23/11/2024

Philippines đính chính cấu trúc nhân tạo ở cụm Sinh Tồn ‘không mới’

Philippines đính chính cấu trúc nhân tạo ở cụm Sinh Tồn ‘không mới’

Trong tuyên bố ngày 3-4, quân đội Philippines xác nhận các cấu trúc nhân tạo ở cụm Sinh Tồn mà lực lượng này ghi nhận ngày 30-3 là “không mới”. Thông báo trước đó khiến nhiều người hiểu lầm Trung Quốc đang âm thầm bồi đắp trái phép.

 

Philippines đính chính cấu trúc nhân tạo ở cụm Sinh Tồn không mới - Ảnh 1.

Đá Gạc Ma thuộc cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép và cải tạo kiên cố – Ảnh: CSIS/AMTI

“Ngoại trừ các cấu trúc nhân tạo đã được ghi nhận ở cụm Sinh Tồn trước đây, chúng tôi không phát hiện cấu trúc mới nào khác”, phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), thiếu tướng Edgard Arevalo, khẳng định trong tuyên bố ngày 3-4.

Theo ông Arevalo, các cấu trúc nhân tạo được AFP ghi nhận trên hai thực thể bị Trung Quốc kiểm soát thuộc cụm Sinh Tồn là đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma.

Những hình ảnh vệ tinh được Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ công bố trước đây cho thấy Bắc Kinh đã ngang nhiên cải tạo hai thực thể này thành các tiền đồn quân sự kiên cố, bất chấp luật pháp và sự phản đối của Việt Nam lẫn quốc tế.

Trong tuyên bố ngày 3-4, tướng Arevalo cho biết AFP rất lo ngại về sự hiện diện đông đảo của tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu, một thực thể khác thuộc cụm Sinh Tồn của Việt Nam. Ông khẳng định Philippines sẽ tiếp tục cử tàu tuần tra và máy bay tuần thám “theo dõi 24/7” nhóm tàu Trung Quốc tại khu vực.

Đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm ngày 14-3-1988. Khi bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh. Bất chấp các cam kết quốc tế, Trung Quốc bắt đầu bồi đắp và biến Gạc Ma thành tiền đồn quân sự kiên cố vào năm 2014.

Đá Tư Nghĩa, hay còn có tên khác là đá Huy Gơ, cũng bị Trung Quốc đổ quân chiếm đóng trong cùng năm 1988. Việc cải tạo trái phép đá Tư Nghĩa được tiến hành song song với các hoạt động phi pháp ở đá Gạc Ma.

Philippines đính chính cấu trúc nhân tạo ở cụm Sinh Tồn không mới - Ảnh 3.

Tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu ngày 23-3 nhìn từ vệ tinh – Ảnh: MAXAR/Rappler

Hôm 1-4, tình hình đá Ba Đầu và cụm Sinh Tồn thu hút sự chú ý mạnh sau khi AFP cho biết đã ghi nhận một số cấu trúc nhân tạo ở cụm Sinh Tồn sau chuyến bay tuần thám ngày 30-3. Tham mưu trưởng AFP, tướng Cirilito Sobejana, sau đó nhận xét ông tin rằng Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc này.

Trước đó, ngày 31-3, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon Jr khẳng định các tàu Trung Quốc ở cụm Sinh Tồn là tàu dân quân biển và cảnh báo các tàu này “có thể đang tiến hành các hoạt động bất hợp pháp vào ban đêm”.

Các thông tin trên trùng với thời điểm Trung Quốc giảm số tàu neo đậu tại đá Ba Đầu và dồn về đá Ken Nan cũng thuộc cụm Sinh Tồn. Nhiều người đã xâu chuỗi thông tin và suy đoán Bắc Kinh đã lén lút xây dựng các cấu trúc nhân tạo phi pháp mới trong thời gian tàu Trung Quốc neo đậu phi pháp.

Tuyên bố của AFP ngày 3-4 do đó có thể nhằm làm rõ lại các thông tin công bố ngày 1-4 và bác bỏ có sự thay đổi hiện trạng ở cụm Sinh Tồn.

Việt Nam đã nhiều lần thể hiện rõ lập trường về vấn đề này, nhấn mạnh mọi hành động của nước ngoài trong vùng biển Việt Nam mà không có sự cho phép của Việt Nam là phi pháp, đi ngược lại luật quốc tế.

Trong cuộc họp báo ngày 25-3-2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Hành vi của Trung Quốc còn vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc.

Về vấn đề tàu chấp pháp Việt Nam xuất hiện tại đá Ba Đầu, bà Thu Hằng nêu rõ: “Tôi có thể nói các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ, như đã được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam, cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó trước hết là UNCLOS 1982”.

BẢO DUY
TTO