24/11/2024

Cuộc chơi pháp lý của ma trận nhập vắc xin

Cuộc chơi pháp lý của ma trận nhập vắc xin

Chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021, 13 quốc gia khu vực Mỹ Latin đã thay đổi nhiều điều luật của mình để có thể nhập vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19. Giá cả mua vắc xin cũng thiên hình vạn trạng.

Cuộc chơi pháp lý của ma trận nhập vắc xin - Ảnh 1.

Venezuela nhập về vắc xin Sputnik V của Nga tại sân bay ở thủ đô Caracas ngày 29-3 – Ảnh: REUTERS

Cuộc điều tra do Mạng lưới nhà báo Mỹ Latin vì sự minh bạch và chống tham nhũng (Red Palta) và Quỹ hướng dẫn lập pháp cho thấy trong khoảng thời gian trên, các quốc gia trong khu vực đã thông qua 23 quy định mới, bao gồm các đạo luật, sắc lệnh và nghị định, nhằm đảm bảo quyền lợi kinh tế và tính bảo mật cho các doanh nghiệp sản xuất vắc xin.

Việc nhập khẩu ồ ạt vắc xin phòng COVID-19 vào Mỹ Latin đang trong tình trạng không rõ ràng. Áp lực từ các hãng dược phẩm và việc các chính phủ đang tìm cách gấp rút thu mua hàng triệu liều vắc xin đã thúc đẩy những thay đổi về luật pháp ở hầu hết các nước trong khu vực.

Một số thay đổi, kể cả những thay đổi liên quan đến tính bảo mật của các hợp đồng, đã được thực hiện theo yêu cầu trực tiếp của các hãng dược phẩm. Tất cả các hợp đồng mua vắc xin phòng COVID-19 mà các nước trong khu vực đã ký đều là văn bản mật và hầu như không nước nào công bố giá nhập khẩu vắc xin.

Tấm khiên pháp lý

Brazil, Argentina, Colombia, Peru và một số quốc gia khác còn phải đối mặt với những đòi hỏi về việc bảo đảm lợi ích kinh tế do các hãng dược phẩm đặt ra. Tổng cộng đã có 8 nước Mỹ Latin phải thay đổi các điều luật, để có thể đứng ra gánh trách nhiệm trong trường hợp các nhà sản xuất vắc xin bị kiện vì những hiệu ứng tiêu cực xuất hiện trong quá trình tiêm chủng diện rộng.

Ví dụ, Colombia đã phải công khai quy định mới về khả năng ký kết một hợp đồng bảo hiểm tổng thể để chi trả những khoản phạt hoặc đền bù có thể có, một trong những yêu cầu mà Pfizer đưa ra khi đàm phán về việc mua bán vắc xin. Panama cũng phải tiến hành động thái tương tự.

Thậm chí, hãng dược phẩm này của Mỹ còn được nêu đích danh trong quy định mới về bảo mật hợp đồng. Cộng hòa Dominica đã ký kết thỏa thuận về các điều kiện liên quan với Pfizer. Theo thông tin của tổ chức Knowledge Ecology International, chính phủ đảo quốc Caribê này đã chấp nhận yêu cầu của nhà sản xuất vắc xin về việc miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp có khiếu kiện.

Trong vài tháng qua, một số chính phủ đã lên tiếng chỉ trích việc Pfizer đưa ra những đòi hỏi không thể chấp nhận trong mua bán vắc xin. Nhằm bảo vệ mình trước nguy cơ kiện tụng và đền bù, hãng dược phẩm này đã yêu cầu các nước phải thế chấp các tài sản của mình.

Các quan chức Chính phủ Peru đã tiết lộ với trang mạng Dư luận (Ojo Publico) rằng trong quá trình đàm phán, Pfizer từng đề nghị đưa vào hợp đồng điều khoản miễn trừ trách nhiệm của họ trong trường hợp vắc xin gây ra những hiệu ứng tiêu cực và việc giao hàng theo đợt bị chậm trễ, cùng các biện pháp bảo vệ khác để đề phòng khả năng bị kiện trong tương lai.

Ngay trong quá trình đàm phán, Chính quyền Lima đã ra sắc lệnh tối cao bày tỏ cam kết sẵn sàng chấp thuận phán quyết của các tòa trọng tài quốc tế trong trường hợp phát sinh tranh cãi pháp lý liên quan đến việc nhập khẩu vắc xin. Các cuộc đàm phán thường kéo dài vài tháng.

