24/11/2024

Đề đâu chỉ để thi

Đề đâu chỉ để thi

Đề thi ngoài việc kiểm tra kiến thức và đánh giá học sinh còn có tác dụng định hướng cho việc dạy và học không chỉ cho một lớp mà cho toàn bộ cấp học, ví như đề thi tuyển vào lớp 10 ở các tỉnh thành và đề thi quốc gia cho học sinh lớp 12.

 

Đề đâu chỉ để thi - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi lớp 9 TP Hà Nội gây “bão”

Có khi, thông qua một bài thi, người ra đề muốn học sinh (HS) thay đổi nhận thức và tư duy, quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề thiết thực của đời sống, góp phần giáo dục nhân cách, phẩm chất cho thế hệ trẻ.

Sáng tạo, gần gũi, thiết thực

Theo dõi đề thi môn ngữ văn quốc gia (thi tốt nghiệp và HS giỏi) và các đề thi tuyển lớp 10, thi Olympic cũng như thi học kỳ ở TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chúng tôi thấy có nhiều đề thi hay. Đặc biệt ở TP.HCM, nhiều đề thi khiến cho giáo viên bất ngờ, HS thích thú và dư luận khen ngợi.

Sáng tạo nhiều nhất của đề thi ngữ văn ở TP.HCM vẫn là phần yêu cầu làm bài văn nghị luận về hiện tượng xã hội hay đạo đức – tư tưởng. Đề vừa có nội dung mang tính thời sự, lại gần gũi, thiết thực, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, vừa mới mẻ trong cách thể hiện. Đó có thể là hình ảnh một bàn tiệc gồm 10 người, cả 10 người đều cắm cúi vào chiếc điện thoại thông minh của mình, yêu cầu HS viết bài văn trả lời câu hỏi: “Theo em, những người này đang gần nhau hay xa nhau?” (đề thi Olympic lớp 11).

Đó có thể là 3 tấm hình, mỗi hình gồm 2 vòng tròn 1 lớn 1 bé hoặc lồng vào nhau hoặc giao nhau một phần hoặc tách riêng độc lập, yêu cầu HS “Từ một trong ba hình ảnh trên, em hãy viết một bài văn ngắn – khoảng 01 trang giấy thi – bàn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện nay (đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018)…

Đề đâu chỉ để thi - Ảnh 2.

Một đề thi được đánh giá sáng tạo, gần gũi – Ảnh tư liệu

Những đề thi bị lỗi

Trong quá trình ra đề thi hoặc kiểm tra, với mong muốn làm mới, không ít trường hợp đề thi bị HS, giáo viên chê bai, phê phán, có trường hợp “gây bão” trong dư luận, được báo chí và mạng xã hội đăng tải. Những đề “gây bão” thường là do việc chọn văn bản làm ngữ liệu.

Mới đây, đề thi học sinh giỏi lớp 9 TP Hà Nội gây ý kiến trái chiều khi chọn ngữ liệu là câu chuyện “khóc giùm”. Con gái học về muộn, mẹ hỏi nguyên nhân thì con gái bảo xe đạp của bạn bị hỏng, phải dừng lại giúp bạn. “Nhưng con đâu biết sửa xe? – Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”. Có người khen câu chuyện giáo dục lòng nhân ái, sự đồng cảm, chia sẻ. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng chỉ “giúp bạn ấy khóc” là vô nghĩa, là yếu đuối, bất lực, như vậy không phù hợp với phẩm chất mà người trẻ thời nay muốn có.

Chưa hết, câu 2 của đề thi trên còn “gây bão” nhiều hơn: “Câu 2 (14 điểm). Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ”, còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là “vị ngữ”.

Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ “chủ ngữ” mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của “vị ngữ” trong một vài tác phẩm ở chương trình trung học cơ sở”.

Người ra đề đã chọn một câu nói về vấn đề lý luận (vốn đã mới mẻ và khó với HS đang học lớp 9), phần yêu cầu lại diễn đạt cầu kỳ, làm khó không cần thiết cho HS.

Một điều nữa đáng lo là gần đây, vì muốn làm mới đề mà nhiều trường ra đề kiểm tra, đề thi bất chấp đặc trưng thể loại. Học văn, dạy văn, chúng ta đều biết phương thức tự sự và biểu cảm (trữ tình) là khác xa nhau, vậy nhưng giờ đây, nhiều trường ra đề cho HS đóng vai nhân vật trữ tình trong các bài thơ để kể chuyện (ví dụ đề thi học kỳ I của HS lớp 9 ở một quận trung tâm TP.HCM: “Đóng vai nhân vật trữ tình (người lính) trong bài thơ Ánh trăng kể lại câu chuyện”… Trong các bài thơ trữ tình, yếu tố tự sự hầu như không có hoặc nếu có cũng rất ít, vì thế HS và cả giáo viên khó có thể kể được câu chuyện cụ thể, hấp dẫn với đúng nghĩa là một câu chuyện.

Cần được đào tạo, hướng dẫn

Để đảm bảo đề thi môn ngữ văn nói riêng và các môn nói chung đạt chuẩn và hay, thực hiện được mục đích của kỳ thi, người viết đề xuất một số ý sau.

Thứ nhất, các trường sư phạm nên có phân môn (nằm trong môn giáo học pháp) hướng dẫn sinh viên cách ra đề thi.

Thứ hai, sở và các phòng GD-ĐT nên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về việc ra đề thi.

Thứ ba, cần nâng cao chất lượng các cuộc họp của tổ/nhóm chuyên môn, đi vào thực chất bàn về các vấn đề chuyên môn chứ không chỉ mang tính hình thức phổ biến như hiện nay.

Thứ tư, cần có khâu duyệt đề, phản biện đề. Cách thực hiện tùy vào điều kiện từng nơi, để đảm bảo được tính tuyệt mật mà không quá phức tạp.

Thứ năm, bản thân giáo viên ra đề cần đọc kỹ, rà soát kỹ từng dấu chấm phẩy, câu, chữ, không bao giờ được cẩu thả với việc ra đề.

TRẦN THỊ BÍCH HÀ (GV ngữ văn ở TP.HCM)
TTO