Điện chạy “bở hơi tai” theo chính sách
Điện chạy “bở hơi tai” theo chính sách
Trong khi câu chuyện về điện mặt trời “nóng hầm hập” bởi nhiều dự án buộc phải giảm công suất, điện làm ra phát không được, thì ngày 17.3, giải trình của Bộ Công thương trong góp ý Quy hoạch điện 8 vẫn khẳng định, giai đoạn tới sẽ tiếp tục khai thác mạnh nguồn năng lượng tái tạo.
Thay đổi “chóng mặt”
Theo giải trình của Bộ Công thương, trong giai đoạn từ nay tới 2030, sẽ tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác… Đặc biệt, bộ này cũng cho rằng tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống điện (bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo) là tương đối cao, khoảng 70% năm 2025 và 60% năm 2030.
Điều này khiến các đơn vị lo ngại về việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (hệ số phụ tải) hằng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại một số thời điểm cũng như không tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn điện khác như nhiệt điện khí tự nhiên, thủy điện. Trên thực tế, các nguồn điện gió, mặt trời không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết, nên thường sẽ không tính tới trong dự phòng công suất của hệ thống điện.
Thực tế, câu chuyện liên quan đến chiến lược phát triển điện mặt trời (ĐMT) được các nhà đầu tư cho là loay hoay “đóng, mở, tăng tốc, kìm hãm” đến “chóng mặt”. Cách đây không lâu, một số doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã gửi đơn “cầu cứu” liên tục lên các cơ quan quản lý, thậm chí lên tận Thủ tướng vì tình trạng thừa điện, điện phát ra không bán được, nhà máy thường xuyên bị cắt giảm công suất.
Một số nhà đầu tư trên diễn đàn năng lượng tái tạo nhận xét suốt mấy năm qua, chủ trương khuyến khích, phát triển điện năng lượng tái tạo để giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường liên tục được Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, tuyên truyền rộng rãi. Tương tự, Nghị quyết 55 do Bộ Chính trị ban hành ngày 11.2.2020 nêu rất rõ sẽ bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải, tháo nút thắt lớn nhất là nghẽn đường truyền tải, mở rộng cửa phát triển điện năng lượng tái tạo. Thế nhưng, loạt dự án ĐMT đầu tư với hàng trăm tỉ đồng chưa thu được bao nhiêu do trước đó phải chờ bảng giá mới, nay có bảng giá rồi vẫn bị “bóp thắng” không thương tiếc.
Không chỉ DN lớn loay hoay, nhiều hộ gia đình đã và đang có dự định lắp pin ĐMT mái nhà (MN) cũng cho biết khá hoang mang với chính sách giá mới. Chỉ cách đây hơn 1 năm, hình ảnh những người dân hớn hở lần đầu tiên nhận tiền bán điện từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xuất hiện dày đặc trên các trang truyền thông. Người người, nhà nhà từ TP đến các tỉnh tìm hiểu thông tin, điều kiện lắp ĐMT áp mái và chính sách bán điện lại cho nhà nước. Bộ Công thương cho đến cuộc họp báo thường kỳ gần nhất vẫn nhấn mạnh: ĐMTMN là nguồn điện sạch cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, DN tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho EVN.
Thế nhưng, cuối năm 2020, EVN bất ngờ thông báo dừng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng từ các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31.12, do chưa xác định được loại hình và giá mua bán.
Đây cũng là lần thứ 2 ĐMT nói chung, ĐMTMN nói riêng rơi vào tình cảnh mòn mỏi chờ giá, sau cuộc chuyển giao chính sách giá từ Quyết định 11 sang Quyết định 13 mất gần 1 năm mới hoàn thành. Năm 2020, có tới 365 triệu kWh ĐMT bị buộc giảm phát. Riêng trong nửa cuối tháng 11.2020, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm do thừa nguồn, với tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh.
Trong Báo cáo tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của EVN, đơn vị này nhiều lần “than” tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng thừa nguồn vào các thời điểm buổi trưa, các ngày lễ, cuối tuần. Ngay sau đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương rà soát, không để phát triển ĐMT chạy theo phong trào, đồng thời chưa bổ sung thêm hàng chục dự án điện gió dù đã thẩm định xong.
Vừa làm vừa “dò” chính sách
TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường đại học Quy Nhơn), người tham gia lắp đặt nhiều dự án ĐMT lớn và tư vấn lắp đặt ĐMTMN, cho biết cảm thấy rất nản vì gần như không tìm thấy lối ra trong câu chuyện ĐMT. Những dự án lớn, đầu tư lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng hầu hết đều vay vốn ngân hàng, bây giờ động tí là bị cắt giảm, không bán được, xoay tiền trả nợ cũng đủ “chết”. Chưa kể đầu tư vào năng lượng tái tạo, các dự án ĐMT, điện gió rủi ro nhiều, nguy cơ cao dẫn đến sự cố vì dây, thiết bị nằm ngoài trời, bị chi phối nhiều bởi yếu tố thời tiết.
