Việt Nam đủ tiềm năng sản sinh những nhà công nghệ vượt trội
Việt Nam đủ tiềm năng sản sinh những nhà công nghệ vượt trội
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng sản sinh những nhà công nghệ vượt trội, kể cả từ những cá nhân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên ở thời khắc khép lại một năm đầy biến động, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch Covid-19, đã tự tin cho rằng: “Việt Nam có đầy đủ tiềm năng sản sinh những nhà công nghệ vượt trội, kể cả từ những cá nhân”.
Trong khó khăn mới thấy nỗ lực vươn lên
Năm 2020 có thể nói là năm khó khăn nhất trong thế kỷ khi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến và kéo dài. Là một trong những đối tượng bị tác động đầu tiên và nặng nề nhất, nhưng thay vì chờ đợi sự hỗ trợ từ phía nhà nước như trước kia, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đồng hành cùng Chính phủ, liên tục ủng hộ công tác phòng chống dịch bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Bà đánh giá thế nào về sự thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp Việt?
|
Có thể nói, khó khăn năm nay là vô tiền khoáng hậu, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt phải đối mặt. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để có thể tiếp tục tồn tại mà không chờ đến hỗ trợ từ Chính phủ, bởi thực tế Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ nhưng số doanh nghiệp có thể tiếp cận được rất ít. Hầu hết doanh nghiệp tồn tại được do chính bản thân họ.
Ở mức độ tốt hơn, có rất nhiều doanh nghiệp, không chỉ các tập đoàn lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng cùng chung tay góp sức với Chính phủ hỗ trợ nền y tế Việt Nam trong đại dịch; thậm chí là xuất khẩu nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch cả bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Những hành động này đã góp phần thể hiện một “gương mặt” rất mới của Việt Nam ra với thế giới: không chỉ tự mình kiểm soát được Covid-19 mà còn có ý thức đóng góp chung với các nước khác đang khó khăn trong dịch. Tinh thần, ý thức kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp Việt trong giai đoạn khó khăn này rất đáng tự hào.
Cũng trong đại dịch, câu chuyện “dọn ổ đón đại bàng” được nhắc đến rất nhiều từ sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Nhưng như bà vừa nói, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã thể hiện “một gương mặt rất mới”, đã có không ít thương hiệu mang tầm vóc quốc tế như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Hòa Bình, Masan, Vietnam Airlines, Vietjet… thông qua cách họ đóng góp với cộng đồng, cách họ thể hiện trách nhiệm với đất nước… Bà có cho rằng họ cũng chính là những “đại bàng quốc tịch Việt” mà chúng ta phải quan tâm phát triển?
Từ “đại bàng” là muốn chỉ những tập đoàn kinh tế mạnh. Mạnh ở đây là trên những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, có thể hấp dẫn, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế phát triển theo, chứ không phải chỉ là to về quy mô. “Đại bàng” theo nghĩa quy mô lớn thì Việt Nam có rồi, thước đo là các tỉ phú vào danh sách tỉ phú thế giới theo Forbes thừa nhận, những doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán như những cái tên mà bạn vừa kể trên. Nhưng về tính chất của “đại bàng” như các nước mà chúng ta đang mong muốn thu hút, thì Việt Nam chưa có.
|
Một tập đoàn lớn mạnh, mang tầm quốc tế là những người làm chủ công nghệ, làm chủ các ngành công nghiệp lớn và có sức nặng đối với nền kinh tế. Nhìn vào các nền kinh tế phát triển trước đây, các tập đoàn lớn trên thế giới như GE, GM, Siemens, Mitsubishi… đều giúp cho đất nước phát triển các ngành công nghiệp lớn. Ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp lớn hiện nay đều xuất phát từ bất động sản và đến bây giờ vẫn làm bất động sản là chính. Chúng ta có Vingroup bắt đầu tham gia ngành công nghiệp sản xuất ô tô nhưng còn đang ở quy mô nhỏ, vẫn cần thời gian để chứng minh sức mạnh của họ về lĩnh vực này. Để tỷ trọng của công nghiệp trong Vingroup vượt lên, đạt ngưỡng nhất định, đóng góp cho nền kinh tế cũng đạt được ngưỡng nhất định mới có thể gọi tổ hợp Vingroup là tổ hợp công nghiệp. Các tập đoàn khác cũng tương tự như vậy.
