Xét tuyển đại học: Thí sinh có lợi thế gì khi được sửa nguyện vọng 3 lần?
Xét tuyển đại học: Thí sinh có lợi thế gì khi được sửa nguyện vọng 3 lần?
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh năm 2021. Trong đó, nội dung xét tuyển đại học thí sinh được chỉnh sửa nguyện vọng 3 lần đang được chú ý nhiều nhất.
Ngày 18.3, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7.5.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT”. Trong đó nội dung xét tuyển đại học thí sinh được chỉnh sửa nguyện vọng 3 lần đang được chú ý nhiều nhất.
Chỉnh sửa 3 lần, vẫn cùng một khoảng thời gian
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2021, Quy chế Tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước đó. Tuy nhiên, có một điểm mới là sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, thay vì 1 lần như 2020.
Cụ thể, tại Điểm b khoản 5 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển (03) ba lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.”
Bộ GD-ĐT cũng lý giải lý do cho việc này. Đó là thời gian điều chỉnh không đổi. Hiện nay chất lượng đường truyền tốt hơn, do có sự quan tâm đầu tư hơn về công nghệ, cho phép hệ thống xử lý tốt ngay cả khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng 3 lần. Phương án này đã có trong lộ trình đổi mới thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Mục tiêu là tạo điều kiện cho các thí sinh có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định. Chính sách tuyển sinh cũng sẽ bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của các nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho thí sinh.
|
Bộ cũng khẳng định việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần cũng không làm ảnh hưởng đến việc lọc ảo của hệ thống. Lọc ảo và điều chỉnh nguyện vọng là 2 quy trình ở các giai đoạn khác nhau.
Lợi thế cho thí sinh
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, điểm thay đổi này càng tốt hơn, đảm bảo quyền lợi hơn cho thí sinh. Trong các năm trước, nhiều thí sinh dù được chỉnh sửa nguyện vọng 1 lần nhưng vẫn chưa hiểu nhiều và muốn thay đổi tiếp tục nhưng không còn cơ hội. Về cơ bản, các trường ĐH, CĐ mầm non chỉ nhận kết quả xét tuyển của thí sinh sau khi Bộ GD-ĐT hoàn tất thống kê. Vì vậy, công việc liên quan kỹ thuật trong giai đoạn thí sinh xét tuyển chủ yếu nằm ở Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) cho biết, việc thay đổi này là có thêm một quyền lợi cho các học sinh. Tuy nhiên, trước khi chọn nguyện vọng, tại trường, học sinh đã được tư vấn rất kỹ lưỡng. GIa đình và học sinh cũng cân nhắc rất nhiều. Vì vậy, dù trước kia chỉ chỉnh sửa nguyện vọng 1 lần, số lượng học sinh chỉnh sửa không nhiều. Đa số các em đã xác định rõ cho mình ngành học, trường ĐH mình muốn học.
“Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh 2021 cũng có nhiều điểm hay. Tuy nhiên, hiện nay, cũng có rất nhiều phương thức xét tuyển đại học dành cho các em đăng ký để vào học ĐH. Vì vậy, việc chọn nguyện vọng để vào học các trường ĐH thì tôi không lo lắng nhiều. Tôi chỉ trăn trở là dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều gia đình khó khăn. Nếu các em chọn nguyện vọng, chỉnh sửa nguyện vọng vào học trường có chi phí vượt quá khả năng tài chính của gia đình thì các em sẽ rất khó khăn trong quá trình theo học” – ông Phú chia sẻ.
ĐĂNG NGUYÊN
TNO