Theo vị này, năng lượng tái tạo là xu hướng của toàn thế giới, lợi ích không cần phải bàn cãi. Chính sách khuyến khích phát triển các loại hình điện “sạch” thay thế dần điện than được khẳng định, trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán. Và khi nhất quán chủ trương, thì nhà quản lý phải bám vào đó để tìm cách giải quyết những bất cập, tháo gỡ nút thắt, mục đích cuối cùng là mở đường thoáng cho sự phát triển.
“Đơn cử, lên kế hoạch tăng tỷ trọng ĐMT lên 50% thì phải thống nhất, tìm mọi cách thực hiện kế hoạch thông qua việc cải tạo lưới điện, vận hành linh hoạt lên, giảm điện than, giảm giá khuyến khích nhà đầu tư tham gia… Chính sách mà chụp giựt thì không thể nào phát triển được năng lượng tái tạo. Nhà đầu tư đang vừa làm vừa “đoán” chính sách”, TS Khiêm nhấn mạnh.
|
Mở rộng mạng lưới điện để quy hoạch hiệu quả
Liên quan đến nỗi lo “thừa nguồn” của EVN, TS Nguyễn Duy Khiêm cho rằng năng lượng tái tạo là nguồn không chủ động được, trong khi lưới điện tại Việt Nam không khỏe như các nước châu Âu, đảm bảo hệ thống điện vận hành trơn tru đúng là khó khăn cho EVN.
TS Ngô Đức Lâm, thành viên Liên minh năng lượng bền vững VN – nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cũng đánh giá với năng lượng tái tạo, một vấn đề cần nghiên cứu lúc này là phát triển đến mức nào để bảo đảm an ninh năng lượng.
Ông nói: “Thực tế, trong phát triển năng lượng, ngoài bảo đảm an ninh năng lượng như nói trên thì còn phải bảo đảm yếu tố kinh tế. Hệ thống đường truyền tải của chúng ta nếu dùng điện tái tạo không thì tính ổn định không cao. Ban ngày có nắng thì điện có, nhưng ban đêm lại không. Trong khi tính ổn định đường truyền tải mỗi năm chỉ mất điện không quá 12 – 20 giờ, Pháp thiết kế chỉ mất 2 giờ/năm, Hàn Quốc cũng 20 giờ/năm. Trong khi mỗi năm có 8.000 giờ, quy định mất không quá 20 giờ thì cực kỳ khó và áp lực lớn. Như vậy, việc thay đổi có thể hiểu nhằm bảo đảm 2 tiêu chí: an ninh năng lượng và hiệu quả kinh tế”.
Tuy nhiên, phải xác định không phải nguồn điện thừa, mà thiếu khả năng cho năng lượng tái tạo tham gia thêm vào hệ thống. Khi có vấn đề về thời tiết như mây, mưa, ngừng gió thì lượng điện dự phòng không đáp ứng đủ cho tỷ trọng năng lượng tái tạo. Muốn cải thiện thì ngoài nhanh chóng đầu tư đường truyền tải, cần cải thiện mạng lưới hiện hữu, áp dụng công nghệ 4.0 cho lưới điện thông minh lên, khỏe lên, có cơ hội cho năng lượng tái tạo xâm nhập thêm 50 – 70%.
Chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi (Canada) đánh giá rằng đầu tư vào nguồn điện nào đi nữa thì việc phải cải thiện, nâng cấp và mở rộng lưới điện luôn là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo quy hoạch điện có hiệu quả.
Ông dẫn chứng trường hợp của Tập đoàn Trung Nam đầu tư vào lưới điện gần đây là một điển hình hay về huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lưới điện. Nếu nhà nước có thể mở rộng đầu tư lưới điện có kiểm soát theo hình thức đối tác công tư (PPP) thông qua đấu thầu cạnh tranh, điểm nghẽn lưới điện từng gặp vài năm qua sẽ được tháo gỡ nhanh chóng. Vốn dành cho ngành điện còn rất nhiều, Quy hoạch điện 8 cũng chỉ ra mỗi năm cần gần 13 tỉ USD để đầu tư, nếu chúng ta không đẩy mạnh phát triển lưới điện theo mô hình PPP, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân và kết nối nhanh, bớt thủ tục hơn nữa, mùa nóng đã đang cận kề, tình trạng thiếu điện sẽ tiếp tục “bài ca cũ”.
Bên cạnh đó, TS Ngô Đức Lâm, thành viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam – nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng hơn 30 năm qua, Việt Nam chỉ tập trung khai thác các nguồn năng lượng từ nước, dầu khí và gần đây là than. Bây giờ Quy hoạch điện 8 coi năng lượng tái tạo là nòng cốt là đúng. Tuy nhiên, ĐMT đang được đăng ký đầu tư cao gấp 3 – 4 lần yêu cầu, tương lai điện gió với công suất lớn gấp 3 lần ĐMT cũng sẽ là nguồn điện cực lớn, rồi điện khí cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm; mới đây Việt Nam công bố phát hiện mỏ khí Kèn Bầu tại miền Trung với trữ lượng khí lớn bằng tất cả các mỏ khí chúng ta hiện có. Triển vọng điện của Việt Nam trong tương lai không thiếu mà còn phải nghĩ đến xuất khẩu.
Thế nên, theo ông Lâm, các chiến lược liên quan năng lượng tái tạo cần được đưa ra nhất quán, có tầm nhìn và tránh thay đổi liên tục mới bền vững được.
NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO