Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vẫn “tắc”
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vẫn “tắc”
Được đánh giá là dự án vô cùng cấp bách nhưng đã hơn 2 năm trôi qua, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ì ạch chưa thể hẹn ngày khởi công.
Quá nửa cuộc làm việc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình diễn ra tại UBND TP sáng qua (26.3) là bàn bạc tháo gỡ những vướng mắc cho dự án xây dựng nhà ga T3. Lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng có mặt đầy đủ, song vẫn rơi vào bế tắc.
Chỉ chờ Thủ tướng “gật đầu”
Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), thông tin ngay sau khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 từ tháng 5.2020, ACV đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Tất cả công tác kiểm đếm, xác định ranh giới, cắm mốc, ACV cùng các đơn vị quân đội đã hoàn thành. Song song đó, các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, có thể khởi công ngay vào tháng 10 tới, hoàn tất sau 24 tháng theo đúng kế hoạch. Vướng mắc lớn nhất là việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,5 ha do Quân chủng Phòng không – Không quân đang quản lý (thuộc P.4, Q.Tân Bình) để ACV triển khai thi công.
Lo chống ngập sân bay sau mở rộng
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía nam (TEDI South) cho biết sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước chính: thoát ra kênh Hy Vọng, chảy ra kênh Tham Lương; thoát ra mương A41, chảy ngầm dưới đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; và thoát ra mương A75 rồi chảy ra mương Nhật Bản.
Hiện cả 3 hướng thoát nước đều đang “khốn khổ” vì rác bủa vây, lấn chiếm lòng kênh, mương, gây tắc nghẽn, ngập úng. Trong đó, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đang được TP xúc tiến triển khai nhưng sau khi hoàn thiện, hướng thoát nước của cả nhà ga T3 và đường Trần Quốc Hoàn đều đổ về phía này. Cộng với việc bê tông hóa khu vực bên trong sân bay ngày càng nhiều nên khả năng cao sau khi cải tạo, kênh Hy Vọng vẫn nguy cơ bị ùn ứ, ngập cục bộ. Để giảm áp lực nước về kênh Hy Vọng, TEDI South đề xuất bổ sung tuyến cống hộp kích cỡ 2,5 x 2 m, chiều dài 1,35 km chạy thẳng từ sân bay ra kênh Tham Lương để thoát nước cho sân bay. Tuyến cống mới sẽ nằm dưới làn đường thô sơ của đường Trường Chinh, song song với tuyến cống thoát nước hiện hữu.
“Giải pháp này sẽ góp phần giảm ngập cho sân bay và đã được Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng đồng thuận. Khó khăn lớn nhất là hiện dự án chưa có trong quy hoạch, muốn triển khai cần bổ sung điều chỉnh quy hoạch thoát nước của TP”, đại diện TEDI South kiến nghị.
Tương tự, đối với dự án giao thông trọng điểm kết nối nhà ga T3 là đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết trong tháng 4 này sẽ trình Sở GTVT TP phê duyệt dự án đầu tư. Dự án cần khởi công tháng 12 năm nay, hoàn thành sau 18 tháng vì đây là thời điểm nhà ga T3 hoàn thành, đưa vào khai thác như dự kiến. Tuy nhiên cũng đang gặp vướng mắc trong thủ tục tiếp nhận 11,8 ha đất quốc phòng.
Ông Phạm Trường Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng), cho biết dự án T3 có vai trò vô cùng quan trọng và cấp bách. Bộ Quốc phòng hoàn toàn ủng hộ và nhất trí cao việc bàn giao đất cho TP để chuyển lại cho Cảng vụ miền Nam giao ACV thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời điểm xây dựng Quy hoạch đất an ninh, đất quốc phòng giai đoạn 2011 – 2020 vẫn chưa có phương án xây dựng dự án nhà ga T3. Muốn giao đất, phải đồng bộ với điều chỉnh Quy hoạch đất an ninh, đất quốc phòng giai đoạn 2021 – 2030 mà bộ này đang thực hiện.
