Nuôi cá trên… thuyền
Nuôi cá trên… thuyền
Chuyện “lạ” này đang được nhiều hộ dân áp dụng và cho thấy hiệu quả kinh tế cao ở vùng quê chiêm trũng Quảng Trị, nhất là hạn chế rủi ro mỗi khi có mưa lũ lớn.
Không “ngán” mưa lũ
Trong đợt lũ lụt nghiêm trọng hồi cuối năm 2020, nhiều hộ nuôi cá ở xã Hải Phong (H.Hải Lăng, Quảng Trị) lại tỏ ra “bình chân như vại” kể cả khi con nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Hỏi ra mới hay, trái ngược với những hộ nuôi trồng thủy hải sản thường sẽ trắng tay sau mưa lũ lớn, những hộ này đang nuôi cá trên… thuyền, nên chẳng lo lắng gì.
Thực tế, khoảng gần 10 năm nay, người nuôi cá nước ngọt trên sông ở xã Hải Phong đã dần đầu tư vốn sang mô hình lồng nuôi mới, có hình dạng giống chiếc thuyền. Kiểu “lồng thuyền” này đã cho thấy nhiều hiệu quả: ít hao con giống, cá nuôi phát triển tốt, ít bị bệnh và đặc biệt không bị trôi vào mùa mưa lũ…
|
Anh Phạm Văn Một, một trong những người nuôi cá lồng thuyền lâu năm tại địa phương, cho hay “lồng thuyền” dài khoảng 6 m, rộng 2 m, mũi nhọn, thân lồng được đục lỗ nhỏ, hình dạng tương tự chiếc thuyền. Khi đưa vào nuôi, mũi lồng hướng về phía đầu nguồn sông và được cố định chắc chắn giữa sông. “Ưu điểm của lồng thuyền nhôm này khá mát nên giúp cá phát triển tốt, ít bệnh, độ bền lồng thuyền lên đến hàng chục năm và đặc biệt là cá không bị trôi mỗi khi có mưa lũ lớn. Qua mấy vụ nuôi, tôi thấy rằng loại lồng nuôi này đạt được nhiều ưu điểm và cảm thấy rất yên tâm”, anh Một nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Đông, cán bộ địa chính – nông nghiệp xã Hải Phong, cũng đánh giá với chi phí bình quân 15 triệu đồng để đóng 1 lồng thuyền, cách nuôi cá đặc biệt này cho hiệu quả rất tốt, phù hợp với địa hình sông ngắn, dốc và chảy xiết vào mùa mưa lũ như sông Ô Lâu, Ô Giang nên đảm bảo an toàn cao, giúp người nuôi hạn chế rủi ro. “Vì vậy, thời gian tới những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi lồng nuôi, địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ từ các nguồn vốn có được để giúp người dân yên tâm nuôi trồng”, ông Đông nói.
“Mái nhà” của cá chình, cá leo…
Theo ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong, đến nay toàn xã có khoảng 90 lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu ở các thôn Câu Hà và Văn Trị. Thậm chí trên các con sông Ô Lâu và Ô Giang đã hình thành những “xóm cá lồng thuyền”. “Qua nhiều vụ nuôi, người dân địa phương đã nhận ra rằng những lồng thuyền nuôi cá như thế này luôn đạt hiệu quả cao, bền vững mà phù hợp nhất là nuôi cá chình và cá leo. Có đến 2/3 số lồng hiện có đang nuôi cá chình”, ông Giang thông tin.
Chèo thuyền đưa chúng tôi tận mục sở thị “xóm cá lồng thuyền” ở thôn Văn Trị, anh Một khoe nhờ nuôi cá chình, cá leo mà đời sống kinh tế của gia đình anh dần khấm khá. Gia đình anh đang nuôi 2 lồng cá chình (200 con giống, trị giá con giống khoảng 20 triệu đồng/lồng) và 1 lồng cá leo (khoảng 500 con giống). “Đối với cá chình, khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch và lãi bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/lồng. Cá leo thì giá trị thấp hơn và thời gian thu hoạch ngắn hơn, chỉ khoảng 3 – 4 tháng/lứa”, anh Một chia sẻ.
Anh Phạm Văn Tin, một người nuôi cá lồng thuyền khác trên sông Ô Giang, cũng phấn khởi cho biết vừa thu đợt 1 lứa cá chình đạt trọng lượng bình quân 3 – 4 kg/con, cá biệt có con đạt đến 6 kg. “Giá cá chình tại chỗ hiện nay trên 500.000 đồng/kg, tính sơ sơ nguồn thu từ bán cá chình đợt này đã giúp gia đình tôi thu về hơn 120 triệu đồng”, anh Tin nói
Năm 2020, Quảng Trị và nhiều tỉnh miền Trung vừa trải qua một trận mưa lũ triền miên, gây thiệt hại nặng nề trong nhiều mảng, trong đó có nghề nuôi trồng thủy hải sản. Vậy nên, mô hình “nuôi cá trên thuyền” với những ưu điểm nổi bật có thể “chống lũ” như ở Hải Phong quả đáng lưu tâm, nhân rộng trong điều kiện phù hợp.
NGUYỄN PHÚC – THANH LỘC
TNO