Cuối cùng, vào tháng 2-2021, tức 5 tháng sau khi thỏa thuận giữa Bộ Y tế Peru và Pfizer về các điều kiện liên quan được ký kết, hai bên đã ký hợp đồng mua 20 triệu liều vắc xin. Hợp đồng đầu tiên mua 9,9 triệu liều vắc xin trị giá 118,8 triệu USD, nghĩa là mỗi liều có giá 12 USD.

Mexico cũng hạn chế công khai thông tin. Trước yêu cầu thông tin của kênh truyền thông địa phương PODER, Bộ Y tế nước này cho biết 4 trong số các văn bản liên quan đến hợp đồng với Pfizer, AstraZeneca và Cansinobio được Chính phủ Mexico đánh dấu mật là “Bảo đảm kinh tế”, “Bảo hiểm và trách nhiệm”, “Miễn trừ trách nhiệm”, “Miễn và giảm trừ trách nhiệm trước những yêu cầu đền bù từ bên thứ 3”.

Nhìn chung, tất cả các hãng dược đều đòi hỏi các nước phải điều chỉnh luật lệ của mình để đảm bảo về mặt pháp lý các quyền lợi của họ, một điều kiện mà nhiều chính phủ cuối cùng cũng phải chấp nhận.

Felicitas Torrecilla, điều phối viên hoạt động điều tra của Quỹ hướng dẫn lập pháp, giải thích: “Chúng ta có thể thấy 13 chính phủ đã phải nhượng bộ đáng kể để có thể ký được hợp đồng mua vaccine, từ áp chế tới giới hạn quyền tiếp cận của công chúng đối với các thông tin quan trọng về những điều khoản thỏa thuận và giá cả mà mỗi nước phải trả. Những vấn đề này không chỉ giúp hiểu rõ tiến trình tiếp cận vắc xin của mỗi nước mà còn thách thức hệ thống y tế trong một thế giới bất bình đẳng”.

Cuộc chơi pháp lý của ma trận nhập vắc xin - Ảnh 2.

Tiêm chủng vắc xin ở Sao Paulo (Brazil) – Ảnh: REUTERS

Những hợp đồng được giấu kín

Nếu các nước không điều chỉnh luật lệ của mình để miễn trừ trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi kinh tế cho các hãng dược phẩm, thì họ phải thay đổi những quy định về việc công khai thông tin tiến trình nhập khẩu và nguyên tắc đấu thầu để các hãng dược phẩm được ký hợp đồng mua bán công tư trực tiếp.

Tổng cộng đã có 16 nước nhập khẩu vắc xin theo cách ký hợp đồng trực tiếp, nghĩa là không thông qua tiến trình đấu thầu như thường lệ.

Delia Ferreira Rubio, chủ tịch Tổ chức Minh bạch quốc tế, nhận định: “Không gì có thể biện hộ cho tính bí mật của những hợp đồng nhập khẩu vắc xin. Để có thể kiểm soát hoạt động của chính phủ, cần đảm bảo quyền tiếp cận các nội dung cơ bản của hợp đồng như giá cả, cách thức giao nhận, những tiêu chí trong việc phân phối và sử dụng vắc xin.

Tính bí mật tạo cơ hội cho các quan chức lạm dụng quyền lực vì lợi ích bản thân, người thân, bạn bè và đồng minh chính trị. Cách hành xử này là một trường hợp tham nhũng rõ ràng, vi phạm nghĩa vụ của các quan chức nhà nước và điều luật về đạo đức công”.

Peru là một trong những nước đầu tiên điều chỉnh các quy định của mình theo hướng này. Tháng 9-2020, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán với Pfizer, Sinopharm và một số hãng dược phẩm khác, Chính phủ Peru đã ban hành sắc lệnh khẩn cấp loại bỏ hoạt động nhập khẩu vắc xin ra khỏi phạm vi hiệu lực của Luật về hợp đồng của nhà nước. Điều này cũng được áp dụng cho cả tiến trình mua sắm, phân phối và sử dụng những vật tư hỗ trợ kế hoạch tiêm chủng.

