24/11/2024

Mỹ – Nhật Bản cùng phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Mỹ – Nhật Bản cùng phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng Mỹ – Nhật Bản ngày 16.3 kịch liệt phản đối “hành vi cưỡng ép và gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sau cuộc hội đàm cấp cao tại thủ đô Tokyo.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại thủ đô Tokyo ngày 16.3 /// Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại thủ đô Tokyo ngày 16.3 REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đang có chuyến thăm Nhật Bản trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhằm củng cố khối liên minh ở châu Á để đối phó sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng, theo AFP. Cuộc hội đàm cấp cao được tổ chức theo hình thức “2 + 2” giữa ông Austin và ông Blinken với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại thủ đô Tokyo.
Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, các bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản cảnh báo: “Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hữu, tạo ra những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Chúng tôi cam kết phản đối hành vi cưỡng ép và gây bất ổn nhắm vào những quốc gia khác trong khu vực”.
Các bộ trưởng cũng thảo luận về “cam kết vững chắc” của Washington về việc bảo vệ Nhật Bản trong vấn đề quần đảo tranh chấp với Trung Quốc, Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông và tiếp tục phản đối yêu sách chủ quyền “trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cả hai bên đồng thời bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc về những hành động gây rối gần đây trong khu vực”, trực tiếp đề cập đến các động thái của Trung Quốc. Chẳng hạn, các bộ trưởng quan ngại về luật của Trung Quốc mới thông qua hồi tháng 1 cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào các tàu nước ngoài tại vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
“Hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi nói.

“Sẽ đáp trả nếu cần thiết”

Trong buổi họp báo, ông Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi thống nhất trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi các quốc gia tuân thủ các quy tắc, hợp tác ở bất cứ nơi đâu họ có thể và giải quyết những bất đồng một cách hòa bình. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đáp trả khi Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng ép và gây hấn”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Motegi cho biết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc chiếm phần lớn trong cuộc hội đàm song phương của ông với ông Blinken và hai bên “kịch liệt phản đối nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Mỹ - Nhật Bản cùng phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tham dự cuộc hội đàm cấp cao tại thủ đô Tokyo ngày 16.3  REUTERS

Hai bên đồng thời thảo luận các vấn đề khác bao gồm vắc xin Covid-19, an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn, tình hình Myanmar và vấn đề nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên, Hồng Kông và Tân Cương.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thiết lập lại các liên minh trong khu vực sau những xáo trộn dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Austin và ông Blinken cũng đang tham vấn các đồng minh trong khu vực và đây là một phần trong tiến trình xem xét lại chính sách của Washington đối với CHDCND Triều Tiên.
Tuyên bố chung của các bộ trưởng tiếp tục kêu gọi Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” và cảnh báo kho vũ khí của Bình Nhưỡng “là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định quốc tế”.
Tuy nhiên, ông Blinken từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến việc em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 16.3 cảnh báo Washington “không nên cố gieo rắc mùi thuốc súng trên đất của chúng tôi từ phía bên kia đại dương”. Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi đang xem xét liệu các biện pháp gây áp lực bổ sung khác nhau có thể có hiệu quả hay không, liệu có những biện pháp ngoại giao hợp lý đối với Triều Tiên hay không”.
PHÚC DUY
TNO