Nối hạ tầng, thúc kinh tế phía nam
Một loạt dự án được đề xuất ưu tiên, những cuộc họp bàn giữa các tỉnh liên tục diễn ra, hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM đi các tỉnh đang dần được hâm nóng sau thời gian dài loay hoay trong ùn tắc.
Làm cao tốc, mở quốc lộ
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về tình hình giao thông kết nối giữa TP.HCM và tỉnh Long An. Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có 23 tuyến đường kết nối giữa TP và Long An cần được đầu tư. Trong đó, 12 đường hiện hữu cần mở rộng, kết nối đồng bộ; 9 đường quy hoạch được duyệt và 2 tuyến đường cần nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch. Do tính chất cấp bách, quan trọng, có 6 dự án được đề xuất ưu tiên thực hiện ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Ngoài ra, có 2 dự án đường vành đai 3 và 4 cũng đang được nhanh chóng đẩy nhanh các thủ tục để khởi công và hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Tổng vốn đầu tư cho 6 dự án khoảng hơn 20.500 tỉ đồng.
6 dự án ưu tiên thực hiện ngay từ nay đến năm 2025
1. Dự án mở mới đường phía tây bắc;
2. Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng – cầu TL9) và xây dựng cầu Lớn;
3. Dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (H.Bình Chánh);
4. Mở rộng QL50 đoạn đi qua H.Bình Chánh;
5. Dự án cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè)
6. Đường song song QL50 (H.Bình Chánh).
3. Dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (H.Bình Chánh);
4. Mở rộng QL50 đoạn đi qua H.Bình Chánh;
5. Dự án cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè)
6. Đường song song QL50 (H.Bình Chánh).
Mới đây, đại diện 3 sở GTVT gồm Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM đã họp bàn về việc nghiên cứu tuyến cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước). Theo đó, tỉnh Bình Phước và Bộ GTVT kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định theo hai phương án đầu tư: Trường hợp kịp đưa nguồn vốn đầu tư vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, các cơ quan trên kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước triển khai dự án. Trường hợp không thể bố trí vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị giao tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án.
Góp ý “Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050” của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất đẩy nhanh kế hoạch đầu tư rất nhiều dự án như cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tăng quy mô làn xe mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương… lên thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, thay vì sau 2025 theo kế hoạch cũ để theo kịp sự phát triển của TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận.
Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM cũng đã bổ sung 5 tuyến đường có tổng chiều dài hơn 239 km vào quy hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Các tuyến giao thông kết nối được đề xuất bổ sung gồm: đường ven hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) nối với sông Sài Gòn (TP.HCM); đường nối từ nút giao Gò Công qua sông Đồng Nai kết nối với QL20, QL1; đường nối QL14 với Chơn Thành (Bình Phước), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), Thuận An (Bình Dương) và cao tốc Gò Dầu – TP.Tây Ninh – Xa Mát (Tây Ninh)…
Gỡ tắc giao thông, đột phá kinh tế
Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, nhưng bao năm qua, kết nối giao thông chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển, giao thương kinh tế giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm. 6 tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với 7 tỉnh lân cận theo quy hoạch, hiện mới chỉ hoàn thiện được 2 đường, gồm cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây kết nối các tỉnh phía đông và TP.HCM – Trung Lương kết nối các tỉnh miền Tây. Trong đó, cả 2 tuyến đường này đều đang rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Tiến độ mở rộng các quốc lộ hiện hữu để giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội đô TP.HCM, tạo liên thông vùng như mở rộng QL1, QL13, QL50… đã nằm chờ hàng thập niên vẫn chưa nhúc nhích.
Giao thông ì ạch không chỉ khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác, giảm lợi thế cạnh tranh mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về phát triển đô thị. Thông tin các dự án cứ nhấp nhử liên tục tạo cơ hội cho giới đầu cơ bất động sản thỏa sức “quậy”, tạo nhiều cơn sốt đất ảo, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và cản trở dòng vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế của toàn vùng.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, cho rằng về lý thuyết, hạ tầng giao thông phải là khung xương, luôn phải đi trước để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên thực tế đang diễn ra ngược lại. Các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TP.HCM có hơn 30 triệu dân, chiếm hơn 1/2 dân số cả nước. Nhu cầu vận tải cả con người và hàng hóa giữa các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam ngày càng tăng, tốc độ trung bình tăng khoảng 10 – 12%/năm và cứ 5 – 6 năm, nhu cầu vận chuyển sẽ tăng gấp đôi. Chưa kể TP.HCM đang đặt mục tiêu xây dựng TP.Thủ Đức thành trung tâm tài chính của cả khu vực, thu hút dòng vốn “khủng” từ các nhà đầu tư, đòi hỏi yêu cầu tăng cường mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và du lịch ngày càng lớn. Tuy nhiên, tốc độ triển khai các dự án giao thông không những không theo kịp mà còn quá ì ạch, chậm chạp, khiến TP.HCM dần tụt hậu, vùng kinh tế phía Nam cứ nhùng nhằng mãi không thể bứt phá.
“Ngân sách của cả T.Ư và TP chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông. Việc thu hút xã hội hóa cho các dự án hạ tầng cũng ngày càng khó khăn do vướng cơ chế. Tuy vậy, hạ tầng kết nối sẽ có nhiều khả thi về tài chính hơn khi có sự góp sức của các tỉnh, thành. Cần quán triệt tư tưởng xây dựng hạ tầng vì mục tiêu phát triển chung của toàn vùng kinh tế phía nam chứ không phải chỉ cho riêng TP.HCM. Quan trọng nhất là tìm ra tiếng nói chung, có sự quyết liệt từ phía lãnh đạo các địa phương trong việc liên kết, thúc đẩy thông qua các cơ chế, chính sách đột phá để các dự án nhanh chóng được triển khai, đưa vào khai thác”, TS Vũ Anh Tuấn nhận định.
HÀ MAI
TNO