29/11/2024

Cuộc chiến tin giả trong lòng nước Mỹ – Kỳ 1: Báo chí Mỹ đối đầu tổng thống

Xét theo nghĩa đen, truyền thông chính thống Mỹ không đưa tin vịt. Nhưng nếu ‘một nửa ổ bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật là dối trá’ thì sao?

 

Cuộc chiến tin giả trong lòng nước Mỹ – Kỳ 1: Báo chí Mỹ đối đầu tổng thống

Xét theo nghĩa đen, truyền thông chính thống Mỹ không đưa tin vịt. Nhưng nếu ‘một nửa ổ bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật là dối trá’ thì sao?
 
 
 

Cuộc chiến tin giả trong lòng nước Mỹ - Kỳ 1: Báo chí Mỹ đối đầu tổng thống - Ảnh 1.

Người dân Mỹ đọc báo trước Bảo tàng báo chí Newseum – Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Tham dự chương trình chủ đề “Kiến thức truyền thông và chống thông tin sai lệch” do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức cuối tháng 9-2018, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm hiểu sâu những câu chuyện thực tế về cuộc chiến chống tin giả ở nước này.

Hơn 90% thông tin trên báo chí chính thống của Mỹ viết về Tổng thống Mỹ Donald Trump là tin tức tiêu cực. Đây có gọi là “fake news” (tin giả) hay không?

“Fake news” là từ ngữ của năm 2017

Tháng 1-2017, trong những ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Trump đã đẩy cuộc chiến với truyền thông nước này lên cực điểm với việc gọi cây bút Jimmy Acosta của Đài CNN – một trong những cơ quan truyền thông “tích cực” chống tổng thống nhất – bằng cụm từ “tin giả”.

Cho đến tháng 11 năm nay, CNN và Acosta lại dây vào một cuộc tranh cãi tay đôi, tới mức đài này kiện thẳng ông Trump.

Người Mỹ đã nghiên cứu về tin giả từ trước, nhưng chữ “fake news” đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ Tổng thống Trump. Điều này được chứng minh qua việc Hiệp hội Phương ngữ Mỹ bầu chọn “fake news” là từ ngữ của năm 2017, xét tới những tác động của nó đối với các vấn đề nóng nhất tại Mỹ: nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và mối quan hệ giữa Tổng thống Trump với báo chí.

Người ta giật mình khi phân tích một trường hợp tin giả vào tháng 12-2016. Một người đàn ông 28 tuổi sống tại Bắc Carolina tên Edgar Maddison Welch đã xách khẩu súng trường AR-15 tới nhà hàng Comet Ping Pong, phía bắc thủ đô Washington, bắn ba phát vào đây.

Cảnh sát tới bao vây và bắt Welch, người sau đó thừa nhận đã tự xem mình là một anh hùng đi giải cứu trẻ em. Hóa ra Welch bị tin giả đánh lừa nên cầm vũ khí tới “tự điều tra sự thật”.

Suốt hai tháng trước đó, ở Mỹ rộ lên thông tin thất thiệt rằng ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton – đối thủ của ông Trump – đã điều hành một đường dây mại dâm trẻ em tại Comet Ping Pong.

Vì đọc tin sai trên các trang web tin giả và mạng xã hội mà cầm súng trường tới nã vào người khác? Câu chuyện “fake news” không dừng lại ở những trò lừa đảo thông thường.

Nó bóp méo sự thật và trong thời đại một cú nhấp chuột trên mạng xã hội có thể đưa thông tin tiếp cận hàng ngàn người, tin giả “làm xói mòn giá trị dân chủ ở Mỹ” theo lời các chính trị gia và trở thành mối nguy hại khôn lường, không thể tìm được hướng giải quyết trong lúc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), tiến sĩ Kathleen Hall Jamieson, giám đốc Trung tâm chính sách công Annenberg, lý giải: “Trên mạng xã hội, mọi người đều có xu hướng phản ứng rất nhanh với tin tức.

Nhưng nhiều yếu tố tâm lý lẫn vai trò của thuật toán khiến con người không tiếp cận với ý kiến đối nghịch. Họ chỉ nhìn thấy những người (suy nghĩ) giống họ và khi một thông tin được nhấn nút “thích”, được “chia sẻ”, họ sẽ nghĩ rằng tất cả mọi người đều đồng ý với điều họ nói”.

