24/11/2024

Địa phương buông lỏng, ‘cò đất’ mặc sức lộng hành

Địa phương buông lỏng, ‘cò đất’ mặc sức lộng hành

Dù pháp luật quy định khá đầy đủ việc quản lý hoạt động của môi giới bất động sản (BĐS), sàn giao dịch, song thực tế, cơ quan quản lý, nhất là cấp địa phương vẫn buông lỏng cho “cò” đất lộng hành thổi giá nhà đất.
Nhiều người mắc kẹt vốn tại khu đất phân lô ở thôn Quan Giai, xã Đồng Trúc, H.Thạch Thất, Hà Nội sau cơn sốt do "cò" đất đẩy giá hồi tháng 3.2020 /// Ảnh Lê Quân
Nhiều người mắc kẹt vốn tại khu đất phân lô ở thôn Quan Giai, xã Đồng Trúc, H.Thạch Thất, Hà Nội sau cơn sốt do “cò” đất đẩy giá hồi tháng 3.2020  ẢNH LÊ QUÂN

Sốt đất từ “cò” mà ra

Đầu năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư dự án ở 2 vị trí tại TT.Ngãi Giao và xã Bình Ba, H.Bình Ba. Lợi dụng thông tin này, “cò” đất đã tự thổi giá lên. Chỉ các đầu nậu ôm tung ra dùng chiêu giao dịch mồi, huy động đông đảo “cò” đất đánh sóng lừa bẫy nhà đầu tư hám lời, thiếu hiểu biết lướt sóng. Tuy nhiên, tình trạng sốt đất chỉ diễn ra vài ngày rồi nguội lạnh, giá giảm sâu, khiến không ít người mắc kẹt, lỗ vốn.
Tháng 3.2020, cũng vì thông tin có tập đoàn lớn đầu tư khu đô thị ở H.Thạch Thất, Hà Nội mà đất ở xã Đồng Trúc nơi được “cò” đất định vị là giáp với dự án này, rồi tập trung hùa nhau đánh sóng khiến giá đất tăng dựng đứng, gấp 3 – 4 lần chỉ trong nửa tháng. Nhưng lại đúng theo kịch bản đánh sóng của giới đầu nậu, “cò” đất, tình trạng sốt chỉ vài ngày rồi thị trường nguội lạnh.
Mới đầu năm nay, UBND tỉnh Bình Phước có kiến nghị xây dựng sân bay Técníc ở xã An Khương, H.Hớn Quản với Chính phủ, rồi Bộ GTVT được giao chủ trì phối với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xem xét. Mới hóng được thông tin, giới đầu cơ, “cò” đất đã ùn ùn kéo đến địa phương này để thi nhau thổi giá, môi giới, lướt sóng kiếm lời. Nhưng cơn sốt đất vì thông tin xây dựng sân bay Técníc chỉ kéo dài chưa đầy 2 tuần là hạ nhiệt, thậm chí nguội lạnh, để lại không ít hậu quả đáng tiếc cho những người hám lợi.
Theo nhiều chuyên gia, “cò” đất không chỉ lợi dụng thông tin xây dựng hạ tầng để thổi giá đất, mà ngay tại nhiều dự án BĐS, giới “cò” cũng lộng hành. Tại các dự án BĐS được đầu tư bài bản, nhiều chủ đầu tư cũng tận dụng chiêu bán hàng qua sàn giao dịch để dùng môi giới đẩy giá bán, tạo sốt ảo…
Chị Nguyễn Ngọc Trang, 36 tuổi, phụ trách nhóm bán hàng của một sàn giao dịch bất động sản chuyên phân phối nhà đất cao cấp của nhiều dự án lớn ở Hà Nội, cho biết thực tế người mua rất khó, thậm chí không thể mua hàng trực tiếp tại phòng bán hàng của chủ đầu tư.
Địa phương buông lỏng, 'cò đất' mặc sức lộng hành - ảnh 1

Nhiều chủ đầu tư không ngần ngại dùng cò đất để đẩy giá sản phẩm dự án lên cao ẢNH LÊ QUÂN

“Phần lớn các chủ đầu tư BĐS hiện nay phân phối qua các sàn giao dịch. Để có được nguồn hàng bán, các sàn cũng phải đặt cọc nhiều tỉ đồng cho chủ đầu tư. Khi đã xuống tiền, muốn có lãi thì buộc phải huy động các đội “cò” tham gia phối hợp tạo sóng trên thị trường, đẩy giá, tìm khách, chốt lời. Nhiều môi giới vì áp lực chốt bán cũng không ngần ngại tung chiêu tiểu xảo, thủ đoạn để dồn khách xuống tiền. Nhiều trường hợp trong buổi mở bán thì hăm hở đặt cọc nhưng chỉ lát sau về nhà đã gọi điện muốn xin lại tiền cọc với lý do như bị thôi miên…”, chị Trang kể.
Cũng theo chị Trang, dù trong quy định pháp luật đã khá đầy đủ về hoạt động của sàn giao dịch, môi giới BĐS nhưng thực tế, gần như không thấy cơ quan quản lý “siết”. Đến mức, nhiều “cò” đất dày kinh nghiệm thị trường cũng không biết các quy định liên quan đến công việc của bản thân, mặc sức tung hoành để tạo giá ảo, ăn chênh lệch.

