờ”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ trong ngành XSKT khu vực miền Nam khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện nhà nước và các công ty XSKT khu vực miền Nam điều chỉnh tỷ lệ hoa hồng. Theo quy định pháp luật, hoa hồng đại lý trước nay vẫn là 15%, trừ thuế thu nhập thì hệ thống phân phối nhận được 14,25%. Nghĩa là đại lý cấp 1 đại diện được nhận 14,25% tương đương 1.425 đồng/10.000 đồng mệnh giá mỗi tờ vé số. Từ đó, họ phân chia trong hệ thống cho đại lý cấp 2, cấp 3 và người bán dạo”. Vị này nhận định: “Đồng loạt tất cả hệ thống đại lý từ các tỉnh miền Tây, TP.HCM cho đến các tỉnh miền Đông Nam bộ đều tăng giá. Không thể nào nhóm người này tăng mà nhóm người kia không tăng được vì họ mua bán, trao đổi theo một cái dây, nên giá phải nhích lên hết”.
Một chuyên viên kỳ cựu trong ngành XSKT khu vực miền Nam quả quyết: “Các đại lý cấp 2, cấp 3 cũng than phiền chuyện này vì họ đâu muốn như vậy và họ đâu hưởng lợi gì. Do đại lý cấp 1 tăng giá, nên các đại lý cấp 2, cấp 3 cũng phải tăng theo để bù đắp khoản lợi nhuận của họ bị giảm”. Theo chuyên viên này, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người không có việc làm đã đổ dồn vào bán vé số kiếm sống. Hiện nay, lực lượng bán vé số dạo tại TP.HCM rất đông (ước tính hơn 100.000 người), trong khi số lượng vé số có giới hạn nên các đại lý giảm hoa hồng của người bán dạo.
Trong khi tỷ lệ hoa hồng phân phối vé số theo quy định không thay đổi mà hoa hồng của những người bán dạo bị cắt giảm là điều không phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo thêm khó khăn cho người lao động. Các công ty XSKT khu vực miền Nam cần vào cuộc xem xét điều chỉnh, ổn định hoa hồng cho người bán vé dạo, chứ không thể để mặc cho các đại lý tự quyết. Bởi trên thực tế, đa phần vé số đến tay người tiêu thụ là nhờ đội ngũ bán vé số dạo và nhiều người mua vé số vì thương hoàn cảnh khốn khó của người bán vé dạo.
NHƯ LỊCH
TNO