Bắt đầu kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản để bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Bắt đầu kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài sản để bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị. Việc kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ thực hiện từ 31-3, kéo dài trong khoảng 3-4 tuần trước khi bàn giao, đưa vào khai thác.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết như vậy tại hiện trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sáng 31-3.
Theo ông Đông, thời gian qua dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành xây dựng và lắp đặt toàn bộ thiết bị của dự án theo hồ sơ thiết kế. Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) đã ổn định, tổ chức nhân lực để vận hành toàn hệ thống từ tháng 1-2021, đến nay cơ bản đảm bảo yêu cầu.
Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng về kết quả nghiệm thu của bộ này (chủ đầu tư) để xin ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của bộ này về kết quả đánh giá cuối cùng của tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn ACT).
Ông Đông cho biết hiện nay, công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị), và tháng 1-2021, tư vấn ACT đã phát hành chứng nhận kiểm tra kèm theo báo cáo số 13, nêu ra 16 khuyến nghị.
Theo ông Đông, các bên đã triển khai thực hiện hoàn thành một số khuyến nghị như cấp chứng nhận phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp, đã diễn tập ngoài hiện trường…
Theo ông Đông, những nội dung trên không phải vướng mắc mà tư vấn ACT đưa ra các khuyến cáo chủ yếu liên quan đến tiếp tục xử lý, diễn tập các tình huống khẩn cấp, bất ngờ.
“Có những cái đã khắc phục như di dời cây xăng gần ga La Khê để đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Có những khuyến cáo để nâng cao an toàn thì trong thiết kế cách đây 7-8 năm không có phần đó nhưng bây giờ cần bổ sung như nút chống ngủ gật cho lái tàu; bổ sung kính chắn giữa ke ga với đoàn tàu trong tương lai” – ông Đông cho biết.
Ông Đông cho biết thêm, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31-3, Ban quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3-4 tuần).
Trên cơ sở báo cáo thực hiện của 2 đơn vị, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm bàn giao, đưa dự án vào vận hành, khai thác.
“Sau khi Bộ Giao thông vận tải ký bàn giao với Hà Nội sẽ đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác” – ông Đông cho biết kế hoạch.
Theo ông Đông, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là dự án thí điểm có quy mô rất lớn, phức tạp, kéo dài nhiều năm trong điều kiện khó khăn như hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn của Việt Nam chưa có, chưa đồng bộ kể cả quản lý, đơn giá, năng lực quản lý, điều hành dự án còn hạn chế…
“Đây là dự án thí điểm và rút ra nhiều bài học cho tương lai. Không phải là vấn đề vay vốn mà cần trải qua thực tiễn, có cán bộ có trình độ, am hiểu về đường sắt đô thị. Theo tôi, phải đưa người đi học trước ở nước ngoài, nắm rõ về những loại hình công nghệ mới rồi về mới triển khai đầu tư sẽ tốt hơn cách làm trước đây.
Với những siêu dự án trong tương lai, chúng tôi cũng đề nghị có lộ trình khi chuẩn bị đầu tư phải đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ như trước đây định làm điện hạt nhân thì đã dự kiến đào tạo nguồn nhân lực trước khi làm. Đây là bài học rút ra” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.