Sẽ tính lại chuyện thu phí BOT đường thuỷ Bình Lợi
Ông HOÀNG TUẤN KHOÁT – phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) – nói về dự án BOT đường thuỷ Bình Lợi vừa bị kết luận có nhiều sai phạm trong đó giảm mức đầu tư gần 230 tỉ đồng.
Sẽ tính lại chuyện thu phí BOT đường thuỷ Bình Lợi
Ông HOÀNG TUẤN KHOÁT – phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) – nói về dự án BOT đường thuỷ Bình Lợi vừa bị kết luận có nhiều sai phạm trong đó giảm mức đầu tư gần 230 tỉ đồng.
Dự án BOT đường thuỷ xây cầu sắt và cải tạo luồng sông được Bộ GTVT chỉ ra nhiều sai phạm – Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Hoàng Tuấn Khoát cho biết từ kết luận này, các đơn vị liên quan sẽ điều chỉnh phương án thu phí hoàn vốn trong thời gian tới của dự án BOT đường thuỷ Bình Lợi (còn gọi là dự án “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương)”.
Trước đó ngày 29-11, báo Tuổi Trẻ đã đăng bài Chưa đủ cơ sở thu phí dự án BOT đường thủy đầu tiên.
Sẽ thông cầu đường sắt quý 2-2019
* Dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2017 nhưng đến nay đã chậm tiến độ hơn một năm so với hợp đồng. Vì sao thưa ông?
– Lúc chúng tôi nhận bàn giao từ Cục Đường thủy nội địa VN hồi tháng 9-2017, dự án này đã chậm tiến độ, khối lượng công việc chỉ đạt khoảng 6%. Việc này do giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục xin phép phong tỏa đường sắt gặp khó khăn…
Thời điểm đó, do hết hạn hiệu lực hợp đồng BOT nên chúng tôi xin điều chỉnh thời gian hoàn thành. Hiện công trình thi công trôi chảy, hoàn thành được 80% và phấn đấu đến quý 2-2019 sẽ thông cầu đường sắt Bình Lợi mới.
* Có phải do liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đô thị xanh và Công ty cổ phần đầu tư & xây dựng STD Việt Nam yếu năng lực dẫn đến tiến độ ì ạch?
– Qua thực tế, nhận định việc nhà thầu yếu là đúng. Hiện nhà đầu tư đã nộp đủ vốn chủ sở hữu đúng quy định tránh tình trạng “tay không bắt giặc”, đồng thời ngân hàng cũng chính thức ký hợp đồng tài trợ vốn cho dự án.
Về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể thay nhà đầu tư khác, tuy nhiên việc thay đó có đảm bảo tiến độ hay không là cả một vấn đề.
Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải nhắc nhở, thậm chí đề nghị thanh lý hợp đồng đối với nhà thầu thi công, tư vấn làm việc lẹt phẹt, ì ạch tư duy theo kiểu “ôm” việc.
* Phải chăng do lập dự án quá nhanh, quá vội dẫn đến có sai sót trong tổng mức đầu tư khiến Bộ GTVT yêu cầu giảm hơn 229 tỉ đồng?
– Có một số khoản mục được duyệt ban đầu chưa chính xác, chúng tôi đã chỉ đạo tư vấn cập nhật lại và nghiêm túc thực hiện điều chỉnh theo kết luận thanh tra.
* Ngoài loại bỏ chi phí tính chưa đúng, còn gói thầu nào trong dự án này thực sự không cần thiết?
– Dự án được duyệt có gói thầu nạo vét với chiều dài 71km, chi phí khoảng 170 tỉ đồng nhưng sau đó chúng tôi thấy không cần thiết bởi luồng sông còn đủ độ sâu cho tàu thuyền lưu thông nên sẽ cắt đi. Hiện các yếu tố kỹ thuật trong dự án này đang được các đơn vị cân nhắc, xem xét cẩn trọng.
Công khai phí trước khi thu
* Vậy phương án thu phí hoàn vốn tính toán lại như thế nào?
– Đối tượng thu phí thu hồi vốn cho dự án là tàu thuyền vận tải có tải trọng từ 300 tấn trở lên, mức thu 70 đồng/tấn/km, dự kiến trong 20 năm 9 tháng.
Tuy vậy, do thông tư 80/2015 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí hoàn vốn cho dự án đã hết hiệu lực nên nhà đầu tư đã gửi văn bản cho địa phương liên quan dự án để hoàn tất thủ tục pháp lý về giá, từ đó sẽ trình Bộ GTVT.
Thời điểm thu phí là sau khi dự án hoàn thành, và mức phí được các bộ ngành chấp nhận.
* Theo ông, doanh nghiệp vận tải thuỷ có chấp nhận thu phí đường thủy để trả tiền đầu tư cho cầu đường sắt, theo như kỳ vọng?
– Không thể nói thu phí một nơi trả tiền một nơi được vì mục tiêu dự án là cải tạo cầu, luồng sông cho tàu thuyền được hưởng tiện ích.
Trước đây, tàu 300 tấn trở lên không thể qua cầu sắt cũ khi thuỷ triều lên, khi cầu mới xây xong, các tàu này được hưởng lợi nên phải nộp phí, còn tàu dưới 300 tấn thì không.
Hiện ý tưởng về phương án tài chính giữa các bên liên quan vẫn chưa được thống nhất và các đơn vị đang ngồi lại bàn bạc điều chỉnh cho phù hợp.
* Nhưng nếu phí cao, đơn vị vận tải chọn đường bộ thay vì đường thuỷ?
– Việc này nhà đầu tư phải cân đối. Nếu không có phương tiện đi qua tuyến đường thủy, chắc chắn phương án tài chính thu hồi vốn sẽ phá sản, phí cao quá người ta sẽ không đi.
Đường thủy chỉ có một tuyến từ cầu Bình Lợi lên cảng Bến Súc nhưng chủ phương tiện vẫn có nhiều lựa chọn khi đi bằng đường bộ hoặc chọn cảng khác đổ hàng. Nhà đầu tư sẽ niêm yết giá công khai và lấy ý kiến các bên liên quan trước khi chính thức thu phí.
* Bài học BOT đường bộ thời gian qua được áp dụng thế nào trong dự án BOT đường thủy đầu tiên?
– Chúng tôi là đơn vị mới tiếp nhận quản lý các dự án BOT như cầu Đồng Nai, Bình Lợi và sẽ nỗ lực đảm bảo chất lượng, không chấp nhận chuyện phải trả tiền để mua sản phẩm kém.
Từ những vấn đề đường bộ, chúng tôi sẽ giám sát dự án này minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, đặc biệt thoả mãn kỳ vọng chung của mục đích đầu tư dự án.
Giảm 229 tỉ chi phí do tính sai
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan giảm trừ chi phí tính sai, không thực hiện… khoảng 229 tỉ trên 1.302 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư ban đầu dự án và tính lại lưu lượng vận tải thông qua luồng sông cho chính xác.
Sau khi điều chỉnh, các đơn vị phải tính lại phương án hoàn vốn dự án sao cho phù hợp, đảm bảo việc thu đúng đối tượng và ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư.