Tình trạng khó lường tại Myanmar
Tình trạng khó lường tại Myanmar
Bạo lực vẫn tiếp diễn trong khi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép để chính quyền quân sự Myanmar thay đổi hành vi.
Hôm qua 5.3, người biểu tình vẫn xuống đường tại nhiều thành phố ở Myanmar trong khi cảnh sát nổ súng để giải tán đám đông. Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết ít nhất một người biểu tình thiệt mạng vì trúng đạn tại TP.Mandalay.
Trong khi đó, nguồn điện tại hàng loạt thành phố như Naypyitaw, Yangon, Mawlamyine bị cắt từ đầu giờ chiều. Tuy nhiên, một công ty công ích tại Yangon nói rằng việc mất điện là do trục trặc hệ thống và cam kết nguồn điện sẽ sớm được khôi phục.
Bất ổn tại Myanmar tiếp diễn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép nhằm khôi phục sự ổn định tại nước này. YouTube hôm qua thông báo đã xóa 5 kênh và nhiều video của các hãng truyền thông thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ đưa 4 cơ quan, tổ chức Myanmar vào danh sách đen bị hạn chế nhập khẩu sản phẩm, công nghệ. Các bên bị cấm vận gồm Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và 2 tập đoàn thuộc quản lý của bộ này. Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đang cân nhắc thêm các biện pháp khác tùy theo hành động của quân đội Myanmar và nhấn mạnh sẽ tiếp tục bắt những người liên quan đến cuộc chính biến ngày 1.2 phải chịu trách nhiệm.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết quân đội Myanmar đã tìm cách rút 1 tỉ USD trong Ngân hàng Dự trữ liên bang ở New York, nhưng bị giới chức Mỹ ngăn cản và số tiền bị đóng băng vô thời hạn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lên án việc lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình và bày tỏ lo ngại về việc các phóng viên bị bắt giữ trong lúc tác nghiệp. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab mô tả cảnh tượng tồi tệ tại Myanmar và thông báo triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ trong cùng ngày.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho rằng việc lực lượng vũ trang một nước sử dụng vũ khí đối với chính người dân của họ là “nỗi hổ thẹn”. Nhà ngoại giao kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép nhưng cho rằng điều đó là có giới hạn và điểm mấu chốt nằm ở chính quyền quân sự Myanmar.
Trong động thái thể hiện sự phản đối với quân đội, Đại sứ quán Myanmar tại Mỹ ngày 5.3 chỉ trích hành động bạo lực đối với người biểu tình và kêu gọi chính quyền hành động kiềm chế hết mức. Cùng ngày, Trưởng phái đoàn thường trực Myanmar tại LHQ Tin Maung Naing tuyên bố từ chức dù mới được bổ nhiệm.
VI TRÂN
TNO