Biệt thự bỏ hoang cũng dậy sóng trong cơn sốt đất ảo
Biệt thự bỏ hoang cũng dậy sóng trong cơn sốt đất ảo
Thời gian gần đây, không chỉ ở các địa phương có thông tin từ huyện lên quận hay sắp có dự án, khu công nghiệp… xảy ra sốt đất ảo, mà ngay chính những căn biệt thự bỏ hoang cả 10 năm nay ở Hà Nội cũng được dựng dậy để đón sóng.
Đầu tháng 4, khi ghé lại khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh), nhiều người không khỏi bất ngờ bởi nhan nhản biển quảng cáo nhà đất “mọc” lên cạnh những căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang phế hơn 10 năm nay.
Anh Lê Viết Hùng (31 tuổi, nhân viên môi giới tại khu đô thị Hà Phong) mời chào: “Khoảng nửa tháng nay, khách từ nội thành đổ về khu vực này hỏi mua nhưng hàng rất khan, riêng biệt thự thì đã hết. Đến nay chỉ còn đất nền với nhà liền kề. Giá đất nền trong khu đô thị là khoảng 25 triệu đồng/m2, nhà liền kề cộng thêm 3 triệu đồng/m2 sàn đã xây dựng”.
Anh này nói: “Riêng ngoài mặt đường khu đô thị, giá khoảng 67 triệu đồng/m2“.
Tuy nhiên, người dân sinh sống trong khu đô thị Hà Phong cho biết thời điểm cuối năm 2020 giá chỉ dưới 23 triệu đồng/m2.
Một nhân viên khác tên Tuân quảng cáo: “Thời gian gần đây, công ty em ngày nào cũng tiếp khách đến hỏi mua biệt thự. Hiện tại hàng chỉ còn một số căn biệt thự rộng 300m2 giá trên 9 tỉ đồng, còn chủ yếu là đất nền. Giá đất cũng đã tăng hơn 20% so với 1 tháng trước”.
Ở một số khu vực khác như khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức), khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cũng đang có “kịch bản” rất giống khu đô thị Hà Phong, bởi hàng loạt căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang cả 10 năm nay bỗng dưng sốt ảo trở lại. Theo một người môi giới bất động sản, giá nhà đất khu vực này đã tăng lên khoảng 10% trong khoảng nửa tháng gần đây.
“Sau 2 tuần, mỗi một căn biệt thự cũng đã tăng thêm 2 tỉ, nhà liền kề cũng tăng hơn 1 tỉ. Cụ thể giá căn biệt thự 300m2 đã tăng từ 18 tỉ lên hơn 20 tỉ đồng, trong khi nhà liền kề từ 9 tỉ cũng tăng lên hơn 10 tỉ đồng” – Phương Nga (nhân viên môi giới) giới thiệu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở cả ba khu đô thị này rất ít giao dịch của nhà đầu tư hay khách hàng có nhu cầu ở, mà chủ yếu được “cò” thổi giá bán kiếm lời. “Họ đến xem nhà đất rồi hét giá rất cao, thấy nghi nghi nên điện cho chủ nhà hỏi xem sao thì họ trả lời là không có nhu cầu chuyển nhượng hay cho thuê…” – bà Thương (57 tuổi, sinh sống trong khu đô thị Hà Phong) nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Anh Tuấn, chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ rà soát, cảnh báo để người dân tránh mắc bẫy do “cò” đất thổi giá tại khu đô thị Hà Phong.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng thời gian gần đây tình trạng những người buôn bán bất động sản, “cò” đất dựng lên chuyện khan hiếm thị trường nhằm đẩy giá lên cao diễn ra rất phức tạp.
Luật sư Tú cho rằng hành vi thổi giá bất động sản đã xâm phạm nghiêm trọng tới lợi ích của người dân. Để ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” bất động sản, nên xem xét xử lý mạnh hành vi thổi giá, sự việc nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự.
Thành ủy Hà Nội cũng vừa yêu cầu cấp ủy, UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng hiện tượng “sốt đất ảo”, tạo “sóng”, đẩy giá không phải bây giờ mới có. Để ngăn chặn tình trạng người người đổ tiền đi mua đất, ông Chính cho rằng chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phải có thông tin chính thức, định hướng cho người dân.
Giải pháp căn cơ để kìm giá đất theo đúng giá trị thật của nó, ngăn chặn đầu cơ bất động sản, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, kiến nghị cần phải ban hành luật thuế tài sản hay trước mắt là thuế nhà đất.