Giá đất ‘lên đồng’ khắp nơi
Giá đất ‘lên đồng’ khắp nơi
Thông tin quy hoạch, nâng cấp lên quận, TP; có dự án lớn đầu tư; đề xuất xây dựng sân bay… hay thậm chí chẳng có thông tin gì cũng khiến giá đất “nhảy dựng” lên ở khắp nơi.
Thuê “cò” tạo sóng ảo
Tại khu vực các tỉnh phía bắc, “cò” đất thường dùng mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn mời chào, tư vấn mua đất đầu cơ, ít tụ tập huyên náo, ghi giấy tay ngay tại chỗ, tạo ra những cơn sóng đất chấn động cả nước như ở phía nam, nhưng giá đất vẫn tăng nóng đến mức phi lý.
|
Các huyện ngoại thành TP.Hà Nội như Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì…, có giá đất nền từ thời điểm sau Tết âm lịch đã lập mặt bằng mới trung bình cao hơn từ 40 – 60%. Địa phương có giá đất tăng nhanh nhất là H.Hoài Đức do thông tin sắp lên quận, các “cò” đất ra sức thổi khiến giá đất như “lên đồng”.
Dẫn chúng tôi trở lại khu đất phân lô thuộc xã Di Trạch, H.Hoài Đức có vị trí chỉ cách đường vành đai 3,5 đang thi công dang dở, “cò” đất tên Ngọc Tiến nhăn mặt trách: “Trước tết âm lịch, anh không nghe em vào lô này chỉ 41 triệu đồng/m2. Em giới thiệu cho một chị mua giá đó, sau đấy bán được 47 triệu/m2 ngay sau tết. Bây giờ thì chủ đất đòi giá thu về đúng 60 triệu đồng/m2 mới bán”. Vừa nói, Tiến vừa mở tin nhắn cho chúng tôi xem để chứng minh. Tuy nhiên, khi chúng tôi chìa giấy tờ sở hữu một lô đất chính trong khu này ra nhờ rao bán giúp với giá chỉ 55 triệu đồng/m2, Tiến viện đủ lý do để thoái thác.
Tại các huyện phía tây TP.Hà Nội như Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì hay Lương Sơn, TP.Hòa Bình của tỉnh Hòa Bình…, thì giá đất cũng “tăng dựng đứng”. Khoảng 6 – 8 tháng trước, nhiều vị trí đất tại những địa phương này vẫn còn rao bán theo dạng từng héc ta hay vài nghìn mét vuông.
“Xé nhỏ ra bán vừa được giá, vừa dễ bán hơn vì vừa túi tiền nhiều đối tượng. Trước đây, bán những mảnh lớn, chỉ cỡ đại gia hoặc người có tích lũy lâu mới mua được”, Nguyễn Phương, “cò” chuyên về đất nghỉ dưỡng, kho bãi ở vùng này, giảng giải. Sau nhiều ngày làm thân, Phương mới thú nhận anh làm công cho một ông chủ người Hà Nội ôm nhiều đất nghỉ dưỡng ở phía tây Hà Nội từ nhiều năm trước, giờ muốn tạo sóng để đẩy hàng ra, thu vốn về. “Nhưng rao bán nhiều mà kết quả chốt mua bán thật rất ít. Cả đội bán hàng thuê lúc trước đông, giờ chỉ trụ lại vài người nhưng khách hỏi thì vẫn phải diễn sao cho thật giống đang sốt đất”, Phương nói.
|
Tương tự, sau thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được thông qua vào tháng 6 tới, giá đất khu vực này tăng phi mã. Tại P.Cự Khối (Q.Long Biên), mảnh đất trong ngõ rộng 3 m hiện được chủ nhà chào bán với giá 55 triệu đồng/m2, trong khi trước đó không lâu, giá đất tại khu vực này chỉ dao động 40 – 45 triệu đồng/m2. Nguyễn Chí Thành, môi giới nhà đất tại Q.Long Biên, cho hay khi chưa có thông tin quy hoạch sông Hồng, giá đất tại khu vực này chỉ 40 triệu đồng/m2 ngõ ô tô, nhưng từ khi có quy hoạch, các chủ nhà đều đồng loạt tăng từ 5 – 15 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực ven sông Hồng ở Q.Long Biên giá đất tăng từ 20 – 30% chỉ trong khoảng 1 tuần… Ăn theo thông tin quy hoạch sông Hồng, giá đất nhiều khu vực thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng… đều “tăng dựng đứng”. Thậm chí, đất nông nghiệp ở bãi ven sông cũng tăng từ vài ba triệu đồng/m2 lên gần 10 triệu đồng/m2, mua bán bằng giấy tờ viết tay… Tuy nhiên, nhiều môi giới thừa nhận chỉ là giá rao bán, còn ít có giao dịch thật.
Quy trình sốt đất “sân bay”
Ở phía nam, sốt đất từ các đề xuất xây dựng sân bay trở thành… mốt. Mới nhất là cơn sốt đất ở Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), vừa có thông tin cơ quan chức năng khảo sát thực địa sân bay lưỡng dụng Técníc để lập đề án quy hoạch xây dựng sân bay lưỡng dụng thì ngay lập tức giới “cò” đất đã làm loạn giá thị trường.