Cùng ý kiến này, tiến sĩ Nguyễn Đức An – phó giáo sư ngành báo chí tại Đại học Bournemouth (Anh) – nói với người viết: “Người ta đọc bằng cảm tính, bằng niềm tin nên không quan trọng anh học tới đâu. Ý thức hệ chính trị sẽ chi phối vấn đề này nhiều hơn.

Vì vậy, điều quan trọng là phải giúp người đọc nhận thức được vấn đề đối mặt với tin giả và đòi hỏi một quá trình lâu dài để giáo dục công chúng”.

Cuộc chiến tin giả trong lòng nước Mỹ - Kỳ 1: Báo chí Mỹ đối đầu tổng thống - Ảnh 2.

Ảnh biếm hoạ Tổng thống Trump nói câu: “Các anh là bọn đưa tin vịt” – Ảnh: Me.me

 

Phản công

Báo chí Mỹ và những người ủng hộ tự do ngôn luận phản ứng gay gắt với cụm từ “fake news” mà Tổng thống Trump dành cho giới truyền thông. Và một kế hoạch rầm rộ được tiến hành để “phản công”.

Các website, dự án chống tin giả ở Mỹ mọc lên như nấm trong giai đoạn “fake news” trở thành từ khóa được săn tìm, có thể kể đến Snopes, Fact Checker (báo Washington Post), PolitiFact và FactCheck.org (thuộc Viện nghiên cứu Poynter)…

Các website này cung cấp kết quả kiểm tra độ xác thực của thông tin thông qua sự thẩm định của biên tập viên và phóng viên. Trong khi đó, những dự án như News Literacy Project đi theo hướng rộng hơn, với mục đích giáo dục công chúng về kiến thức truyền thông và nâng cao nhận thức về phòng chống tin giả.

Tại chương trình chia sẻ kiến thức báo chí cho phóng viên quốc tế của Trung tâm Báo chí nước ngoài Mỹ (FPC) cuối tháng 9, đại diện của các dự án chống tin giả thường cố gắng tách bạch giữa “opinion” (ý kiến, quan điểm) và “fact” (sự thật), bên cạnh phân biệt “misinformation” và “disinformation”.

Ý tưởng chung cho những điều này là quyền tự do ngôn luận nên được bảo vệ, thay vì gọi chung toàn bộ thông tin sai lệch là “fake news”.

Vấn đề ý kiến và quan điểm, tuy vậy lại là chuyện khó nói đối với báo chí Mỹ. Một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2017 cho thấy hơn 90% thông tin trên báo chí chính thống Mỹ là tin tiêu cực về ông Trump. Các đơn vị truyền thông trong khảo sát gồm CNN, NBC, CBS, New York Times, Washington Post và Fox.

Nghiên cứu này là một đòn mạnh giáng vào cuộc chiến giữa báo chí Mỹ và ông Trump. Kết quả của nó, vô tình hoặc chính xác là vậy, phản ánh hệ quả của việc ông Trump gọi báo chí là “fake news” và từng bị gần như tất cả các tờ báo uy tín nhất nước Mỹ quay lưng trong giai đoạn “chung kết” với ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Ngược lại, báo chí Mỹ cũng để lộ dấu vết của thiên kiến và phe cánh.

Khi báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề này với phóng viên Salvador Sal Rizzo đang phụ trách dự án Fact Checker của báo Washington Post, vị này nói: “Chúng tôi tìm ra những khác thường của chính quyền hoặc những phát biểu sai lệch, gây hiểu nhầm… vậy nên các nội dung này bị phân loại là nội dung tiêu cực.

Thực chất đôi lúc một phần trình bày chuẩn xác về sự thật lại có vẻ như tiêu cực. Đó là quan điểm của người đọc khi nhìn vào, chứ nó không phải là dạng tiêu cực xuất phát từ sự lựa chọn cố ý. Chúng tôi vẫn nỗ lực để trở nên vô tư, không thiên vị”.

Các website và dự án chống tin giả ở Mỹ đều tập trung phân biệt giữa “misinformation” và “disinformation”. Cả hai chữ này đều chỉ tin giả, nhưng misinformation được hiểu là thông tin sai lệch bắt nguồn từ sự sai lệch trong hiểu biết của người đưa tin, còn disinformation là thông tin sai thuộc dạng cố tình đưa ra để gây nhầm lẫn cho người tiếp nhận vì một mục đích nào đó.

_________________________________________

Kỳ tới: Tin giả tràn lan vụ nhà báo Khashoggi

NHẬT ĐĂNG