Tin tour du lịch rẻ không tưởng, hàng trăm người bị lừa hơn 6 tỉ
Tuần qua, một cán bộ hưu trí tỉnh Long An đã gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo người chiếm dụng tiền của hàng trăm người đăng ký tour du lịch với số tiền hơn 6 tỉ đồng, cũng vì cả tin vào những lời hứa miệng về những chuyến du lịch giá rẻ.
Tin tour du lịch rẻ không tưởng, hàng trăm người bị lừa hơn 6 tỉ
Tuần qua, một cán bộ hưu trí tỉnh Long An đã gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo người chiếm dụng tiền của hàng trăm người đăng ký tour du lịch với số tiền hơn 6 tỉ đồng, cũng vì cả tin vào những lời hứa miệng về những chuyến du lịch giá rẻ.
Số tiền bị chiếm dụng quá lớn. Đặc biệt, nạn nhân trong câu chuyện này nhiều người từng là cán bộ trong địa bàn tỉnh và thân nhân của họ.
Có thể thấy nhiều người quá dễ tính trong chuyện chọn tour du lịch. Ra chợ mua bó rau, con cá cũng phải chọn lựa. Sắm bộ đồ hay vài vật dụng trong nhà cũng săm soi, cân nhắc kỹ lắm. Cớ gì đi tour du lịch cả chục triệu đồng lại nhắm mắt mua đại?
Chuyện bắt đầu từ tháng 5-2017, cán bộ hưu trí trong tỉnh được giới thiệu, chào mời những chuyến du lịch giảm giá đến 50% chi phí. Theo đó, chuyến đi bốn tỉnh thành Đà Lạt, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình vé trọn gói chỉ khoảng 1,5 triệu đồng mỗi người (tổng cộng 66 triệu đồng cho 44 người).
Tiếp theo, họ chào mời 10 chuyến đi khác với 445 lượt người đi, có cả đi nước ngoài với giá siêu mềm: Nhật Bản 13,5 triệu đồng/người, Đài Loan 6,8 triệu đồng/người, châu Âu 20-23 triệu đồng/người.
Người làm trong ngành du lịch và cả những người từng đi du lịch đều té ngửa với mức giá không tưởng này. Nhưng những “người trong cuộc” đã hết lòng tin tưởng, ai cũng tranh thủ nộp tiền mặt. Tổng số tiền lên đến 6,15 tỉ đồng. Với lý do tạm ứng trước chi phí cho các đoàn tham quan, ông N., người tổ chức tour, còn mượn tiền tỉ của nhiều người trong đoàn. Và những tour giá rẻ kia đã hoãn đến nay…
Tháng 10-2018, cơ quan chức năng tỉnh này đã có công văn cảnh báo các cơ quan trong tỉnh cảnh giác với chiêu “du lịch giá rẻ” trên địa bàn.
Tỉnh ủy chỉ đạo công an tỉnh kiểm tra, xác minh dấu hiệu vi phạm của cá nhân để xử lý theo pháp luật. Có người đề nghị Long An (và cả các tỉnh, thành khác) nên mở lớp tập huấn cho cán bộ bớt tham để không bị sập bẫy. Vì dạng lừa đảo này đâu chỉ có du lịch?
Câu chuyện khiến ai cũng ngạc nhiên vì sự cả tin của những người trong cuộc. Làm sao có tour rẻ đến 50% (có tour rẻ hơn 70% giá thị trường)? Thông thường các công ty lời khoảng 10%, lấy đâu ra 50% để giảm giá đến mức đó! Câu chuyện “thả tép bắt tôm” khiến hàng trăm người rơi vào bẫy.
Có thể thấy nhiều người quá dễ tính trong chuyện chọn tour du lịch. Ra chợ mua bó rau, con cá cũng phải chọn lựa. Sắm bộ đồ hay vài vật dụng trong nhà cũng săm soi, cân nhắc kỹ lắm. Hà cớ gì đi tour du lịch cả chục triệu đồng lại nhắm mắt mua đại? Không chỉ mất tiền mà còn chuốc sự khó chịu vào mình và nhiều hệ luỵ khác.
