Bloomberg: ‘Trung Quốc chỉ thắng, chứ chưa lãnh đạo về kinh tế’
Bloomberg: ‘Trung Quốc chỉ thắng, chứ chưa lãnh đạo về kinh tế’
Dù Trung Quốc công bố các số liệu ấn tượng về kinh tế sau một năm bị đại dịch hoành hành, từ đây đến lúc nước này có thể xác lập phương hướng cho chính sách toàn cầu vẫn là con đường dài, theo Bloomberg.
Hãng tin Bloomberg có trụ sở tại New York (Mỹ) vừa có bài bình luận với tiêu đề: “Trung Quốc là nước thắng cuộc về kinh tế, chứ chưa phải là nước lãnh đạo về kinh tế”.
Theo hãng này, Trung Quốc phục hồi ấn tượng sau tác động của đại dịch COVID-19, và gần như chắc chắn là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020.
Chính phủ Trung Quốc vừa qua cho biết GDP nước này tăng 2,3% năm 2020, và 6,5% trong quý 4 của năm 2020 so với cùng kỳ năm trước đó. Các số liệu này đều cao hơn ước tính của các nhà kinh tế học.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2021, bỏ xa Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh, có thể Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo được đưa ra một năm trước.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, bên dưới những con số nặng ký này là các thách thức đáng kể, và phải mất nhiều năm để Trung Quốc trở thành một lãnh đạo kinh tế toàn cầu. Bloomberg lưu ý trước đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm đi.
Nhà chức trách Trung Quốc đã chọn lập trường thích ứng, triển khai nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn còn thắt chặt vào năm 2018.
Ngoại trừ các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới, một trong những rủi ro lớn nhất mà Trung Quốc đối diện là rút vội vã biện pháp hỗ trợ chính thức trên. IMF đã khuyên không rút vội vã biện pháp hỗ trợ này.
Hôm 15-1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ rút bớt tiền mặt khỏi hệ thống tài chính lần đầu tiên trong vòng 6 tháng, sau khi thanh khoản dư thừa đẩy lãi suất cho vay liên ngân hàng xuống thấp kỷ lục.
Động thái này là dấu hiệu cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sắp kết thúc. Trong khi chính sách này đã giúp phục hồi tâm lý trên thị trường tín dụng và trái phiếu chính phủ Trung Quốc, việc bơm quá nhiều tiền mặt kéo theo nhiều rủi ro trong hệ thống tài chính.