Nông dân ‘chóng mặt’ vì giá phân bón tăng
Giá phân bón trong nước đã tăng tới trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả những sản phẩm trong nước sản xuất nhiều cũng tăng giá mạnh, nhưng các nhà sản xuất cho rằng giá phân bón tăng vì giá thế giới tăng.
Nông dân ‘chóng mặt’ vì giá phân bón tăng
Giá phân bón trong nước đã tăng tới trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả những sản phẩm trong nước sản xuất nhiều cũng tăng giá mạnh, nhưng các nhà sản xuất cho rằng giá phân bón tăng vì giá thế giới tăng.Phân bón chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất nông nghiệp, nên giá phân bón tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều nông dân trong thời gian tới khi giá nhiều loại nông sản đang có dấu hiệu giảm.
Tăng quá nhanh
Bà Nguyễn Thị Hai (ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) cho biết chưa bao giờ “chóng mặt” với giá phân bón như lúc này. “Giá phân bón các loại thời gian qua tăng mạnh khiến chi phí tăng theo, người làm nông như tụi tui điêu đứng, làm không còn lời” – bà Hai thở dài.
Theo bà Hai, khoảng ba tháng trước phân urê dao động 350.000-370.000 đồng/bao tùy loại, hiện đã nhảy lên 470.000 đồng. Phân DAP còn tăng “khủng” hơn, từ 510.000 đồng nhảy lên 690.000 đồng/bao. “Tôi làm 20 công ruộng, giá phân tăng mạnh, nếu bón 50kg phân các loại/công/vụ thì chi phí phát sinh ít gì cũng 2,5 triệu đồng” – bà Hai nhẩm tính.
Những nông dân mua phân bón trả tiền mặt còn đỡ. Nhưng với những người khó khăn, mua chịu đại lý đến cuối vụ thanh toán phải cộng thêm ít nhất 20 “lai” lãi suất. Ông Trần Văn Mai, một chủ đại lý phân bón ở TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), cho biết trong số nhiều loại phân, phân NPK “hiền” nhất cũng tăng khoảng 40.000 đồng/bao.
“Khi giá dầu và USD biến động kéo giá phân bón “nhảy múa” theo. Tuy giá phân tăng mạnh nhưng do nhu cầu sản xuất, không xài không được nên sức mua vẫn bình thường” – ông Mai cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bạch, một đại lý bán các loại vật tư nông nghiệp ở Chợ Mới (An Giang), thống kê so với cách đây một năm, giá phân bón đã tăng tới 30%. Đặc biệt, chỉ từ đầu tháng 11 đến nay, giá các loại phân bón đều đồng loạt tăng mạnh, có loại tăng trên 1.000 đồng/kg do đang vào vụ đông xuân 2018-2019, trong khi nguồn cung có dấu hiệu khan hiếm.
Theo các đại lý kinh doanh, do yếu tố mùa vụ nên bắt đầu tháng 11 năm nào cũng có tình trạng giá phân bón tăng lên. Năm nay, phân bón cho các vùng cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bán chậm hơn do giá nhiều loại nông sản chính như tiêu, cà phê, cao su đều giảm hoặc ở mức thấp nên người dân không mặn mà đầu tư.
Riêng ĐBSCL, theo ước tính của Bộ NN&PTNT, đã có gần 1,6 triệu ha lúa vụ đông xuân cùng với những khu vực có diện tích trồng lúa lớn khác nhu cầu phân bón vẫn rất lớn, nên giá phân bón tăng lên do nhu cầu. “Mức giá phân bón năm nay lại tăng nhanh và quá nhiều so với các năm trước là do các công ty chủ động tăng giá” – một đại lý khẳng định.
“Ăn theo” giá phân bón thế giới?
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Trí Hội, phó tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí, cho rằng giá phân bón trong nước thời gian qua tăng mạnh do giá thế giới. Việc giá dầu hồi phục so với năm ngoái cùng với việc Mỹ cấm vận Iran, nước sản xuất dầu mỏ và phân bón lớn trên thế giới, đã làm giảm nguồn cung mặt hàng này ra thị trường khiến giá phân bón thế giới tăng cao.
