01/11/2024

Châu Âu ‘xoay trục’ về biển châu Á

Châu Âu ‘xoay trục’ về biển châu Á

Ngày 16-3, Anh công bố những thay đổi chiến lược quan trọng, trong đó tuyên bố ‘xoay trục’ về “trung tâm địa chính trị” mới của thế giới là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện sự quan tâm ngày một lớn của châu Âu với khu vực này.

 

Châu Âu xoay trục về biển châu Á - Ảnh 1.

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh lần đầu tiên được triển khai đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – Ảnh: Royal Navy

Nếu lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, thì việc chúng ta, châu Âu và Bắc Mỹ, sát cánh cùng nhau trong NATO là rất quan trọng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15-3 kêu gọi Mỹ và EU nhanh chóng hàn gắn nếu muốn đối phó với sự trỗi dậy “ngày càng hung hăng” của Trung Quốc.

Sách lược mới, dựa trên các đánh giá lớn nhất về chính sách quốc phòng và đối ngoại của London trong 30 năm qua, thể hiện quan điểm của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson về một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và hợp tác, tự do thương mại.

Đối trọng với Trung Quốc

Hãng tin Reuters dẫn bản đánh giá tổng hợp dài 100 trang (dự kiến công bố lúc 18h30 ngày 16-3, theo giờ Việt Nam) xác định vai trò của Anh trong trật tự này sau khi “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU).

Không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, Thủ tướng Johnson cam kết Anh sẽ năng động hơn trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, nơi mà “những cường quốc mới” đang gây rối trật tự.

“Họ sử dụng tất cả công cụ theo ý mình để xác định lại trật tự quốc tế và – trong một số trường hợp – phá hoại hệ thống quốc tế cởi mở và tự do” – ông Jonhson nhấn mạnh.

Kể từ khi ông Johnson lên nắm quyền, quan hệ giữa Anh và Trung Quốc nhiều lần căng thẳng khi London phản ứng Bắc kinh trong các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, và cấm Công ty Huawei tham gia phát triển mạng 5G ở nước này.

Nói về quyết định “xoay trục”, nhà lãnh đạo Anh cho rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm các nước như Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, dần trở thành “trung tâm địa chính trị của thế giới”, và Anh không thể chỉ dựa vào “một hệ thống quốc tế ngày càng lỗi thời” để bảo vệ các lợi ích của mình.

“Tôi vô cùng lạc quan về vị trí của Anh trên thế giới và khả năng nắm bắt các cơ hội phía trước của chúng ta. Các lực lượng vũ trang hiện đại hóa và một chương trình nghị sự mới sẽ giúp chúng ta tự tin nhìn về phía trước khi định hình thế giới của tương lai” – ông Johnson dự kiến phát biểu trước Quốc hội Anh.

Thật ra, trước khi công bố chính sách mới, Anh đã có các động thái như triển khai hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông, và dự kiến tham gia diễn tập với các đồng minh như Mỹ, Nhật Bản.

Chính phủ Anh ngày 15-3 cho biết “tàu Queen Elizabeth sẽ triển khai hoạt động lần đầu tiên tới khu vực cùng với các đồng minh NATO [Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương], và Anh đang đăng ký quy chế đối tác với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”.

Ngoài ra, cuối tháng 4-2021, ông Johnson cũng dự kiến có “chuyến thăm quốc tế quan trọng đầu tiên sau khi rời EU” đến Ấn Độ, nhằm “mở khóa” các cơ hội tại tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xây dựng liên minh

Không chỉ Anh, nhiều nước châu Âu cũng đang tiến về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Pháp, nước đầu tiên thể hiện sự quan tâm đến vùng “Viễn Đông”, cũng đưa tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu khu trục Surcouf tới Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh tuần tra, huấn luyện.

Đức cũng có kế hoạch điều một tàu khu trục nhỏ tới Biển Đông vào tháng 8-2021. Theo giới phân tích, việc Anh, Pháp và Đức điều tàu chiến đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể khiến Trung Quốc phản ứng mạnh và gây căng thẳng mới nhưng sẽ góp phần kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh, nhất là ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

“Điều này sẽ khiến Trung Quốc cân nhắc kỹ hơn trước mỗi quyết định hành động quân sự” – nhà bình luận quốc tế người Nhật Hiroyuki Akita nhận định trên trang news.com.au.

Như Thủ tướng Anh đã nói, châu Âu sẽ cần các quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi đã có sẵn các liên minh như “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) hay “Ngũ nhãn” (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand).

Hai bộ trưởng Mỹ đến Nhật

Mỹ, thành viên của NATO, dưới trào Tổng thống Joe Biden cũng chủ trương cùng các đồng minh ở châu Âu lẫn châu Á kiềm chế Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin Lloyd ngày 16-3 tại Nhật Bản đã nhấn mạnh cam kết liên minh “mạnh nhất thế giới” Mỹ – Nhật và phản đối hành vi của Bắc Kinh.

“Mỹ và Nhật Bản thừa nhận rằng hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có và đặt ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Các bộ trưởng cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với các nước khác trong khu vực” – Hãng tin AFP, dẫn tuyên bố chung của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước, cho biết.

Chuyến công du châu Á của hai bộ trưởng Mỹ, diễn ra một tuần sau cuộc họp của nhóm “Bộ tứ kim cương”, dự kiến tập trung vào tự do hàng hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông và an ninh chuỗi cung ứng, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.

TRẦN PHƯƠNG
TTO