Gợi mở ý tưởng kinh doanh ở đồng bằng sông Cửu Long
Đó là “đặt hàng” của nhiều đại biểu tại hội thảo và gala tổng kết Mekong Xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 22-11, với sự đồng hành của Công ty cổ phần tôn Đông Á.
Gợi mở ý tưởng kinh doanh ở đồng bằng sông Cửu Long
Đó là “đặt hàng” của nhiều đại biểu tại hội thảo và gala tổng kết Mekong Xanh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 22-11, với sự đồng hành của Công ty cổ phần tôn Đông Á.
Các mô hình kinh tế hiệu quả đăng trên chuyên trang Mekong Xanh của báo Tuổi Trẻ được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo – Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nêu bối cảnh báo làm chương trình Mekong Xanh.
Theo đó, từ chủ trương của Thủ tướng trong chuyến đi thị sát đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu ở các tỉnh ĐBSCL (cuối tháng 9-2017) và sau đó là nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, báo Tuổi Trẻ làm chương trình này để thông tin đến bạn đọc cả nước về sự thích ứng, chuyển đổi mô hình kinh tế, khởi nghiệp của người dân trong vùng gắn với thực tế biến đổi khí hậu.
Thay đổi tư duy, liên kết để phát triển
Tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan – bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp – nhấn mạnh ĐBSCL muốn phát triển phải thay đổi tư duy.
Theo ông Hoan, không chỉ cơ quan quản lý phải thay đổi tư duy, mà phải làm sao để người nông dân thay đổi tư duy, để họ dẫn dắt tất cả nông dân khác, đó là “vấn đề chính của đồng bằng”.
Ông Hoan kỳ vọng về sự kết hợp, bà con nông dân bắt tay trong sản xuất, chủ động đóng góp những gì Mekong Xanh làm được cho Chính phủ.
“Giờ chúng ta tích hợp các thứ đó lại, tạo ra một thương hiệu cho đồng bằng. Từ câu chuyện một doanh nghiệp Úc đầu tư ở Đồng Tháp, trước đó họ không biết đến Đồng Tháp, Cần Thơ hay An Giang, mà chỉ biết đến vùng ĐBSCL. Tại sao chúng ta không xây dựng một thương hiệu cho ĐBSCL?” – ông Hoan đặt vấn đề.
Về giải pháp, đó là làm sao để mọi người tham gia đóng góp tích cực cho ĐBSCL. Ở ĐBSCL có các viện nghiên cứu về lúa, trái cây, Trường đại học Cần Thơ.
Các đơn vị này cũng cần tập hợp lại để khuyến nghị những chính sách cho các bộ ngành, Chính phủ. “Chúng ta không chờ bộ, ngành mà chủ động làm” – ông Hoan nhấn mạnh.
Ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo cần phải liên kết vùng, nhưng đến nay vẫn chưa có một “nhạc trưởng” nào.
Theo ông Quyết, ĐBSCL muốn phát triển phải nhờ rất nhiều vào thành phố lớn như TP.HCM, vì vậy ông kiến nghị nên có Ủy ban ĐBSCL – là nơi tập hợp các chuyên gia của 13 tỉnh thành của vùng để cùng bàn bạc, hiến kế. “Nếu mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy làm thì rất khó khả thi” – ông Quyết nói.
Góp ý hoàn thiện chính sách
TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) đánh giá cao việc báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần tôn Đông Á trao hỗ trợ cho 17 mô hình kinh tế.
Tuy nhiên, ông Hiệp đề nghị buổi tổng kết Mekong Xanh nên là sự kiện mở ra một vấn đề mới, với những cơ chế chính sách lớn hơn, nhằm gợi mở những ý tưởng kinh doanh mới cho ĐBSCL.
GS.TS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ, đề nghị báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành tập hợp tất cả kết quả, thành quả từ những mô hình canh tác hiệu quả, xanh, bền vững để tiếp tục truyền bá tới trung tâm khuyến nông các huyện, xã nhằm nhân rộng đến từng hộ nông dân để họ có cơ hội học hỏi, chia sẻ, trao đổi lẫn nhau.
Ông Toàn cam kết Trường đại học Cần Thơ sẵn sàng làm đầu mối để xây dựng lại chương trình Mekong Xanh một cách bài bản, thông qua tất cả các kênh như báo chí, khuyến nông, hội nông dân, hội phụ nữ ở các địa phương để góp phần lan tỏa chương trình đầy ý nghĩa của Tuổi Trẻ.
Về việc triển khai nghị quyết 120, GS.TS Hà Thanh Toàn cho rằng đây là một sự đột phá cho ĐBSCL.
Tuy nhiên theo ông Toàn, không chỉ nghị quyết này mà nhiều chính sách khác còn có sự chưa đồng bộ với thực tiễn.
“Chúng ta có chính sách ưu tiên cho năng lượng tái tạo, nhưng thực tế thì có nhiều nhà máy điện than ở ĐBSCL. Nếu triển khai xây hết các nhà máy này thì ô nhiễm ĐBSCL vô cùng nghiêm trọng” – ông Toàn nêu dẫn chứng về sự chưa đồng bộ giữa chính sách và thực tiễn.
9 giải pháp nhằm triển khai nghị quyết 120
TS Trần Công Thắng, phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), nêu ra 9 giải pháp sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm triển khai nghị quyết 120.
Đó là: rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh thuộc ĐBSCL theo các định hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; huy động nguồn lực tổng hợp trung ương, địa phương, doanh nghiệp đầu tư cho cơ sở hạ tầng thủy lợi, cụm ngành, trung tâm dịch vụ hậu cần, giao thông; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù: tích tụ ruộng đất, thuế, tín dụng, bảo hiểm; tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng…
Đặc biệt, ông Thắng cho biết sẽ tập hợp những mô hình kinh tế hiệu quả đã và đang triển khai ở ĐBSCL, trong đó có những mô hình mà báo Tuổi Trẻ đã đăng tải trong việc định hướng cho người dân trong thời gian tới.
Mekong Xanh có ý nghĩa tích cực với kinh tế địa phương
Ông Hồ Song Ngọc – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tôn Đông Á
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Song Ngọc – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tôn Đông Á – cho biết ĐBSCL là thị trường trọng điểm của Tôn Đông Á trong hơn 20 năm qua.
Khi khu vực này đứng trước nhiều thách thức khó khăn về biến đổi khí hậu, Tôn Đông Á quyết định cùng báo Tuổi Trẻ tạo nên một kênh thông tin chính thống truyền tải trực tiếp nội dung của vùng đến cơ quan, ban ngành và giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, quốc tế có góc nhìn đa chiều hơn về vựa lúa lớn nhất nước.
“Tôi tin rằng những thông tin đã chuyển tải, những mô hình đã vinh danh phần nào tạo được ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung” – ông Ngọc đánh giá.