Vé thường rẻ như khuyến mãi
Có lịch công tác đi TP.HCM đầu tháng 1.2021, vì công việc phát sinh đột xuất nên chị Châu (ngụ Hà Nội) phải lùi ngày về. Không đổi được vé (do điều kiện hạng vé), chị mua luôn vé chiều về TP.HCM – Hà Nội giá chỉ 700.000 đồng/vé của
Vietnam Airlines. “Mức vé tôi mua sát ngày nhưng còn rẻ hơn cả vé tôi đặt mua trước đó. Tham khảo các ngày khác trong tháng 1, giá vé cũng rẻ đến bất ngờ”, chị Châu nói.
“Tỷ lệ lấp đầy máy bay của các hãng đang ở mức khá thấp, nên các hãng có thể sẽ chạy đua giảm giá để bán được nhiều vé hơn. Nhưng nếu xảy ra cuộc đua về giá, kéo giá bán xuống dưới giá thành, thậm chí 0 đồng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chung của ngành”.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines
Khảo sát trên trang web bán vé của Vietnam Airlines ngày 22.1, chặng bay Hà Nội – TP.HCM, ngay cả đặt trong ngày 22.1, giá vé cũng chỉ 689.000 đồng, trong khi đó giá vé từ ngày 23.1 trở đi chỉ 579.000 đồng. Với Vietjet Air, giá vé chặng Hà Nội – TP.HCM trong các ngày còn lại của tháng 1 đến tháng 4 (trừ đợt cao điểm tết) cũng chỉ 569.000 đồng/chặng. Tương tự, Bamboo Airways cũng đang bán vé chặng bay Hà Nội – TP.HCM với mức giá từ 580.000 đồng/vé đã bao gồm thuế, phí.
Với chặng bay tới các điểm
du lịch lớn như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn vào đầu tháng 3, mức vé các hãng đưa ra cũng không cao, như chặng bay Hà Nội – Nha Trang của Vietnam Airlines đang bán ra từ 799.000 đồng/vé. Cùng chặng bay này, Vietjet Air đưa ra mức giá cũng rất thấp, chỉ từ 569.000 đồng/vé, nếu tính cả chiều khứ hồi thì giá vé chỉ từ 1,1 – 1,3 triệu đồng/người. Các đường bay “hot” với khoảng cách xa như Phú Quốc, Côn Đảo, mức vé các hãng bán ra đầu tháng 3 đều cao hơn các chặng khác, song “dễ thở” hơn nhiều so với mức giá thông thường.
Tuy nhiên, sau khi ra tết, đầu tháng 3 các hãng thường tung hàng loạt
chương trình khuyến mãi để đón đầu cao điểm du lịch hè. Vì thế, giá vé các chặng bay có thể sẽ còn thấp hơn nữa so với hiện nay.
Sau khi chính thức ra mắt với 6 đường bay thương mại từ Hà Nội, TP.HCM đến các điểm du lịch lớn, tân binh Vietravel Airlines lập tức tung loạt chương trình khuyến mãi, mở bán 50.000 vé 0 đồng từ 1 giờ ngày 19.1, kỳ vọng có thêm sự lựa chọn cho hành khách. Với số lượng máy bay còn khá khiêm tốn, nên chỉ 1 ngày sau khi chính thức mở bán, các đường bay “hot” như TP.HCM – Hà Nội, TP.HCM –
Đà Nẵng đã báo hết vé cho tới tận ra tết. Muốn “săn” được vé 0 đồng, khách hàng chỉ có thể chờ tới các chuyến du xuân giữa hoặc cuối tháng 2. Mức giá vé không khuyến mãi của hãng cung ứng trong những ngày cuối tháng 1 khá cao so với các hãng khác, từ 1,25 triệu đồng/vé chặng Hà Nội – TP.HCM, do loại vé rẻ hơn (hạng phổ thông không hoàn vé) đã hết.
Máy bay nằm không càng nhiều, giá vé càng thấp
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, đánh giá của hãng tới thời điểm này cho thấy sức mua của người dân đã chùng xuống rất nhiều, có thể do “ngấm đòn” từ
Covid-19. Đặc biệt, dự báo thị trường hàng không năm 2021 tiếp tục không khả quan, khi tình hình Covid-19 trên
thế giới còn diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới, các nước trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc hay châu Âu đều đang tăng cường cách ly.
Mức vé tôi mua sát ngày nhưng còn rẻ hơn cả vé tôi đặt mua trước đó. Tham khảo các ngày khác trong tháng 1, giá vé cũng rẻ đến bất ngờ
“Thị trường thế giới sẽ không thể phục hồi như các kịch bản dự báo đưa ra cuối năm 2020, vì vậy các hãng hàng không VN đều tập trung vào thị trường nội địa. Các hãng đều đẩy thêm lượng ghế bán ra sớm hơn tới tháng 3, 4 nên mức giá rất hợp lý. Lượng tải cung ứng nội địa rất lớn, máy bay các hãng nằm không càng nhiều thì giá kéo xuống càng nhiều”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, tháng 1 là thời điểm mùa vụ, xen giữa 2 kỳ nghỉ tết dương lịch và âm lịch nên trở thành giai đoạn “trũng” về mặt thị trường. Nhiều hành khách không muốn bay mà có tâm lý lùi đến tết âm lịch để kết hợp, nên các hãng cũng cung ứng nhiều vé rẻ để kích cầu.
