24/11/2024

Thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm học tập: Phải thực chiến đề thi thật nhiều

Thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm học tập: Phải thực chiến đề thi thật nhiều

Học sinh tham dự chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Trường THPT Nguyễn Du (H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) sáng 21.3 trao đổi với các thủ khoa  ôn thi thế nào cho hiệu quả trong kỳ thi đánh giá năng lực?
Thủ khoa giao lưu với học sinh tại H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) /// Đào Ngọc Thạch
Thủ khoa giao lưu với học sinh tại H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) ĐÀO NGỌC THẠCH
Về vấn đề này, Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2019, cho rằng kỳ thi đánh giá năng lực kiến thức rất rộng, phân bổ ở rất nhiều mảng kiến thức. Không phải thí sinh nào cũng giỏi toàn diện các môn. Vì thế, trong giai đoạn nước rút này, nếu muốn ôn thi hiệu quả, thay vì học theo sách giáo khoa từ đầu để có kiến thức, các bạn nên vào làm đề luôn, nếu câu nào chưa biết thì quay lại để xem kiến thức ở phần đó.
Học sinh Nguyễn Thị Trân, Trường THPT Nguyễn Trãi, hỏi: “Làm thế nào để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT?”. Trả lời cho câu hỏi này, Võ Lập Phúc, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, cho rằng môn văn là tư duy ngôn ngữ, làm thế nào để mỗi bài văn phải có điệu hồn riêng của mình. Chính vì thế, trong bài làm văn phải thể hiện được phong cách, giá trị sống, tầm nhìn, lý tưởng của chính các bạn vào bài văn và vấn đề này phải được tích lũy từ chính quá trình đọc, luyện tập mỗi ngày.
Đối với môn lịch sử, Phúc khẳng định không phải học thuộc lòng, không tư duy theo kiểu học thuộc lòng. “Phần thi trắc nghiệm của môn sử là phản ánh của logic sự kiện và khi học, các bạn phải làm sao liên kết được các sự kiện lại với nhau, các sự kiện này ảnh hưởng và là tiền đề để dẫn đến các sự kiện khác. Cách để học tốt môn lịch sử, đầu tiên là phải đọc hết toàn bộ sách giáo khoa và thứ hai là học cách trả lời thật nhanh sự kiện này có những ảnh hưởng gì đến các sự kiện sau”, Phúc chia sẻ.
Trần Ngọc Đoan, thủ khoa đầu vào khối A Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM năm 2020, cho biết tính chất môn hóa và lý không đơn thuần giải bài tập như môn toán. Ở đề thi của 2 môn này, phần đầu có rất nhiều câu lý thuyết nên đầu tiên, để học tốt 2 môn này, phải nắm vững kiến thức, hiểu sâu và hiểu đúng, từ đó mới phát triển lên những bài tập khó. Đoan khuyên học sinh phải thực chiến đề thi càng nhiều càng tốt, vì việc chúng ta học và đề thi ra thế nào không phải lúc nào cũng giống nhau.
Trong giai đoạn nước rút, Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào khối A1 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019, khuyên với môn toán, học sinh nên tiếp cận đề theo tư duy mở, không nên tiếp cận kiến thức chỉ theo sách giáo khoa mà từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là các thầy cô trẻ sẽ có những cách thức giải rất mới. Không những thế, Lương cũng khuyên nên ôn và giải đề vào cùng giờ sẽ thi chính thức môn đó ở kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm quen với thời gian làm bài thi.
Khi học sinh băn khoăn về việc chọn ngành nghề, Quang Trọng Minh, thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mở TP.HCM, đưa ra lời khuyên từ chính câu chuyện của mình. “Mình từng thi 2 lần không đậu vào trường đại học lớn với chuyên ngành mình yêu thích nên sau 2 năm vẫn quyết thi lại. Mình biết năng lực của mình đến đâu nên chọn ngành gần giống, có liên quan với ngành mình yêu thích, ở một trường lấy mức điểm thấp hơn. Nhưng mình nhận ra rằng nếu vào trường lớn, chưa chắc mình đã cố gắng và có được những thành tích nổi trội như bây giờ”, Minh kể.
NỮ VƯƠNG
TNO