24/11/2024

Bất chấp rủi ro, nhiều người Việt vẫn “mê” tiền ảo

Bất chấp rủi ro, nhiều người Việt vẫn “mê” tiền ảo

Giá tăng vọt hơn 10 lần trong một năm qua khiến Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo (còn gọi là tiền kỹ thuật số) đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên thế giới lẫn Việt Nam.
Số nhà đầu tư tại VN quan tâm đến tiền ảo khá nhiều dù bị cấm /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Số nhà đầu tư tại VN quan tâm đến tiền ảo khá nhiều dù bị cấm ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về độ phổ biến tiền ảo

Hôm qua 18.2, Bitcoin – đồng tiền ảo lớn nhất và ra đời sớm nhất – đã xác lập kỷ lục mới về giá khi vượt lên trên 52.000 USD. Trong vòng 1 năm qua, giá Bitcoin đã tăng liên tục khi từ dưới 5.000 USD vào đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 10 lần đến đỉnh hiện nay. Điều này khiến “cơn sốt” tiền ảo nóng trở lại tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

“Rủi ro trong việc đầu tư tiền ảo được xem là lớn nhất trong các kênh đầu tư hiện nay. Thậm chí nhiều cơ quan cảnh báo rủi ro quốc tế đã liệt kê và cảnh báo rủi ro lừa đảo trên thị trường tiền ảo đứng đầu trên thị trường tài chính. Vì vậy chỉ có những người ưa mạo hiểm nhất mới đầu tư tiền ảo”.

Ông Phan Dũng Khánh, Trường Doanh nhân Bizlight

Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của trang Statista năm 2020 được công bố trong tuần qua, Nigeria dẫn đầu về độ phổ biến tiền ảo khi có 32% người được hỏi cho biết đã từng sử dụng hoặc sở hữu tiền ảo. Cuộc khảo sát này được tiến hành ở 74 quốc gia trên thế giới với số lượng từ 1.000 – 4.000 lượt người tham gia tại mỗi nước. Trích dẫn thông tin từ Bitcoin.com, Statista nhận định việc chi phí cao khi gửi tiền qua biên giới theo cách thông thường đã khiến nhiều người chuyển sang các sàn giao dịch tiền ảo địa phương để chuyển và nhận tiền cho người lao động ở nước ngoài và gia đình của họ. Bên cạnh đó, người Nigeria cũng thường gửi tiền cho nhau qua điện thoại hoặc thanh toán tại các cửa hàng. Vì nhu cầu đó, các doanh nghiệp trong nước đã thêm tiền điện tử vào các tùy chọn thanh toán qua điện thoại của họ. Và cứ 3 người Nigeria được hỏi thì có 1 người cho biết từng sử dụng tiền ảo.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ hai về mức độ phổ biến tiền ảo sau Nigeria, và xếp thứ ba là Philippines. Kiều hối cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy việc sử dụng tiền ảo tại hai quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh châu Phi và Đông Nam Á, Mỹ Latin cũng là khu vực mà tiền ảo khá phổ biến. Peru đứng đầu khu vực này với 16% người tham gia khảo sát cho biết họ từng dùng hoặc sở hữu tiền ảo, theo sau là Brazil, Colombia, Argentina, Mexico và Chile. Thụy Sĩ và Hy Lạp là hai quốc gia có độ phổ biến tiền ảo cao nhất tại châu Âu với cùng tỷ lệ 11%. Xét theo khu vực, châu Âu là khu vực có mức độ chấp nhận tiền ảo thấp.
Bất chấp rủi ro, nhiều người Việt vẫn “mê” tiền ảo - ảnh 1

Biểu đồ khảo sát về mức độ phổ biến tiền ảo của Statista

Hàng loạt rủi ro phía sau Bitcoin

Tại Việt Nam, nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với cả hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người tham gia ngày càng nhiều. Theo thông tin không chính thức tổng hợp từ số liệu thống kê của các trang kỹ thuật số nước ngoài, ước tính Việt Nam cũng có hơn 10 triệu tài khoản đầu tư tiền ảo, cao hơn ít nhất 5 lần số tài khoản chứng khoán hiện nay. Anh Thành, một nhà đầu tư (NĐT) tại TP.HCM mới đây đã tiếc nuối khi bán Ada (tên một đồng tiền ảo) vào giữa tháng 1 với giá 0,18 USD/Ada nhưng hiện nay lên giá 0,944 USD/Ada. Anh Thành cũng xuýt xoa mãi do đã bán sớm Bitcoin khi vừa lên giá 20.000 USD trước đó. “Mình đã lỗ gần như hết sạch tiền đầu tư vào một chút xíu Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác vào năm 2017. Những đồng tiền ảo khác thì đa số đã biến mất trên sàn. Còn Bitcoin thì sau gần 4 năm mòn mỏi chờ đợi nên khi về được bờ là bán luôn, không ngờ đợt này nó tăng mạnh thế”, anh Thành chia sẻ thêm.
Giữa lúc nhiều NĐT tổ chức và cá nhân đang hưng phấn với Bitcoin và tiền ảo, Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn báo cáo từ UBS Global Wealth Management – công ty quản lý tài sản của Thụy Sĩ – cảnh báo với quy chế giám sát có chiều hướng ngày càng thắt chặt và sự cạnh tranh từ tiền ảo do các ngân hàng trung ương phát hành, không gì đảm bảo rằng giá của những đồng tiền ảo lớn hiện nay có thể tránh được nguy cơ giảm về 0. Theo báo cáo này, giá tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn nhờ lực hỗ trợ từ một số yếu tố gồm nhu cầu của các NĐT mới gia nhập thị trường, mức độ chấp nhận rộng hơn của các định chế  tài chính và nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên trong dài hạn, khả năng cơ quan chức năng can thiệp vào thị trường tiền ảo bằng cách siết chặt quy chế giám sát là một rủi ro lớn đối với NĐT. Báo cáo lấy một ví dụ để minh chứng cho điều này, là quyết định của Anh về cấm bán một số sản phẩm phái sinh tiền ảo nhất định cho NĐT cá nhân. Còn theo một báo cáo của công ty chứng khoán Bank of America Securities, đợt tăng giá đang diễn ra của Bitcoin có thể là một cơn sốt đầu cơ điển hình, và bong bóng đang hình thành có vẻ như là “mẹ của mọi bong bóng tài sản khác”.
Theo ông Phan Dũng Khánh, giảng viên thị trường tài chính Trường Doanh nhân Bizlight, tại Việt Nam việc đầu tư giao dịch Bitcoin hay tiền ảo nói chung vẫn bị cấm nên đây là rủi ro lớn nhất. Chưa kể trong quá trình giao dịch, nếu NĐT quên mất địa chỉ ví điện tử chứa tiền ảo thì sẽ mất luôn vĩnh viễn vì không ai có thể lấy lại được, từ đó dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp tài khoản ví tiền ảo. Điều này hoàn toàn trái ngược với chứng khoán vì được lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
MAI PHƯƠNG
TNO