Chẳng hạn giá urê về VN đã lên mức 9.000 đồng/kg từ phía các công ty nhập khẩu. Riêng đạm Phú Mỹ đang bán thấp hơn giá phân bón nhập khẩu, ở mức 8.300-8.600 đồng/kg tại kho ở các khu vực, giá bán lẻ 8.600-8.700 đồng/kg.
Theo ông Ngô Văn Đông – tổng giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền, do giá các loại phân bón như kali, SA, urê đều tăng mạnh nên tác động rất lớn đến giá thành và kế hoạch kinh doanh của các công ty sản xuất phân bón hỗn hợp, NPK. Vì các loại phân bón nói trên là đầu vào để sản xuất phân bón hỗn hợp nên các nhà máy cũng phải tăng chi phí, qua đó tăng giá bán ra thị trường.
Ông Võ Nguyên Nam, giám đốc Sở Công thương An Giang, cho rằng phân bón phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng nước này đang siết chặt xuất khẩu phân bón vào VN, dẫn đến hiện tượng giá phân bón trên thị trường tăng mạnh. Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu phải tăng giá khi bán cho nông dân. “Ngược lại, doanh nghiệp nào sản xuất phân bón mà chưa tăng giá thì coi chừng chất lượng không đảm bảo” – ông Nam nói.
Theo ông Nguyễn Thành Phước – chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, khi các vùng trọng điểm sản xuất lúa chuẩn bị bước vào mùa vụ, phân bón các loại thường tăng giá. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên giá phân bón tăng mạnh đến như vậy, đe dọa đến thu nhập của nông dân. “Chính phủ cần kiểm soát đầu vào trong việc sản xuất phân bón, không để cứ vào vụ nông dân lại canh cánh âu lo” – ông Phước đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiền (chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật An Giang):
Giảm bón phân để hạ giá thành
Giá phân bón tăng mạnh thời gian gần đây – Ảnh: C.QUỐC
Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, ngành trồng trọt khuyến cáo bà con nông dân An Giang nên tăng cường áp dụng sản xuất lúa theo “2 chương trình chuẩn”. Các chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” đã được nông dân ứng dụng sản xuất thành công thời gian qua, nếu được áp dụng rộng rãi sẽ giảm chi phí rất nhiều.
Đặc biệt, nước lũ 2018 vừa rút, lượng phù sa bồi đắp rất nhiều trên cánh đồng. Nên ngay từ đầu vụ đông xuân này, bà con nên xuống giống tập trung theo lịch thời vụ của tỉnh để né rầy, dịch bệnh và thực hiện đồng bộ chương trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng” để tiết kiệm chi phí sản xuất của bà con nông dân.
Nhu cầu không tăng, giá leo thang
Theo Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước hiện vào khoảng 11 triệu tấn, trong đó phân vô cơ chiếm khoảng 90%. Theo các năm, nhu cầu tiêu thụ dao động ở mức 1,4 triệu tấn lân, 2,3 triệu tấn urê, gần 4 triệu tấn NPK. Các loại phân còn lại như DAP, kali, SA ở mức 850-950 tấn. Ngoài ra, phân bón nhập khẩu còn được chế biến xuất khẩu sang các thị trường như Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines…
10 tháng đầu năm 2018, VN nhập khẩu 3,44 triệu tấn với trị giá 987 triệu USD, giảm 14% về khối lượng và giảm 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi phân SA giảm 12,1% về khối lượng và giảm 5% về giá trị (nhập 783.000 tấn) thì urê lại tăng 4% lượng nhập khẩu, đạt 426.000 tấn với giá trị đạt 121 triệu USD. Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Nga, Malaysia, Hàn Quốc…
Theo ghi nhận, hầu hết các loại phân bón đều tăng mạnh thời gian gần đây, trong đó phân DAP đen đã lên đến 650.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 đặc biệt là 650.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 đặc biệt là 520.000 đồng/bao, DAP Hồng Hà (Trung Quốc) 660.000 đồng/bao, urê 440.000 – 470.000 đồng/bao (tùy nơi sản xuất), kali miểng 400.000 đồng/bao, kali silic 350.000 đồng/bao, DAP Hàn Quốc 740.000 đồng/bao...