Lo ngại nguy cơ nội chiến ở Myanmar
Lo ngại nguy cơ nội chiến ở Myanmar
Một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc hôm qua cảnh báo nguy cơ nội chiến và nhiều diễn biến đáng lo ngại có thể sắp xảy ra, liên quan các hành động của quân đội Myanmar đối với người biểu tình.
Theo Reuters, trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên LHQ về Myanmar, phát biểu: “Tôi kêu gọi hội đồng xem xét tất cả công cụ hiện hữu để đưa ra hành động tập thể về Myanmar. Chúng ta sẵn sàng đối thoại với chính quyền quân sự. Tuy nhiên, nếu chúng ta đợi đến khi họ sẵn sàng đối thoại thì tình hình sẽ tồi tệ hơn”.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi quân đội Myanmar đụng độ với ít nhất 2 nhóm vũ trang thiểu số, bao gồm tổ chức Quân đội độc lập Kachin (KIA) và Liên minh quốc gia Karen (KNU), khiến ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng, theo Reuters. Những ngày gần đây, các nhóm vũ trang thiểu số tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào quân đội, cảnh sát sau khi quân đội tiến hành những đợt không kích nhắm vào nhóm KNU cuối tuần rồi.
Bên cạnh đó, một số trong khoảng 20 nhóm vũ trang thiểu số, kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở các vùng biên giới, đã đe dọa sẽ tham gia cuộc chiến chống lại quân đội của phe biểu tình, theo AFP. Trước tình thế đó, chính quyền quân sự Myanmar hôm qua tuyên bố đang thực hiện lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài 1 tháng nhưng có ngoại lệ là không nhân nhượng những hành động chống phá chính quyền quân sự, tức ám chỉ các cuộc biểu tình diễn ra hằng ngày trên toàn quốc kể từ cuộc chính biến hôm 1.2.
Tuy nhiên, trong ngày 1.4, những cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự vẫn tiếp diễn ở khắp Myanmar. Người biểu tình ở TP.Yangon còn đốt các bản sao hiến pháp năm 2008 để phản đối chính quyền quân sự. Cùng ngày, một nhóm các nghị sĩ bị lật đổ thuộc đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi công bố kế hoạch thành lập “một chính phủ dân sự mới” ngay đầu tháng 4. Theo Reuters, ít nhất 536 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ ngày 1.2.
Luật sư Khin Maung Zaw của bà Suu Kyi cho Reuters biết bà Suu Kyi tiếp tục hầu tòa vào ngày 1.4, bị truy tố thêm tội vi phạm luật bảo vệ bí mật nhà nước (tội này có mức án tù cao nhất là 14 năm). Trước đó, bà Suu Kyi đã bị truy tố một số tội nhẹ sau khi chính quyền quân sự cáo buộc bà nhập khẩu bất hợp pháp 6 bộ đàm và vi phạm quy định phòng dịch Covid-19.
Trung Quốc và Singapore bàn về Myanmar
CNA ngày 1.4 đưa tin Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho hay ông vừa kết thúc chuyến thăm 2 ngày đến tỉnh Phúc Kiến và gặp gỡ Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Hai bên đã thảo luận tìm cách phục hồi đi lại dần dần và thận trọng, trong bối cảnh hai nước mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ông Balakrishnan cho hay hai bên đã thảo luận về “tình hình rất rắc rối ở Myanmar”. Ngoại trưởng Singapore lo ngại về bạo lực leo thang tại Myanmar, nhất là vào Ngày quân đội Myanmar vừa qua. Ông cho biết Singapore và Trung Quốc đồng ý sẽ vẫn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác. Theo ông, LHQ và ASEAN chắc chắn sẽ cố gắng hỗ trợ theo tinh thần xây dựng và không can thiệp, nhưng theo cách để hướng tới đối thoại.
Khánh An
PHÚC DUY
TNO