Chỉ trong một tuần, giá đất tại đây đã tăng nhiều lần, từ khoảng 100 triệu đồng/m ngang đã được đẩy lên 300 triệu đồng, thậm chí có nơi gần sân bay lên đến 400 triệu đồng/m ngang.
Kịch bản sốt đất lần này cũng tương tự như cơn sốt đất ở Bình Ba hồi đầu năm 2020, khi các lô đất được các nhóm đầu cơ đặt cọc sau đó sổ hồng khu đất được photocopy ra hàng loạt để đưa cho cò đất địa phương chào bán chênh lệch. Nhưng cũng như ở Bình Ba, cơn sốt đất nhanh chóng bị dập tắt bởi việc đầu tư sân bay cũng chỉ trong ý tưởng và cơn sốt đất chỉ là sốt ảo do các nhóm đầu cơ gây ra.
Trước đó, tại Bình Thuận cơn sốt đất liên quan đến thông tin xây dựng sân bay nơi đây cũng đã diễn ra. Giá đất ngay lập tức tăng gấp đôi. Anh Sang, một nhà đầu tư đến từ TP.HCM, cũng hồ hởi lao vào cơn sốt khi mua 1.000 m2 đất vườn ở xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc với giá 500 triệu đồng. Cũng giống như anh, nhiều bạn bè trong số đó cũng mua đất nông nghiệp với mức giá tương tự. Đến cuối năm 2020, trong lúc khó khăn về vốn, anh đã gọi điện nhờ chủ đất là dân đầu tư tại địa phương bán mảnh đất trên với giá 600 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa bán được. Khi giá đất tại Bình Thuận “leo thang” theo sân bay, các dự án bất động sản cũng đồng loạt mở bán và tăng giá theo, với mức tăng chóng mặt. Đơn cử dự án Queen Pearl Mũi Né năm 2016 bán khoảng 8 triệu đồng/m2 thì đến năm 2019 khi cơn sốt đất diễn ra, giá đất ở đây đã lên đến 20 triệu đồng/m2 và cá biệt có dự án giá lên đến 50 triệu đồng/m2 bao gồm cả nhà và đất.
Đà Nẵng bác thông tin giá đất tăng đột biến
Ngày 2.4, Sở TN-MT TP.Đà Nẵng đã phát đi thông cáo cảnh báo “có hiện tượng đầu cơ tạo “sốt ảo” để trục lợi tập trung ở các khu vực có các dự án lớn chuẩn bị triển khai”. Theo số liệu báo cáo của Văn phòng đăng ký đất đai Q.Liên Chiểu, bình quân đăng ký chuyển quyền sử dụng đất quý 1 là 15 hồ sơ/ngày. Riêng trong tháng 3, là khoảng 20 hồ sơ/ngày. “Như vậy, không có dấu hiệu tăng đột biến. Đối với các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận huyện khác, bình quân đăng ký chuyển quyền sử dụng đất quý 1 là 12 hồ sơ/ ngày”, Sở TN-MT TP khẳng định.
Hoàng Sơn
Tiềm ẩn rủi ro
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nêu quan điểm sốt đất là bệnh cũ nhưng vẫn chưa có “thuốc đặc trị”. Để tìm ra phương thuốc cắt cơn sốt đất, cần nhận biết rõ nguyên nhân. Một trong các nguyên nhân là dịp đầu năm có nhiều ý tưởng quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội mới được đưa ra. Ở phía nam là TP.Thủ Đức, cao tốc huyết mạch tại TP.HCM… Ở phía bắc, có quy hoạch TP.Sơn Tây, thành phố ven sông Hồng… Cộng hưởng với những thông tin về quy hoạch sân bay Long Thành (Đồng Nai), đặc khu kinh tế – hành chính Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh)…
Nguyên nhân thứ hai là giới đầu cơ đất, “cò” đất vì trục lợi mà không ngần ngại tung ra nhiều thông tin thất thiệt về pháp luật, quy hoạch… tạo nên những cơn sốt đất “ảo” khắp nơi nhằm lôi kéo người dân dồn tiền vào mua đất, qua đó ăn chi phí môi giới hoặc chênh lệch chuyển nhượng.
|
Một nguyên nhân khác là dịch bệnh kéo dài, khiến sản xuất tắc nghẽn nhiều, lãi suất ngân hàng thấp, xã hội dôi dư vốn nên để bảo toàn vốn, tâm lý người dân đổ vào mua đất nhiều…
Mới đây trong phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảnh báo bất chấp Covid-19, giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm do lãi suất thấp nên dòng vốn đang tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thay vì để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực bất động sản. Một nguyên nhân nữa là công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới. Thời gian qua, thị trường trái phiếu phát triển nhanh, nhưng chủ yếu là trái phiếu của bất động sản, ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
ĐÌNH SƠN – LÊ QUÂN
TNO