24/11/2024

Việt Nam yêu cầu Myanmar bảo đảm an toàn cho công dân và doanh nghiệp Việt

Việt Nam yêu cầu Myanmar bảo đảm an toàn cho công dân và doanh nghiệp Việt

Việt Nam ngày 11-3 kêu gọi các bên giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, không sử dụng vũ lực và yêu cầu Myanmar đảm bảo an toàn, lợi ích chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

 

Việt Nam yêu cầu Myanmar bảo đảm an toàn cho công dân và doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Cảnh sát Myanmar giữa một cuộc biểu tình phản đối chính biến ở Mandalay (Myanmar) – Ảnh: REUTERS

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong liên tục gia tăng tại Myanmar thời gian gần đây.

“Việt Nam kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết các bất đồng, mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì lợi ích của nhân dân Myanmar và vì hòa bình, ổn định khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Theo bà Thu Hằng, Việt Nam cũng chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại Tuyên bố của chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar, cũng như trong tuyên bố của chủ tịch ASEAN về kết quả hội nghị không chính thức Bộ trưởng ngoại giao ASEAN vừa qua.

Các tuyên bố này nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN, ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình của Myanmar sớm trở lại bình thường, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Liên quan đến công dân Việt Nam tại Myanmar, Bộ Ngoại giao cho biết hiện nay có khoảng 600 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Myanmar.

“Trong bối cảnh tình hình phức tạp tại Myanmar hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã và đang theo dõi sát tình hình, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng Việt Nam ở Myanmar cập nhật thông tin, kịp thời đưa ra các khuyến cáo đối với công dân, đồng thời cũng sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết”, bà Thu Hằng nói.

Các cuộc biểu tình sau chính biến đang khiến Myanmar trở thành điểm nóng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Tại cuộc họp ngày 10-3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố chung, nhất trí lên án “hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, bao gồm cả phụ nữ, thanh niên và trẻ em”.

Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây sau khi quân đội tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Myanmar ngày 1-2, việc bắt giữ các thành viên chính phủ và kêu gọi thả ngay những người này.

Cơ quan này đồng thời lên án các bạo lực và hạn chế, khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền, khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.

Ngày 11-3 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thông tin về việc Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu chấm dứt ngay bạo lực ở Myanmar.

Theo phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã tham gia đóng góp, xây dựng đối với Tuyên bố của chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, bảo đảm an toàn cho dân thường.

“Việt Nam cũng kêu gọi kiềm chế tối đa, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Myanmar và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ”, Bộ Ngoại giao cho hay.

NHẬT ĐĂNG
TTO