24/11/2024

Tranh cãi báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19

Tranh cãi báo cáo điều tra nguồn gốc Covid-19

Cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch Covid-19 đã kết thúc, nhưng tính minh bạch vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
An ninh bên ngoài Viện Vi rút học Vũ Hán trong lúc nhóm chuyên gia WHO đến khảo sát ngày 3.2 /// Ảnh: Reuters
An ninh bên ngoài Viện Vi rút học Vũ Hán trong lúc nhóm chuyên gia WHO đến khảo sát ngày 3.2 ẢNH: REUTERS
Trong cuộc họp báo hôm qua 16.2, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng hầu hết bằng chứng đến nay đều cho thấy đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ TP.Vũ Hán (Trung Quốc) và thế giới cần thêm nhiều dữ liệu nhất có thể để hiểu rõ điều gì đã xảy ra.
Trước những lo ngại về sự thiếu minh bạch thông tin, ông đề xuất thành lập một hiệp ước toàn cầu để đảm bảo các nước chia sẻ thông tin về các đại dịch, rút kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, theo Reuters. Thủ tướng Johnson cho rằng với một hiệp ước như vậy, thế giới sẽ có thể tìm hiểu ngọn ngành những điều đã xảy ra và ngăn ngừa đại dịch tái diễn.
“Thế giới cần một thỏa thuận chung về việc truy dấu dữ liệu về các đại dịch do bệnh truyền nhiễm từ động vật. Chúng tôi muốn một thỏa thuận chung về sự minh bạch”, ông Johnson nói. Ý tưởng ngay lập tức được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hưởng ứng.
Lời kêu gọi của ông Johnson được đưa ra sau khi nhóm chuyên gia của WHO ngày 9.2 công bố báo cáo cuối cùng sau gần 1 tháng điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc. Báo cáo vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng về nguồn gốc đại dịch nhưng cho rằng khó có khả năng mầm bệnh như Covid-19 rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ tuyên bố không chấp nhận báo cáo này và yêu cầu được xác minh độc lập. Giới lãnh đạo Mỹ và Anh đã nêu lên lo ngại về mức độ tiếp cận thông tin mà nhóm chuyên gia của WHO nhận được tại Trung Quốc dù Bắc Kinh một mực nhấn mạnh sự minh bạch. “Để hiểu hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch kế tiếp, Trung Quốc phải công khai dữ liệu của đợt bùng phát vào những ngày đầu tiên”, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố gần đây.
Từ khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, đến nay đã có hơn 109 triệu người nhiễm bệnh, trong đó 2,4 triệu người tử vong, theo Đại học Johns Hopkins. Tính đến ngày 16.2, hơn 177,6 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng trên toàn cầu, theo AFP. WHO cùng ngày cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin của AstraZeneca, mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển tiếp cận với vắc xin để ngăn chặn đại dịch.
BẢO VINH
TNO