Hệ quả khó lường từ chính biến ở Myanmar
Hệ quả khó lường từ chính biến ở Myanmar
Tổng thống Mỹ Joe Biden doạ áp đặt lệnh cấm vận đối với Myanmar, trong khi giới chức Nhật lo ngại việc xử lý không khéo có thể đẩy quân đội Myanmar xích lại gần Trung Quốc.
Ngày 2.2, đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi kêu gọi quân đội lập tức trả tự do cho bà và công nhận chiến thắng của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11.2020, theo Reuters.
Lời kêu gọi được đưa ra 1 ngày sau khi quân đội Myanmar bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng một số nhà lãnh đạo dân cử khác. Quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm và lên nắm quyền.
Myanmar dưới chính quyền dân sự
Myanmar chuyển tiếp sang chính quyền dân sự từ năm 2010 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein, dù ông từng là tướng quân đội. Chính quyền Tổng thống Thein Sein bắt đầu nới lỏng tự do chính trị, mở cửa kinh tế và thúc đẩy các dự án lớn. Quốc tế dần dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar. Chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD trong cuộc bầu cử năm 2015 đã mang lại hy vọng cho nhiều người về sự lột xác của Myanmar. Tuy nhiên, với việc quân đội vẫn nắm trong tay nhiều quyền hành, những thay đổi do chính quyền mới tạo ra vẫn chưa đủ lớn.
Nền kinh tế đã có những cải cách như cởi trói cho ngành ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, bài toán lạm phát được giải quyết. Tuy nhiên, khoảng 1/3 dân số vẫn sống trong cảnh khó khăn, doanh nghiệp chịu nhiều ràng buộc, theo Bloomberg.
Trước cuộc bầu cử cuối năm 2020, bà Suu Kyi ca ngợi thành tựu đạt được 98% mục tiêu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm, bất kể đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, FDI trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30.9.2020 chỉ đạt 5,5 tỉ USD, giảm nhiều so với con số 9,4 tỉ USD trong năm đầu tiên đảng NLD nắm quyền. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng năm 2019 chỉ đạt 2,89% trong khi mức tăng trưởng vào năm 2016 là 5,75%.
Những mục tiêu hòa giải dân tộc và sửa đổi hiến pháp của bà Suu Kyi cũng chưa mang lại kết quả. Trong khi đó về ngoại giao, quan hệ giữa Myanmar và các nước phương Tây ngày càng xấu đi, liên quan vấn đề người Hồi giáo thiểu số Rohingya.
Vi Trân
Hôm qua 2.2, Nhóm hoạt động mạng lưới thanh niên Yangon, một trong những nhóm hoạt động lớn nhất ở Myanmar, tuyên bố đã phát động chiến dịch bất tuân dân sự. Đây là một trong những hành động cụ thể đầu tiên phản đối cuộc chính biến ở Myanmar, theo Reuters.
Phản ứng về cuộc chính biến, ASEAN ngày 1.2 ra thông cáo kêu gọi Myanmar theo đuổi đối thoại, hòa giải và trở lại bình thường. Tương tự, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay Bắc Kinh “đang tìm hiểu thêm về tình hình” và “hy vọng tất cả các bên giải quyết bất đồng một cách hợp lý theo hiến pháp và khuôn khổ pháp lý nhằm duy trì ổn định chính trị và xã hội”. Một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng Bắc Kinh hiện nay “chỉ có thể theo dõi tình hình, nhưng sẽ không làm gì cả”.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden hôm qua lên án tình trạng quân đội kiểm soát chính quyền, bắt giữ bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint là “sự công kích trực tiếp vào việc nước này chuyển sang nền dân chủ”. Ông Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế nên cùng nhau có tiếng nói chung đòi quân đội Myanmar lập tức từ bỏ quyền lực và thả các quan chức cùng những nhà hoạt động. Nhà lãnh đạo Mỹ còn dọa áp đặt lệnh cấm vận đối với Myanmar, theo Reuters.
|
|
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Reuters hôm qua, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama cảnh báo những nền dân chủ trên thế giới có nguy cơ đẩy Myanmar về phía Trung Quốc nếu phản ứng của họ đối với cuộc chính biến dẫn tới đóng cửa các kênh liên lạc với những tướng lĩnh có quyền lực của quốc gia Đông Nam Á này. Ông cho rằng bất kỳ động thái nào dừng chương trình hợp tác với quân đội Myanmar sau cuộc chính biến đều có thể vô tình giúp Trung Quốc có thêm ảnh hưởng và đặt ra mối đe dọa cho an ninh khu vực.
VĂN KHOA
TNO