Tương tự, năm 2021, sau khi công khai bảo vệ các hợp đồng mua bán vắc xin và các điều khoản về tính bảo mật, Chính phủ Peru đã ban hành một quy định khác nhằm che lấp quá trình nhập khẩu vắc xin.

Thủ tướng Peru Violeta Bermúdez khi đó phát biểu: “Khi các điều khoản này hết hiệu lực, các hợp đồng sẽ được công khai. Điều này không chỉ diễn ra với riêng Peru. Do vắc xin là một tài sản hiếm nên những hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất vắc xin đều có những điều khoản này”.

Một trường hợp tương tự là Mexico, nước đã điều chỉnh một số quy định cho phép thanh toán trước hoặc ứng trước để nâng cao khả năng ký được hợp đồng mua vắc xin trong thời gian sớm nhất có thể.

Sự thiếu minh bạch cũng được thấy ở các quy định mới tại Uruguay, nước cũng đã tiến hành các điều chỉnh pháp lý theo hướng tương tự. Các sắc lệnh của những bộ trưởng liên quan tới việc nhập khẩu vắc xin ở nước này đều được liệt vào danh sách các văn bản bảo mật, nghĩa là không cho công chúng tiếp cận.

Cuộc chơi pháp lý của ma trận nhập vắc xin - Ảnh 3.

Cuba thử nghiệm vắc xin Soberana-02 – Ảnh: REUTERS

Những quy định và luật lệ sẵn có hoặc mới được đưa ra về tính bảo mật cho thấy không một nước Mỹ Latin nào công bố các văn bản liên quan tới việc nhập khẩu vắc xin (ngoại trừ Chile, nơi Tổ chức Minh bạch quốc tế được tiếp cận một bản sao có bôi đen nhiều chi tiết của hợp đồng giữa Santiago và quỹ COVAX), cũng như quá trình thương lượng với các hãng dược phẩm.

Tuy nhiên, một số nước như Mexico và Costa Rica đã quy định thời hạn cho việc bảo mật thông tin về đàm phán và hợp đồng nhập khẩu vắc xin. Chính phủ Mexico đã dựa vào Luật minh bạch để xác định thời hạn bảo mật là 5 năm; ở Costa Rica, thời hạn này là 1 năm.

Ngoại trừ Honduras, quốc gia đã công bố giá trị của toàn bộ lượng vắc xin nhập khẩu qua quỹ COVAX, không một quốc gia nào trong khu vực cung cấp đầy đủ thông tin về giá của mỗi liều vắc xin nhập khẩu. Theo bộ trưởng Y tế Chile, quốc gia Nam Mỹ này phải trả 12 USD cho mỗi liều vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và 11,4 USD cho mỗi liều của Sinovac.

Trong khi đó, tại Mexico, thứ trưởng Y tế phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy y tế cho biết nước này đã trả 9,95 USD cho mỗi liều vắc xin Sputnik V và 4 USD cho mỗi liều của AstraZeneca.

Mặc dù Chính phủ Mexico tuyên bố các hợp đồng với Pfizer, AstraZeneca/Oxford, Cansino và Gavi Alliance là thông tin mật nhưng ngày 28-2 vừa qua, Viện quốc gia về minh bạch, tiếp cận thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân (INAI) ra thông cáo rằng sau một loạt cuộc họp với các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, hợp đồng “Thỏa thuận mua có chọn lọc” với Gavi Alliance đã được công khai ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan này vẫn chưa công bố chi tiết của văn bản trên.

Cũng trong khu vực này, Chính phủ Panama tuy đã thông qua các nghị định, biên bản ghi nhớ liên quan và thỏa thuận về tính bảo mật, nhưng vẫn cho phép công bố giá trị của lô vắc xin gồm 4 triệu liều của Pfizer là 48 triệu USD (với 8 triệu USD được trả trước).

Tại Peru, dù giá trị cuối cùng của những hợp đồng này được giữ kín nhưng theo thông tin của trang mạng Dư luận, hợp đồng nhập khẩu 300.000 liều vắc xin từ Hãng dược Sinopharm của Trung Quốc có giá 6 triệu USD, tương đương 20 USD/liều. Sau khi báo chí đăng tải thông tin này, các quan chức đã xóa số liệu trên trong hồ sơ nhập cảnh tại hải quan cho các lô vắc xin sau đó.

Ý NGUYÊN
TTO