Trẻ tiểu học học trực tuyến, cha mẹ ‘chạy theo’ hoa cả mắt
Trẻ tiểu học học trực tuyến, cha mẹ ‘chạy theo’ hoa cả mắt
“Group Viber của lớp cứ “ting” cả sáng nay. Tôi mở ra thấy nào phần mềm Zoom, nào hướng dẫn toán, nào hoàn thành tranh mỹ thuật ngày tết quê em… Hoa cả mắt!
Tôi mong sao đỡ áp lực hơn, chứ tết thì sắp đến cộng với dịch, rồi bài vở khiến cả nhà rối mù cả lên”.
Tâm sự này của chị Ái Thư, có con học một trường tiểu học ở Q.1, TP.HCM, cũng là nỗi lòng của nhiều phụ huynh những ngày này khi con họ đang phải căng mình học trực tuyến trong tuần cuối cùng trước khi nghỉ tết.
Hình thức, đối phó?
Chị Võ Thu Lan – phụ huynh có con học lớp 3 một trường tiểu học tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) – cho rằng việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh tiểu học không hiệu quả, chỉ mang tính hình thức, đối phó.
Vì bài dạy của giáo viên qua mạng không có cải tiến so với dạy trực tiếp (vẫn là cô giảng bài, viết lên bảng hoặc trình chiếu giáo án điện tử). Học sinh có hiểu bài hay không, có chú ý hay không không kiểm soát được.
“Đợt COVID-19 trước, trường tổ chức dạy học trực tuyến nhưng lịch không cố định và thường bố trí vào giờ không phù hợp với tâm sinh lý trẻ. Bố mẹ cũng thụ động chạy theo con rất mệt. Bây giờ chỉ còn vài ngày đến tết, bắt con trẻ học trực tuyến trong khi vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng thì không nên” – chị Lan nói.
Tuy nhiên cũng có những giáo viên, phụ huynh cho rằng tình thế phải dạy trực tuyến thì cần chấp nhận và trước khi chờ cấp trên hướng dẫn, tháo gỡ thì mỗi giáo viên, phụ huynh đều phải tự vận động.
Cô Trần Thị Lệ Thương – Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) – cho biết: “Lớp 1 học ở lớp vốn đã rất loay hoay, học trực tuyến rất khó. Nhưng mình phải chấp nhận, giáo viên hướng dẫn phụ huynh là chính. Chẳng hạn tiếng Việt, tôi gửi bài giảng trong group Zalo cho phụ huynh. Sau đó hướng dẫn riêng; toán thì cho bài tập để các em cộng.
Để kiểm tra kết quả, để biết học sinh có học bài, phụ huynh cho con viết và chụp bài làm, hoặc quay clip khi con tập đọc, gửi cho cô. Nhìn chung, với lớp 1 chủ yếu là giáo viên và phụ huynh hỗ trợ nhau, sự hướng dẫn của cha mẹ để con học trực tuyến là quyết định”.
Một thầy giáo dạy lớp 1 của một trường tiểu học ở Q.6, TP.HCM cũng chia sẻ cách dạy trực tuyến của mình sau khi dạy học trong mùa COVID-19 đợt đầu.
Thầy nói: “Học trực tuyến học sinh chán là một chuyện, giáo viên dạy cũng thấy không hứng thú vì học sinh quá bé. Đợt đầu mùa dịch, bài giảng của tôi chỉ đơn giản là lấy hình ảnh bài quay màn hình, rồi lồng tiếng vào. Bản thân mình cũng thấy “khô”.
Sau này, chính giáo viên được trải nghiệm nên sau một bài dạy, tôi cho câu hỏi đố vui. Muốn biết câu hỏi thì phải xem hết clip, phải qua nội dung bài. Trả lời đúng sẽ được dấu cộng, được khen. Tất nhiên câu hỏi vui cũng nhẹ nhàng để các con hứng thú”.
Sẽ ban hành quy chế dạy học trực tuyến
Trong buổi sơ kết học kỳ 1 ở bậc tiểu học tổ chức tại Bộ GD-ĐT ngày 2-2, nhiều lãnh đạo sở bày tỏ lo ngại khi dịch COVID-19 trở lại, học sinh có thể phải nghỉ học dài ngày như năm 2020 rất có thể xảy ra và giải pháp ứng phó đang được trông đợi nhất là dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, hình thức dạy học trực tuyến chỉ có hiệu quả với học sinh trung học, còn học sinh tiểu học còn quá bé nên ý thức tự giác học chưa cao, dễ bị chán nản khi phải học qua màn hình máy tính. Vì thế hiệu quả dạy học trực tuyến với học sinh tiểu học cũng thấp.
Ông Trần Ngọc Hiệp – trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Phú Yên – cũng cho rằng đã sang đến mùa COVID-19 thứ ba và nhiều khả năng học sinh các cấp lại phải học trực tuyến. Trong khi chưa có hành lang pháp lý quy định về việc dạy học, đánh giá học sinh như thế nào. Đặc biệt, với học sinh lứa tuổi nhỏ, việc dạy học, đánh giá cần triển khai thế nào để phù hợp, hiệu quả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Văn Tài – vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) – cho biết trung tuần tháng 2-2021 Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư ban hành quy chế dạy học trực tuyến. Sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế bài dạy, chuẩn bị nguồn học liệu phù hợp với từng đối tượng học sinh.