Để rút ngắn thời gian, đảm bảo tiến độ dự án, Bộ Quốc phòng đã đồng ý tách hạng mục 16,5 ha ra khỏi danh mục kế hoạch sử dụng đất 2021 – 2025, đồng thời có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị cho phép bộ này được thực hiện trước với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3 và đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa. Đề xuất này cũng đã nhận được sự đồng ý cao từ các bộ, ngành, chỉ chờ Thủ tướng “gật đầu” cho phép là Bộ Quốc phòng có thể làm thủ tục giao đất ngay.
Muốn “đặc thù” cũng khó
Ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), cho biết theo quy định của luật Đất đai hiện nay, phải điều chỉnh được quy hoạch sử dụng đất an ninh, đất quốc phòng thì Bộ Quốc phòng mới có căn cứ pháp luật để bàn giao đất cho TP.HCM. Mặt khác, để Bộ Quốc phòng rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho toàn bộ 63 tỉnh, thành trong giai đoạn 10 năm tới, có khi phải mất đến 1 năm, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ mở rộng sân bay. Do vậy, nếu muốn nhanh chóng, Chính phủ cần ra nghị quyết đặc thù cho phép điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đất quốc phòng trong giai đoạn này, làm cơ sở để Bộ Quốc phòng bàn giao cho địa phương, từ đó chuyển lại cho ACV thực hiện dự án.
Thế nhưng đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, để Chính phủ ra nghị quyết đặc thù cũng rất khó về cơ sở pháp lý. Pháp luật về đất đai chưa có quy định nào cho phép Bộ Quốc phòng giao đất trước theo đề xuất.
Kết thúc cuộc họp, câu chuyện bàn giao đất cho ACV xây dựng 1 dự án cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nằm trong quy hoạch của Bộ GTVT, được hầu hết các cơ quan “nhất trí cao”, vẫn chưa tìm ra lời giải.
Không thể chờ thêm nữa
Ông Lại Xuân Thanh cho biết mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tính cần thiết, cấp thiết của dự án xây dựng nhà ga T3 vẫn còn nguyên giá trị như khi Thủ tướng phê duyệt dự án. Giữa các đợt dịch bùng phát, chỉ cần tình hình ổn định là khu vực nhà ga quốc nội lập tức ùn ứ. Đặc biệt, sau một thời gian nhu cầu đi lại bị nén, hàng không sẽ “bùng” lại rất kinh khủng. Chưa kể, kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được tính toán đồng bộ với việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và dự báo phát triển kinh tế, xã hội nói chung của khu vực cho tới giai đoạn 2025. Đây là một cụm sân bay, không phải 2 dự án riêng biệt phục vụ nhu cầu riêng biệt của từng khu vực.
“Để đáp ứng nhu cầu theo đúng dự báo, sân bay Tân Sơn Nhất phải được nâng cấp lên phục vụ 50 triệu lượt khách/năm, cảng Long Thành thực hiện xong giai đoạn 1 với 25 triệu lượt khách/năm. Nếu Tân Sơn Nhất hoặc Long Thành chậm trễ đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục vụ nhu cầu thị trường, tình trạng ùn tắc sân bay, cản trở người dân sẽ tiếp diễn”, Chủ tịch HĐQT ACV nhận định.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng đánh giá việc nhanh chóng xây dựng nhà ga T3 có ý nghĩa rất lớn đối với kinh tế của TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Cụ thể, nhà ga T3 nằm trong quy hoạch mở rộng khả năng tiếp cận sân bay của TP. Có nhà ga sẽ kéo theo một loạt tuyến đường được mở rộng, xây dựng, cải thiện hạ tầng đô thị của TP.HCM. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giao lưu quốc tế trở lại nhanh chóng ở khu vực này sẽ khiến sân bay Tân Sơn Nhất thêm tắc nghẽn nghiêm trọng. Không thể trông chờ sự “chia lửa” của sân bay Long Thành theo kế hoạch vào năm 2025 mà cần nhanh chóng giải phóng năng lực tiếp nhận của sân bay Tân Sơn Nhất để đón đầu sự trở lại, tạo tiền đề đột phá kinh tế sau dịch.
HÀ MAI
TNO