EU lên án Anh, Mỹ ‘ghim hàng’ vắc xin Covid-19
EU lên án Anh, Mỹ ‘ghim hàng’ vắc xin Covid-19
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Charles Michel bác bỏ cáo buộc cho rằng Liên minh châu Âu (EU) “ghim hàng” vắc xin Covid-19, tố ngược chính Anh và Mỹ cấm xuất khẩu vắc xin Covid-19.
Ông Michel đã đưa ra một tuyên bố dài vào ngày 9.3 nhằm bảo vệ chiến lược vắc xin Covid-19 của EU, vốn bị trích là chậm chạp, đồng thời cáo buộc “Anh và Mỹ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vắc xin hoặc các thành phần sản xuất vắc xin”, theo Reuters. Cũng trong tuyên bố, ông cảnh báo: “Chúng ta không nên để mình bị Trung Quốc và Nga lừa mị vì lời đề nghị cung cấp vắc xin Covid-19”.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các thành viên EU đang phải tìm cách tiếp cận hoặc đã phê chuẩn vắc xin do Nga và Trung Quốc sản xuất vì chương trình vắc xin của khối chậm hơn so với nhiều nước khác như Mỹ hoặc cựu thành viên Anh.
Hồi tuần rồi, EU bị cáo buộc đi theo “chủ nghĩa dân tộc vắc xin” khi phê chuẩn quyết định của Ý về việc tạm dừng vận chuyển vắc xin Covid-19 đến Úc. Ông Michel bảo vệ quyết định này của EU, khẳng định cần phải có một hệ thống kiểm soát xuất khẩu những liều vắc xin Covid-19 được sản xuất ở các nước EU. “Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn các công ty mà chúng tôi đã đặt hàng từ trước nhưng chưa giao hàng đúng tiến độ, lại xuất khẩu trước cho những quốc gia ngoài EU. EU chưa bao giờ cấm xuất khẩu”, ông Michel nói.
Đáp lại, chính phủ Anh ngay lập tức lên án bình luận của ông Michel và nhấn mạnh London không cấm xuất khẩu bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào. “Bất cứ bình luận nào liên quan đến lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu Covid-19 của Vương quốc Anh là hoàn toàn sai sự thật”, Reuters dẫn lời một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết vào ngày 9.3.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đồng thời viết thư cho ông Michel và triệu tập một đại diện của EU tới London tham dự cuộc tại Bộ Ngoại giao Anh để làm rõ vấn đề này.
Căng thẳng gia tăng giữa Anh và EU kể từ Anh hoàn tất tiến trình rời khỏi EU vào cuối năm 2020. EU đang bị chỉ trích vì chiến lược tiêm chủng Covid-19 chậm chạp.
Trong khi đó, chính phủ Anh tuyên bố hơn 20 triệu người dân được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 và đang hướng tới việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp phòng dịch vào tháng 6, nhưng phần còn lại của châu Âu bị tụt lại phía sau.
EU quy một phần trách nhiệm cho công ty AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) đã không thực hiện đúng đơn đặt hàng vắc xin Covid-19.
PHÚC DUY
TNO