“Các trường phải khảo sát học sinh, điều kiện dạy học để lựa chọn hình thức dạy học phù hợp và công khai kế hoạch này. Khi có hành lang pháp lý rồi, các trường cần có kế hoạch dạy học trực tuyến ngay trong tình huống không có dịch bệnh, có thể dạy song song với trực tiếp, hỗ trợ dạy học chính ở trường hoặc chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn khi học sinh không đến trường” – ông Tài thông tin.
Không được ngồi nói trước màn hình
Bên cạnh sự hướng dẫn từ xa là giáo viên, cần sự hướng dẫn gần là cha mẹ, người thân. Những buổi học trực tuyến, cần lưu ý lớp 1 vừa học vừa chơi, vừa ăn vừa học nên phụ huynh hướng dẫn kỹ: phải ngồi một chỗ, nơi học yên tĩnh, tập trung, xung quanh không đồ chơi, trang phục phù hợp, sách thước để bên cạnh; còn giáo viên thì cần tích cực tặng danh hiệu cho học trò: sticker, ngôi sao… tạo hứng thú học tập.
Giáo viên, không nên ngồi trước màn hình và nói mà cần có bảng chữ, đố học trò, có game thiết kế trực tuyến chỉ cần bật nút chọn là ra kết quả và sau đó là phần thưởng; tránh việc nói trả lời câu hỏi trước màn hình để vận dụng dạy học.
TS giáo dục học NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Kết hợp nhiều hình thức dạy học
Theo ông Thái Văn Tài, học sinh quá nhỏ nên khi triển khai dạy học trực tuyến giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Ở bậc tiểu học, tùy theo các tình huống cụ thể, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, các trường, giáo viên có thể linh hoạt kết hợp nhiều hình thức dạy học, hướng dẫn học sinh ôn tập, tự học từ xa.
Các trường giao cho tổ chuyên môn để xây dựng tài liệu, thiết kế bài dạy phù hợp với học sinh tiểu học, trong đó điều chỉnh thời gian phù hợp với học sinh nhỏ tuổi, áp dụng các hình thức dạy học đa dạng, sử dụng các thiết bị dạy học trực quan giúp học sinh không nhàm chán.
Không được giao bài tập khi nghỉ tết
Bà Trần Thị Ngọc Châu, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã có văn bản gửi các phòng giáo dục huyện, thị, thành phố trên địa bàn yêu cầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trở về sau, giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh trong thời gian nghỉ tết.
Văn bản nêu rõ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để học sinh được trải nghiệm, tìm hiểu phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như học sinh cần được sum họp, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái cùng gia đình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết từ nhiều năm qua, sở cũng đã có “dặn dò” như trên nhưng chưa bằng văn bản chính thức và vẫn nhận được phản ánh là học sinh bị giao quá nhiều bài tập về nhà trong dịp tết. Để chấn chỉnh và quyết liệt hơn, năm nay sở có văn bản chính thức.
“Giờ là thời đại của công nghệ, chỉ cần 1-2 ngày trước khi đi học trở lại giáo viên có thể nhắn phụ huynh nhắc học sinh ôn bài là được. Còn cứ giao trước khi nghỉ tết thì trong kỳ nghỉ các em sẽ loay hoay làm bài, phụ huynh cũng lo lắng” – bà Châu nói.
ĐÔNG HÀ
Thêm nhiều nơi cho học sinh nghỉ học
Ông Nguyễn Văn Mạnh – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ – cho biết cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 3-2 đến ngày 16-2.
* Tỉnh Hà Nam, Bình Thuận quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 3-2.
* Ninh Bình cho học sinh nghỉ tết từ ngày 4-2 đến hết ngày 16-2.
* Đồng Nai cũng cho học sinh nghỉ học từ ngày 4-2.
* Vĩnh Long cho học sinh nghỉ học từ ngày 3-2.
CHÍ TUỆ – ĐỨC TRONG – TTXVN
75 trẻ mầm non phải cách ly tập trung vì bạn học mắc COVID-19
Tối qua 2-2, chính quyền xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với 2 ca mắc COVID-19 mới là một trẻ đang học tại Trường mầm non Bạch Đằng và bà ngoại của bé. 119 trường hợp F1, trong đó có 75 F1 là bạn học của cháu bé học lớp 4 tuổi, 10 giáo viên của trường mầm non và một số người dân trong khu vực đã bị phong tỏa. Trường mầm non Bạch Đằng đã được thiết lập làm cơ sở cách ly tập trung cho những trường hợp này. 75 người là phụ huynh học sinh cũng vào trong khu cách ly để chăm sóc các cháu.
Hôm 30-1, cháu bé học lớp 4 tuổi cùng bà ngoại được đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thị xã Kinh Môn do tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 là N.T.T. (công nhân Công ty TNHH điện tử Poyun Việt Nam tại TP Chí Linh, Hải Dương).
TIẾN THẮNG