24/11/2024

Chọn ngành sao cho đừng để học y rồi trở thành… đạo diễn

Chọn ngành sao cho đừng để học y rồi trở thành… đạo diễn

Học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn tìm hiểu cặn kẽ ngành nghề để quyết định chọn ngành đăng ký xét tuyển vào đại học nên việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cũng phải tập trung.
Cẩm nang tuyển sinh của Báo Thanh Niên là một kênh tham khảo để giáo viên hướng nghiệp học sinh /// ẢNH: BÍCH THANH
Cẩm nang tuyển sinh của Báo Thanh Niên là một kênh tham khảo để giáo viên hướng nghiệp học sinh ẢNH: BÍCH THANH

Đạt điểm cao không có nghĩa phù hợp

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), chia sẻ về thực tế chọn ngành, trường của học sinh (HS) hiện nay: “Thường HS giỏi lựa chọn ngành học mà không hiểu hết quá trình học, yêu cầu thực tiễn của công việc sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, công tác hướng nghiệp chủ yếu thường đưa HS đến các trường ĐH để các em tìm hiểu môi trường học, chất lượng đào tạo và việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên các em quên tìm hiểu quá trình học tập, đam mê công việc và đeo đuổi việc học đến cùng. Vì thế, vẫn còn hiện tượng sinh viên không tìm thấy động lực học tập sau khi trúng tuyển nên bị buộc thôi học, bỏ ngang và học lại ngành khác.

Giáo viên Huyền Thảo nói thêm lựa chọn nghề nghiệp và ngành học của HS vẫn còn bị gia đình chi phối và tác động. Đây là lý do khiến nhiều người lầm tưởng đạt điểm cao ở các môn học là có năng lực phù hợp với ngành học liên quan, trong khi quá trình đánh giá học lực ở phổ thông có sự khác biệt so với ĐH. HS nào tìm thấy được năng lực thực sự, năng khiếu của bản thân, hiểu rõ ngành học và hiểu rõ khả năng của bản thân thì sẽ chọn được ngành, nghề học phù hợp và theo đuổi đến cùng.

Theo cô Huyền Thảo, đó là lý do vì sao có HS suốt những năm học THCS, THPT đều giỏi toán, chọn ngành y nhưng khi trở thành sinh viên lại không tiếp tục theo đuổi ngành đã lựa chọn mà cuối cùng trở thành… đạo diễn sân khấu.

Lắng nghe để hiểu bản thân

Để giúp HS có cái nhìn toàn diện và chính xác, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng HS khi tìm hiểu ngành học cần trả lời cho những câu hỏi như học những gì, có hợp với ngành xét tuyển, có đủ điều kiện theo học… Ngoài ra, HS nên trải nghiệm với nghề bằng khả năng quan sát để thấy bản thân mình có thể đối mặt và vượt qua không? Có thực sự thích, đam mê và theo đuổi với nghề không?…
Trong quá trình tư vấn, trò chuyện về ngành nghề với học trò, giáo viên Huyền Thảo thường khuyên HS nên dành thời gian để lắng nghe và hiểu bản thân với nghề nghiệp. Đừng vì hào quang, thu nhập cao và những thứ bề ngoài của nghề mà chạy theo số đông, theo thời thượng để rồi thấy không phù hợp mà bắt đầu lại. “Nghề nào cũng quý cả. Chỉ có con người mới làm cho nghề danh giá và chúng ta có dám dấn thân với nghề hay không, chứ nghề không tạo nên giá trị con người”, cô Huyền Thảo nhận định.
Giáo viên Trần Đình Hương, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết để tránh tình trạng HS chọn ngành học không phù hợp, các giáo viên thường tư vấn HS phải đưa yếu tố năng lực, sở thích, nguyện vọng với ngành nghề lên hàng đầu. Sau khi xác định rõ ngành nghề thì tìm hiểu trường đào tạo, tham khảo điểm chuẩn… Tùy vào năng lực bản thân và sắp xếp thành 3 tốp trường điểm cao, điểm trung bình, điểm thấp để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Tương tự, ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cũng cho rằng trường cập nhật và phổ biến cho HS khối 12 những tin tức mới về quy chế tuyển sinh, tiêu chí xét tuyển của các trường về các ngành nghề.
BÍCH THANH
TNO