Xét tuyển đại học dựa vào kết quả thi THPT có gì mới?
Xét tuyển đại học dựa vào kết quả thi THPT có gì mới?
Một trong vài thay đổi quan trọng là dự kiến cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần nếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Một đại diện Bộ GD-ĐT cho biết về cơ bản quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) chính quy năm 2021 mà Bộ này đang hoàn thiện bản dự thảo vẫn giữ nội dung như năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn có một vài điều chỉnh nhỏ Bộ GD-ĐT muốn tiếp tục xin ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức.
Có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến ?
Một trong vài thay đổi quan trọng là dự kiến cho phép thí sinh (TS) điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần, nếu TS đăng ký xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, sau khi biết điểm thi, trong khoảng thời gian quy định, TS được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thay vì 1 lần như những năm trước.
Một thay đổi khác là TS được phép đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến thay vì phải đăng ký trên phiếu đăng ký dự thi và xét tuyển như những năm trước.
“Với những địa bàn khó khăn về thiết bị, đường truyền, các trường THPT, trường ĐH và các trường CĐ đào tạo giáo viên trên địa bàn sẽ tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn TS về kỹ thuật khi đăng ký trực tiếp”, vị đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Những dự kiến này sẽ được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến phản biện của chuyên gia, xã hội trước khi có quyết định cuối cùng.
Có nên cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần ?
Về dự kiến cho TS có thể điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, tiến sĩ Trần Khắc Thạc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, bình luận nếu Bộ GD-ĐT định cho phép TS điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong khoảng thời gian nhất định sau khi các em biết điểm thi thì đây là động thái thừa. Nếu xét từ lợi ích các trường, quy định này không có khó khăn gì với các trường trong việc lọc ảo và xác định điểm chuẩn. Dẫu TS điều chỉnh 1 lần hay bao nhiêu lần thì cũng chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định, trong thời gian đó không một trường nào truy cập được vào hệ thống. Chỉ lúc nào hết thời gian điều chỉnh thì hệ thống mới đóng lại với TS và mở ra với các trường, lúc đó các trường mới chạy lọc ảo được.
Trong khi đó, về phía lợi ích của TS, quy định này chỉ khiến các em khó khăn hơn về mặt tâm lý, dẫn tới việc lựa chọn thiếu tỉnh táo ở lần điều chỉnh cuối. “Về mặt lý thuyết, các em được đăng ký vô số nguyện vọng ở lần đăng ký xét tuyển đầu tiên. Sau khi có điểm, các em lại được điều chỉnh lần nữa với tối đa vô số nguyện vọng. Việc cho các em thêm 2 lần điều chỉnh nữa không tác dụng gì khi mà thông tin các em có cũng chỉ bấy nhiêu”, tiến sĩ Thạc nói.
Còn về việc cho TS đăng ký xét tuyển trực tuyến, PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng đây là một quy định rất đáng hoan nghênh. Nếu vậy, Bộ cũng nên cho phép TS đăng ký xét tuyển tích hợp với đăng ký thi như mọi năm, nghĩa là cả đăng ký thi và xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến. Việc này giúp giảm tải rất nhiều cho việc chuẩn bị kỳ thi của các trường phổ thông. “Bởi TS đăng ký trực tuyến, điều chỉnh nguyện vọng cũng trực tuyến nên quy định cho TS điều chỉnh 3 lần (thay vì 1 lần) là hợp lý”, PGS Bùi Đức Triệu nêu ý kiến.
Ông Triệu phân tích thêm: “Quy định này không chỉ để giúp TS chọn nhầm rồi chọn lại mà còn cho phép những em lỡ thao tác sai được thao tác lại. Đối với các trường thì không ảnh hưởng gì, thậm chí về lâu dài thì các trường hưởng lợi ở chỗ có ít TS bỏ học giữa chừng vì chọn lầm nguyện vọng, nên có được sự ổn định trong đào tạo”.
Liên quan tới dự định cho TS đăng ký xét tuyển trực tuyến, PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Mọi năm thì mỗi TS được phát một phiếu đăng ký dự thi, trong đó bao gồm thông tin về việc đăng ký xét tuyển để TS điền thông tin, sau đó các trường sẽ nhập dữ liệu vào hệ thống.
Còn năm nay, Bộ GD-ĐT đề xuất ý tưởng sẽ phát cho mỗi TS một tài khoản, các em sẽ đăng ký thi và xét tuyển trực tuyến. Nhưng các sở GD-ĐT vẫn in tờ đăng ký đó ra để làm căn cứ đối chiếu khi rà soát dữ liệu. Lúc đó, chúng tôi không được phổ biến việc TS sẽ đăng ký thi riêng, đăng ký xét tuyển riêng. Như vậy, nếu dự định đó được đưa vào dự thảo mà Bộ GD-ĐT sẽ công bố thì có nghĩa cả đăng ký thi và đăng ký xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến”.
Có thể ban hành quy chế muộn hơn so với dự kiến
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ mong muốn cuối tháng 3 là có thể ban hành được quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (1.3), Bộ vẫn chưa công bố được dự thảo quy chế để xin ý kiến góp ý của xã hội, vì chắc chắn thời điểm quy chế được ban hành sẽ muộn hơn nhiều so mong muốn.
Tư vấn trực tuyến “Chọn ngành cho tương lai”: Chọn ngành học khối ngành y tế – sức khỏe
Vào 14 giờ 30 ngày 2.3, chương trình tư vấn trực tuyến “Chọn ngành cho tương lai” khối ngành y tế – sức khỏe sẽ diễn ra đồng thời ở các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Đại diện các trường ĐH sẽ tập trung chia sẻ những nét đổi mới trong phương án tuyển sinh khối ngành sức khỏe trong năm nay như hình thức xét tuyển, các ngành đào tạo mới, những quy định đặc thù trong xét tuyển, giải đáp các băn khoăn về lựa chọn ngành học trong lĩnh vực này.
Chuyên gia tham dự chương trình gồm: tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang; thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thảo My, Trưởng ban Đào tạo khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Bảo Hân
QUÝ HIÊN
TNO