Những chuyện này đây đó vẫn xảy ra, người có chút tiền dư dả dễ chi tiền triệu cho những chuyến đi hứa miệng. Khi có tranh chấp cũng khó đòi được tiền vì không có ràng buộc hợp đồng, không đủ cơ sở khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mua tour du lịch cũng như mua bất cứ sản phẩm nào, cần có thông tin tin cậy về công ty (giấy phép, uy tín…), tour nào cũng phải có hợp đồng chặt chẽ, thông tin giá cả và từng dịch vụ minh bạch, cụ thể. Đặc biệt cẩn trọng với các tour giá rẻ.
Thông thường du khách không rõ giá tour thật, nên cách ghi phần trăm giảm giá cũng chỉ để tham khảo. Nên xem kỹ từng chi tiết dịch vụ. Khách sạn cùng sao nhưng cũ hay mới, xa hay gần trung tâm. Ăn ba bữa nhưng chất lượng thế nào. Xe cộ, các điểm tham quan, mức đóng bảo hiểm, tiền tip… Kể cả thông tin về hướng dẫn viên cũng rất cần thiết vì chính họ sẽ mang đến những thông tin bổ ích, thú vị và sự hài lòng cho du khách…
Trong hợp đồng các chuyến đi phải đảm bảo các điều khoản đền bù tương xứng khi có sự cố trục trặc, vì đó là sự công bằng cần thiết. Nếu các doanh nghiệp không tự giác đền bù thì nhờ pháp luật can thiệp. Đó cũng là cách giữ kỷ cương phép nước, giúp các doanh nghiệp du lịch cải tiến sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khách du lịch Việt thường dễ tính, họ không cần làm “thượng đế”. Nhưng họ cần được tôn trọng, thực hiện đúng hợp đồng, cần những chuyến đi với chất lượng đáng “đồng tiền bát gạo”, chi phí tính đúng tính đủ, an toàn và thoải mái suốt chuyến đi, chia tay nhau còn nhớ để quay lại công ty du lịch đó, điểm du lịch đó.
Đây chính là đạo đức kinh doanh của người làm du lịch. Với du khách, đó là cách tận hưởng chất lượng dịch vụ du lịch tương xứng với số tiền bỏ ra.
Để có những chuyến đi như mong muốn, đừng mong chờ vào lời hứa giá rẻ đến mức không thể tin nổi. Đừng mơ màng đến những món hời không thể tưởng để không phải “ngậm quả đắng” với những chuyến đi ảo, hoặc chuyến đi “giá rẻ chất lượng dỏm”.
Dễ dãi chi tiền triệu
Câu chuyện “sở hữu kỳ nghỉ Alma” với vịnh Thiên Đường thời gian qua khiến bao người lâm vào tình cảnh khốn khổ. Bao người thành con nợ ngân hàng, bao người mất hết tiền bao năm dành dụm… Bao người “vò đầu bứt tai” không hiểu tại sao có thể đưa tiền cho họ dễ dàng như vậy, để đổi lấy những lời hứa kỳ nghỉ dưỡng ở tương lai xa xôi và những hợp đồng bất lợi.
Thông tin mới nhất là vụ khách hàng thua kiện vụ “sở hữu kỳ nghỉ vịnh Thiên Đường”. Câu chuyện này đã được thông tin trên báo chí nhiều năm nay. Khi những người đã ký hợp đồng, vét hết tiền, mang nợ đang sống với ấm ức và lo âu, hàng ngàn người khác vẫn góp tiền để sở hữu kỳ nghỉ trong mơ. Nạn nhân của câu chuyện này là những người có ít nhiều tiền tích lũy, nhưng lại thiếu những cẩn trọng pháp lý khi đặt bút ký hợp đồng. Câu chuyện chung là đừng quá dễ dãi chi tiền hàng chục, hàng trăm triệu đồng khi còn mơ hồ về “sản phẩm” sẽ dành cho mình.
NAM GIAO