Học sinh tự tử và khoảng trống tư vấn tâm lý học đường
Học sinh tự tử và khoảng trống tư vấn tâm lý học đường
Học sinh tự tử có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là tình trạng đáng báo động. Nếu chúng ta không xem xét thực tế để tìm ra căn nguyên thì thực trạng này sẽ còn tiếp diễn.
Đang tuổi ăn, tuổi lớn nhưng đứng trước những áp lực, sức ép có thể từ gia đình, nhà trường, bạn bè, môi trường sống… bên cạnh đó do thiếu kinh nghiệm sống, kỹ năng sống còn yếu khiến các em chưa biết cách cân bằng tâm lý dẫn tới những hành động dại dột. Nguyên nhân có thể do áp lực học tập, cuộc sống gia đình, mâu thuẫn với bạn bè, tâm lý tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Khi trẻ không đạt được như kỳ vọng thì quay sang trách móc khiến trẻ bị sốc tâm lý, buồn bực, trầm cảm lâu dần không giải tỏa được đã tìm đến cái chết.
Thực trạng này cho thấy một bộ phận học sinh có tâm lý khá bất ổn, dễ hành động dại dột vì những điều nhỏ nhặt, song cũng thể hiện sự buông lỏng quản lý, quan tâm chưa đúng mức đến các em của cả phụ huynh và nhà trường. Điều đáng nói những sự việc trên xảy ra quá bất ngờ, hầu hết các em tự chấm dứt sự sống của mình đều là học sinh ngoan khiến các bậc phụ huynh, thầy cô và bạn bè vô cùng bàng hoàng, đau xót.
Lo âu lứa tuổi học đường đến từ nhiều phía như: quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu đạt được thành tích, sự tự đánh giá, áp lực đánh giá từ người khác và nhu cầu thể hiện bản thân… Mặc dù tỷ lệ học sinh có những vấn đề sức khỏe, tâm lý gia tăng nhưng tham vấn tâm lý trường học hiện vẫn đang là khoảng trống.
Nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý nhưng lại chưa hiệu quả. Đặc biệt, ở trường công lập, phần lớn cán bộ tham vấn đều là giáo viên kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng, kiến thức nên kết quả chưa được như mong muốn.
Nguyên nhân còn đến từ tâm lý học sinh ngại vì sợ bạn bè trêu ghẹo. Ngay cả phụ huynh vẫn còn định kiến nên không thoải mái khi con phải vào các phòng tham vấn này để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Mặc dù đã có thông tư về tham vấn tâm lý trong trường học nhưng việc triển khai còn khó khăn do thiếu đội ngũ chuyên nghiệp. Trong khi đó, tham vấn tâm lý học đường là công việc đặc thù cần phải có kỹ năng, kiến thức, cần làm toàn thời gian.
Phần lớn các phòng tư vấn tâm lý học đường chưa có quy trình sàng lọc định kỳ, chưa có các hoạt động phòng ngừa mà chỉ là nơi ngồi chờ khi học sinh có chuyện xảy ra mới xử lý. Nhiều nơi công tác tư vấn chưa đảm bảo yếu tố bảo mật, chưa chuyên nghiệp, chẳng hạn thiếu không gian riêng tư, thiếu bộ công cụ trắc nghiệm, thiếu mạng lưới kết nối với các chuyên gia đầu ngành khi có học sinh bị nặng.
Vì lẽ đó, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, giáo viên và phụ huynh cần quan sát để ý những học sinh có các dấu hiệu bất thường, hướng các em biết quý trọng bản thân, sự sống chính mình. Bên cạnh đó ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường.
Điều quan trọng hơn hết là gia đình và nhà trường cần giảm áp lực về học tập cho trẻ, tạo ra những chỗ dựa tâm lý cho các em để kịp thời chia sẻ, giúp các em tháo gỡ kịp thời những biến cố trong học tập, cuộc sống.
TƯƠNG QUAN
TNO