Đáng chú ý, dù vé tết bán ra so với năm ngoái có tăng nhẹ, song theo ông Tuấn, lượng vé bán ra chưa được như kỳ vọng. Lý do là lượng vé máy bay tết các hãng cung ứng ra thị trường rất nhiều, song lượng cầu lại không lớn như mong đợi, dẫn đến nguy cơ có thể thừa tải tết. Trước đó, Vietnam Airlines cung ứng 2,4 triệu vé tết, nhiều hơn năm 2019, song tới thời điểm này lượng vé bán ra mới đạt 70%. Trong khi vé tết có đặc thù 1 chiều bay rỗng, phải đạt tỷ lệ vé bán ra 90 – 100% mới bù đắp được chiều bay rỗng ngược lại.
Các hãng tăng tải nội địa khiến giá vé bình quân đang khá thấp ẢNH: GIA HÂN
|
Vé Tết liên tục “nhảy múa”
Trái ngược giá vé ngày bình thường, chỉ còn nửa tháng nữa đến
Tết Nguyên đán nên
giá vé tết biến động liên tục, “nhảy múa” chóng mặt. Tìm mua vé chặng TP.HCM – Hà Nội ngày 7.2 (tức 26 tháng chạp), chị Hải Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) khá ngạc nhiên về mức độ chênh nhau khá lớn giữa các giờ bay. Đơn cử, chuyến bay của Vietnam Airlines lúc 11 giờ 30 có giá gần 3,7 triệu đồng/chiều nhưng chỉ sau đó khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, chuyến bay lúc 12 giờ, 13 giờ chỉ còn vé hạng phổ thông đặc biệt, giá gần 4,8 triệu đồng/chiều. Một số chuyến bay sớm hơn buổi sáng hoặc muộn hơn vào buổi chiều thậm chí chỉ còn vé hạng thương gia, từ 6 triệu đến hơn 8 triệu đồng/chiều.
Mua vé cho 4 người, chỉ cách nhau khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng tổng giá vé khứ hồi 2 khung giờ chênh nhau gần 10 triệu đồng, chị Hà tính về bàn bạc lại với gia đình rồi chốt vé. Thế nhưng chỉ nửa ngày sau trở lại tìm, chuyến bay lúc 11 giờ 30 mà chị tính chọn đã “kịp” nhảy lên chỉ còn vé gần 4,8 triệu đồng. “Kinh khủng thật, cảm tưởng như vừa đóng trang, mở lại thôi là giá vé đã thay đổi chóng mặt luôn rồi. Đúng là tết, không trông mong gì có giá vừa chứ đừng nói tới giá rẻ. Đến như Pacific Airlines, gọi là hàng không giá rẻ nhưng đến mùa này vẫn cứ tăng đến chạm trần. Các hãng giờ chia thành nhiều dải giá nhưng thực tế tết chỉ có vé đắt và rất đắt, thành ra không sợ thiếu chỗ nhưng cũng phải canh mua sớm, tiết kiệm được tí nào hay tí đó”, chị Hà chia sẻ.
Máy bay các hãng nằm không càng nhiều khiến các hãng chạy đua giảm giá vé ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
|
Thậm chí, cùng một chặng bay, cùng hãng bay, giờ khởi hành chỉ cách nhau 5 phút nhưng giá vé cũng chênh nhau gần 1 triệu đồng. Đơn cử, chuyến bay VN7737 của Vietnam Airlines khởi hành từ Huế lúc 8 giờ 20 phút tới TP.HCM ngày 16.2 (tức mùng 5 tết) giá gần 2,6 triệu đồng/chiều. Chỉ 5 phút sau, lúc 8 giờ 25 phút, hãng này cũng có chuyến bay VN1371 chặng Huế – TP.HCM nhưng chỉ còn vé hạng thương gia linh hoạt, giá gần 4,6 triệu đồng/chiều. Chuyến VN7045 khởi hành lúc 10 giờ 10 và chuyến VN1373 rời sân bay Phú Bài lúc 10 giờ 30 cũng có mức chênh tương tự.
Theo khảo sát, ngoài chặng “hot” TP.HCM – Hà Nội, các đường bay từ TP.HCM về Đà Nẵng, Huế, Vinh… ngoài Vietnam Airlines vẫn còn khá nhiều lựa chọn, số chuyến của Vietjet Air, Pacific Airlines hay Bamboo Airways chỉ còn khá ít, giá vé tất nhiên rất cao. Như trong ngày 7.2 (26 tết), đường bay TP.HCM – Vinh chỉ còn 2 chuyến bay muộn của Pacific Airlines lúc 22 giờ 40 và 0 giờ 25 có giá vé hơn 3,1 triệu đồng/chiều. Còn lại 4 chuyến bay của Bamboo Airways, 9 chuyến của Vietjet và hơn 20 chuyến của Vietnam Airlines đều có giá dao động từ 3,5 triệu đến hơn 5,6 triệu đồng/vé.