Làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo lực học đường một cách hiệu quả?
Làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo lực học đường một cách hiệu quả?
Một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Lộc Ninh (H.Lộc Ninh, Bình Phước) bị đánh hội đồng bằng gậy sắt và mũ bảo hiểm. Còn bị quay clip và vừa phát tán lên mạng xã hội, gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận.
Theo đó, ngày 22.3, trên mạng xã hội Facebook bất ngờ xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút, ghi lại cảnh một cô gái trẻ đội nón bảo hiểm, ngồi trên xe máy thì bất ngờ bị 3 cô gái khác dùng nón, gậy sắt đánh liên tiếp vào đầu, người.
Không dừng lại, một cô gái trong nhóm đánh hội đồng còn tháo mũ bảo hiểm của người này ra, tiếp tục để cho người cùng đi dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu nạn nhân. Bị 1 nhóm người đánh, cô gái trẻ chỉ có thể ngồi trên xe chịu trận.
Hiện vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng nạn bạo lực học đường có chiều hướng ngày càng gia tăng và làm thế nào để ngăn chặn?
Tư vấn tâm lý kết nối hoạt động phòng chống bạo lực
Theo GS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thống kê từ kết quả nghiên cứu đề tài cấp thành phố của chúng tôi cho thấy những hành vi bạo lực học đường dẫu hiếm khi và thỉnh thoảng nhưng vẫn xảy ra trong thực tế.
Đó là kiểu: dùng sức mạnh bạo hành bạn, nói xấu, bôi nhọ bạn, bắt ép phải cho nhìn bài, đồ dùng học tập, gọi tên cha mẹ để chửi rủa, bêu xấu gia đình bạn, đánh, đập, tát, đấm, đá, giựt tóc, xé rách quần áo, cào cấu, cắn… Trong đó, nổi trội ở học sinh trung học là nói xấu, gọi tên cha mẹ để chửi rủa, bêu xấu gia đình bạn.
|
Theo GS Huỳnh Văn Sơn, phản ứng của các em học sinh khi biết mình sắp bị hoặc đang bị bạo lực học đường là hoàn toàn đồng ý với hành vi ứng xử “Thông báo với thầy cô”; tiếp đến là phương án “Cho cha mẹ biết”. Đây là những hành vi tích cực để phòng chống bạo lực giữa các học sinh trong nhà trường, chứng tỏ các em học sinh cũng đã hiểu biết nhất định về vấn đề này.
“Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp thể hiện sự phân vân, không đồng ý cho thấy phản ứng còn chủ quan và có phần tiêu cực của một số em khi phản ứng với hành vi bị bạo lực… Như thế, vấn đề thực trạng đã phần nào được xác định khá rõ”, GS Huỳnh Văn Sơn nói.
Theo GS Huỳnh Văn Sơn, cần nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy tối đa vai trò của các tổ chức và lực lượng sư phạm với công tác khắc phục tình trạng bạo lực học đường tại các trường phổ thông. Tác động đến phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác góp phần nâng cao hiệu quả công tác khắc phục tình trạng bạo lực học đường tại các trường phổ thông thông qua hình thức truyền thông. Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục về phòng chống bạo lực học đường tại các trường phổ thông cho học sinh. Tận dụng và khai thác hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh để thực hiện kết nối hoạt động phòng chống bạo lực”.
Để thực hiện các giải pháp trên, GS Huỳnh Văn Sơn nói: “Cần nguồn lực, thời gian và thậm chí là trách nhiệm của nhiều ban ngành. Tôi xin nhấn mạnh, đừng tách bạo lực học đường ra khỏi bạo lực, đừng tách học đường ra khỏi xã hội để quy gán cho tất cả là do giáo dục. Đành rằng giáo dục đóng vai trò quan trọng nhưng không được phép quên rằng con trẻ là kết quả giáo dục tổng thể của xã hội, gia đình và nhà trường. Tất nhiên, nhà trường phải nhận ra trách nhiệm chính yếu thay vì chưa có những hành động sát sườn nhưng những thách thức từ môi trường, đội ngũ tư vấn… sẽ xử lý có chiến lược”.
Dạy các em biết quý trọng thân thể
Trong khi đó, theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), để ngăn chặn, ứng phó với bạo lực học đường cần tác động vào học sinh, trẻ em. “Đầu tiên các em phải được nhà trường, cha mẹ hoặc khối đoàn thể hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ bản thân một cách bài bản. Dạy các em biết thân thể mình là của mình, nó rất quý giá cho nên không được để ai được làm tổn thương bản thân mình, thậm chí cả người thân. Thông qua đó, học sinh, trẻ em được học một số kỹ năng tự bảo vệ, thoát thân khi bị bạo lực. Ví dụ phản đối, la to hoặc bỏ chạy khi bị người khác đánh chứ không ngồi một chỗ chịu trận”, thạc sĩ Trần Minh Hải nói.
Cũng theo thạc sĩ Trần Minh Hải, phụ huynh cần phải biết nói chuyện, tâm sự và quan tâm đến con cái của mình. “Nếu cha mẹ quan tâm để ý đến con cái thì dễ dàng phát hiện các hành vi khác thường của trẻ để can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, nhà trường, đoàn thể cần có các chương trình đào tạo bài bản cho những cán bộ phụ trách công tác trẻ em”, ông Hải lưu ý.
Thạc sĩ Trần Minh Hải cho rằng: “Hiện nay đường dây nóng bảo vệ trẻ em quốc gia 111 đã hoạt động rất hiệu quả. Các cơ quan bảo vệ trẻ em cần đưa đường dây này đến mọi đối tượng trẻ em và phụ huynh ở vùng sâu vùng xa. Một nguyên tắc bảo vệ trẻ em ngắn gọn mà mọi người nên biết để hướng dẫn con cháu của mình đó là: Nói không với bạo lực, rời bỏ hay bỏ chạy khi bị người khác bạo lực, chia sẻ với người đáng tin cậy về tình trạng mình bị bạo lực”.
LÊ THANH
TNO