Trong thời đại hiện nay, các tập đoàn lớn nhất của nhiều nước chủ yếu là những tập đoàn công nghệ. Lĩnh vực này thì Việt Nam lại càng xa mới có được. Những công ty công nghệ lớn nhất của Việt Nam hiện nay quy mô chưa lớn so với thế giới, tác động đối với toàn ngành kinh tế chung cũng vẫn chỉ ở mức độ khiêm tốn.
Cần môi trường để “chim sẻ” hóa “đại bàng”
Nếu lấy công nghệ làm thước đo, liệu Việt Nam có thể sản sinh ra những “đại bàng” không hay chỉ có thể trông chờ vào sự dẫn dắt của những “đại bàng” ngoại?
Trước hết phải khẳng định đây là thời đại của công nghệ. Nếu các tập đoàn công nghiệp muốn lớn mạnh đến một tầm nhất định cần thời gian rất lâu, có khi đến hàng trăm năm. Tuy nhiên, với các công ty công nghệ thì có thể phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn hơn. Nhiều công ty công nghệ mà tôi theo dõi sau này chỉ cần khoảng 2 thập kỷ có thể trở thành “cực lớn”, nhanh hơn gấp 10 lần so với các tập đoàn công nghiệp. Do đó, kỳ vọng thành “đại bàng” thì công nghệ chính là lĩnh vực xu hướng.
Thế nên, để một công ty trong tương lai có thể trở thành “đại bàng” từ việc dẫn dắt về công nghệ thì thực tế doanh nghiệp nào cũng có triển vọng. Sự xuất hiện của Google, Amazon, Tencent, Microsoft… đều rất đột ngột. Không ai nghĩ Bill Gate cùng Microsoft có thể trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, dẫn dắt toàn thế giới. Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn họ đã vượt lên. Việt Nam cũng có đầy đủ tiềm năng sản sinh những nhà công nghệ vượt trội, kể cả từ những cá nhân. Đơn cử, trước đây chúng ta đã có Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird. Nếu có sự ủng hộ, hỗ trợ ngay từ ban đầu một cách xứng đáng hơn, rất có thể Nguyễn Hà Đông đã tạo nên kỳ tích, đưa doanh nghiệp của mình lớn mạnh, thậm chí vươn tầm quốc tế. Nói vậy để thấy điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam chính là chưa biết nuôi dưỡng tài năng. Chúng ta chỉ đang quá tập trung vào việc thu hút “đại bàng” ngoại quốc về làm tổ mà quên mất rằng Việt Nam cũng đang có những “chú chim sẻ” cần môi trường thuận lợi để “hóa đại bàng”.
Vậy theo bà, một môi trường như thế nào là phù hợp để sản sinh và nuôi dưỡng nên những “đại bàng Việt”?
Thời gian qua, Chính phủ luôn nêu chủ trương tạo thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhưng trên thực tế giữa chủ trương và thực hiện vẫn còn khoảng cách. Có rất nhiều rào cản, các điều kiện, giấy phép kinh doanh liên tục được “đẻ ra”, hệ thống thanh tra kiểm tra siết chặt khiến doanh nghiệp Việt không lớn nổi. Mặt khác, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đang được ưu tiên, chiều chuộng. Đối với những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt đã làm chủ, đã thành hình nhất định, việc ưu đãi thu hút về những nhà đầu tư từ bên ngoài không phải lực lượng dẫn dắt hay chuyển giao công nghệ vô hình trung tạo hiệu ứng chèn ép rất lớn đối với doanh nghiệp Việt. Mở cửa thị trường là đúng nhưng mở quá rộng, không có chọn lọc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của doanh nghiệp nội.
Thực ra, tất cả những vấn đề khiếm khuyết về môi trường kinh doanh ở Việt Nam đều đã được nêu rõ trong Nghị quyết 50 của Chính phủ, vấn đề là cần thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.
HÀ MAI
TNO