Buông lỏng “cò” đất, sàn giao dịch BĐS

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thừa nhận hoạt động của nhiều sàn giao dịch, môi giới BĐS hiện nay gần như không chịu sự quản lý của pháp luật, nói cách khác là cơ quan quản lý đang buông lỏng. Theo quy định pháp luật, sàn giao dịch BĐS phải đăng ký, được cấp phép; nhân viên môi giới BĐS phải học, thi và được cấp chứng chỉ mới được hành nghề. Đồng thời, hệ thống pháp luật cũng khá đầy đủ quy định để quản lý hoạt động kinh doanh, môi giới BĐS đối với sản phẩm dự án hoặc nhà đất trong dân.
“Nhưng thực tế, đa phần các địa phương, cơ quan quản lý vẫn buông lỏng, mặc cho “cò” đất tha hồ tạo sốt ảo, đẩy giá trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Thậm chí, chính những sàn giao dịch, môi giới BĐS được cấp phép, có chứng chỉ hành nghề nhưng vì tiền vẫn hoạt động vi phạm pháp luật. Chỉ khi các vụ “cò” đẩy giá tạo sốt ảo như ở xã Bình Ba, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; H.Thạch Thất, Hà Nội hay mới đây là ở H.Hớn Quản, Bình Phước… thì cơ quan quản lý mới vào cuộc chứ ít khi chủ động ngăn chặn trước. Đấy chính là lỗ hổng quản lý nhà nước cần khắc phục. Thời gian tới, Hội Môi giới BĐS Việt Nam sẽ có đề án tham mưu cho cơ quan nhà nước cũng như tăng cường tuyền truyền, tập huấn cho hội viên hành nghề đúng pháp luật để giúp chuẩn hóa hoạt động thị trường, phát triển bền vững”, ông Đính nói.
Địa phương buông lỏng, 'cò đất' mặc sức lộng hành - ảnh 2

Đất phân lô ở ven đô thị lớn là mặt hàng dễ bị “cò” đất thổi giá ăn theo hạ tầng, thông tin lên quận ẢNH LÊ QUÂN

Cũng theo ông Đính, để hạn chế tình trạng “cò” đất tạo sốt ảo, đẩy giá thì vai trò của cơ quan chức năng tại địa phương rất quan trọng. Đặc biệt là can thiệp dứt khoát giải tán đám đông, ra văn bản cảnh báo, hoặc thông báo tạm ngừng giao dịch BĐS tại địa phương nơi có sốt đất ảo. Đơn cử như các động thái dứt khoát của chính quyền địa phương ở Quảng Ninh qua đợt sốt đất Vân Đồn hay sốt đất gần sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai… đều cho thấy rõ nếu chính quyền quan tâm quản lý thì “cò” đất tạo sốt ảo không có cửa.
“Nhưng trước hết, các nhà đầu tư, người mua BĐS cũng cần tỉnh táo, có kiến thức, bản lĩnh đủ tốt để tránh sập bẫy của “cò” đất, sàn giao dịch BĐS thiếu lương tâm, bất chấp pháp luật để trục lợi”, ông Đính nói.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hàng năm đều có rà soát việc thực hiện quy định pháp luật về liên quan đến thị trường BĐS và nắm được những kẽ hở pháp luật cũng như lỗ hổng trong việc quản lý thực hiện pháp luật trong lĩnh vực. Những vi phạm của “cò” đất hay sàn giao dịch BĐS trên phạm vi cả nước thường có nhiều điểm giống nhau, khá phổ biến ở cả nhà đất trong dân và dự án.
Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương rất quan trọng, nhưng thực tế phần lớn chưa sát sao. Các động thái can thiệp chủ yếu của chính quyền địa phương thường đi sau hoạt động phi pháp của “cò” đất. Mức độ xử lý cũng nhẹ nhàng, chưa thực sự cương quyết thể hiện ngay qua việc không nhiều đối tượng bị xử lý hành chính hay hình sự trong thời gian qua.
LÊ QUÂN
TNO