Chú ý gì về đề thi tham khảo môn ngữ văn 2021?
Chú ý gì về đề thi tham khảo môn ngữ văn 2021?
Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đối với môn ngữ văn, môn tự luận duy nhất của kỳ thi, thí sinh cần chú ý gì để ôn tập?
So với đề thi các năm trước, đề thi tham khảo môn ngữ văn năm nay không có sự thay đổi về thời gian làm bài, cấu trúc, cách yêu cầu và thang điểm cũng không thay đổi. Độ khó của đề có giảm nhẹ nhưng không nhiều so với đề thi năm 2020.
Đọc hiểu chủ yếu tập trung vào nhận biết và thông hiểu
Trong đó, đáng chú ý là ở phần đọc hiểu (3 điểm) các câu hỏi có phần giảm nhẹ độ khó, chủ yếu tập trung vào nhận biết và thông hiểu.
Như câu 1, xác định thể thơ (tự do). Câu 2: chỉ ra 2 hình ảnh trong văn bản diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung (chẳng hạn: trên nắng và dưới cát, mảnh đất nghèo mồng tơi không chịu rớt…). Câu 3: từ 3 câu thơ (Miền Trung/ Eo đất này thắt đáy lưng ong/ Cho tình người đọng mật), thí sinh “hiểu gì” về “mảnh đất” và “con người” miền Trung. Câu này gồm 2 vế, yêu cầu thí sinh phải phân tích câu hỏi để trả lời cho đúng. Gợi ý trả lời như sau, về mảnh đất: dải đất hẹp, như lưng con ong (kiến thức địa lý); về con người: thân mật, thủy chung, son sắt…, như đọng mật.
|
Ở câu 4 phần đọc hiểu, thí sinh chú ý là “nhận xét về tình cảm của tác giả với miền Trung” chứ không phải tình cảm của bản thân thí sinh. Vì câu hỏi này thường nêu suy nghĩ bản thân. Để trả lời, thí sinh chú ý đoạn thơ gồm 3 khổ, mỗi khổ tương đương với 1 ý. Chẳng hạn thí sinh có thể nêu: tình cảm yêu mến, gắn bó, day dứt… của tác giả với miền Trung qua những câu ví dặm (5 câu đầu); sự thương cảm của nhà thơ với đời sống nghèo khổ, khó khăn, thiên tai của người dân miền Trung (6 câu giữa); và sự quý trọng của tác giả về người dân miền Trung nghĩa tình, son sắt… (5 câu cuối).
Muốn làm tốt phần này, ngoài việc nắm vững kiến thức đọc hiểu, thí sinh cần có kỹ năng phân tích câu hỏi, kỹ năng trình bày hiệu quả, thuyết phục.
Vừa sức với thí sinh cả nước
Câu 1 phần làm văn (viết đoạn văn khoảng 200 chữ, bàn về sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn thử thách) rất có ý nghĩa xã hội và tính giáo dục. Câu hỏi vừa gợi mở về tình người trong hoạn nạn nói chung nhưng cũng có tính thời sự khá rõ. Đó là việc cả nước hướng về miền Trung ruột thịt trong những trận bão lụt lịch sử xảy ra ở miền Trung vừa qua. Muốn làm làm thuyết phục, thí sinh phải có những hiểu biết thời sự và dẫn chứng cụ thể.
Câu nghị luận văn học, câu 2/phần làm văn, cũng có 2 vế yêu cầu. Vế đầu (phân tích hình tượng sông Hương qua đoạn trích) là yêu cầu cơ bản. Vế sau khó hơn, phân loại thí sinh nhiều hơn (nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường). Thí sinh muốn làm tốt vế sau phải có hiểu biết sâu sắc về tính trữ tình trong bút ky, về bút pháp và phong cách của tác giả. Đây là cách yêu cầu thường thấy của đề thi về thơ, văn xuôi và cả văn bản kịch. Thí sinh cần nắm chắc tác giả, tác phẩm và biết cách xây dựng bố cục hợp lý, kể cả liên hệ, so sánh.
Nhìn chung đề thi tham khảo môn ngữ văn vừa sức với thí sinh cả nước. Nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương phải nghỉ học gián đoạn vì dịch Covid-19. Nắm vững thêm những kiến thức nào là trọng tâm, kiến thức nào giảm tải trong chương trình lớp 12 mà Bộ đã công bố từ đầu năm sẽ giúp giáo viên và học sinh yên tâm ôn tập.
TRẦN NGỌC TUẦN
TNO