23/11/2024

Chủ quyền của Anh với quần đảo ở Ấn Độ Dương: Danh không chính

Chủ quyền của Anh với quần đảo ở Ấn Độ Dương: Danh không chính

Toà án LHQ về Luật Biển trong phán quyết mới nhất đã khẳng định phán quyết của Toà án công lý quốc tế hồi tháng 2.2019 bác bỏ hoàn toàn mọi biện luận của Anh về chủ quyền đối với quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ tại căn cứ Diego Garcia trên quần đảo Chagos, tháng 8.2020 /// REUTERS
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ tại căn cứ Diego Garcia trên quần đảo Chagos, tháng 8.2020 REUTERS
Giữa năm 2019, Đại hội đồng LHQ cũng thông qua nghị quyết yêu cầu Anh trả lại quần đảo này cho Mauritius. Dù Anh kiên quyết không chịu tuân thủ thì tới phán quyết mới đây của Tòa án LHQ về luật Biển, mọi biện luận của Anh về chủ quyền đối với quần đảo này đều không còn bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào nữa. Danh đã bất chính thì ngôn không thể thuận.
Phán xử mới trên là điều kiện cần đối với Mauritius trong cuộc đấu tranh sẽ còn rất gay go, phức tạp và lâu dài nhằm giành lại chủ quyền đầy đủ và hoàn toàn đối với quần đảo này. Nhưng chỉ dựa vào đấy thôi thì chưa đủ bởi các tòa án của LHQ dùng luật pháp quốc tế để xét xử và đưa ra phán quyết nhưng không có thực lực trên thực tế để thực thi.
Phán xử này hợp pháp hóa cuộc đấu tranh của Mauritius và giúp nước này tranh thủ được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế. Nó gia tăng áp lực đối với Anh và khiến London sẽ thêm khó khăn và khó xử về chính trị, pháp lý trên thế giới cũng như trong các mối quan hệ quốc tế có sự tham gia của Anh.
Mỹ hiện đang thuê lại từ Anh quần đảo này làm căn cứ quân sự. Căn cứ này trên đảo Diego Garcia có tầm quan trọng to lớn trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ. Vì thế, Mỹ cũng đóng vai trò không nhỏ đối với kết cục cuộc tranh chấp giữa Mauritius và Anh. Bởi vậy, Mauritius muốn thành công có thể phải tranh thủ Mỹ để giành chủ quyền nhưng vẫn để cho Mỹ thuê.
PHẠM LỮ
TNO