Chủ sàn thương mại điện tử lo bị nghị định làm khó
Chủ sàn thương mại điện tử lo bị nghị định làm khó
Bộ Công thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử theo hướng tăng trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng để bảo vệ người tiêu dùng.
Nhưng tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 (NĐ52) về thương mại điện tử do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức ngày 14-1 tại Hà Nội, nhiều chủ sàn bày tỏ lo ngại việc sửa đổi NĐ52 sẽ bó hẹp không gian phát triển, làm khó chủ sàn…
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Sen Đỏ – đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử sendo.vn, cho biết các sàn trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp từ Singapore, Indonesia, nên bất cứ rào cản chính sách nào cũng ảnh hưởng tới khả năng hút vốn đầu tư vào TMĐT.
“Có nhiều rào cản thì nhà đầu tư đã đầu tư vào rồi cũng thoái vốn” – ông Dũng lo ngại.
Theo vị này, một số DN trong nước đã đầu tư vào TMĐT nhưng sau một thời gian không đầu tư nữa và các sàn hiện chủ yếu hút vốn từ nước ngoài.
Vì thế, ông Dũng cho rằng quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thương mại điện tử trong nước phải là những DN có uy tín toàn cầu rất khó thành hiện thực, quy định này chỉ làm khó sàn trong nước.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – người tư vấn pháp lý cho nhiều sàn thương mại điện tử trong nước – nhấn mạnh quy định dự thảo nghị định sửa đổi NĐ52 ràng buộc sàn phải cung cấp công cụ để cơ quan quản lý tra cứu theo dõi hoạt động làm khó chủ sàn.
Một vấn đề khiến nhiều người thắc mắc là việc gắn trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử với người bán hàng trên sàn trong trường hợp người bán vi phạm.
Theo ông Hà, người bán có thể dùng nhiều thủ thuật qua mặt chủ sàn để bán hàng, chủ sàn không thể kiểm soát hết vì thế cho rằng nên tách trách nhiệm chủ bán hàng và chủ sàn thương mại điện tử.
Việc bổ sung quy định sàn thương mại điện tử phải xác minh danh tính nhà bán hàng nước ngoài trên sàn cũng được cho là không khả thi. Nhiều chủ sàn cho rằng chỉ cần yêu cầu nhà bán hàng nước ngoài cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm là đủ.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – cho hay việc quy định các sàn phải xây dựng công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý là vi phạm Luật an toàn thông tin mạng, Bộ luật dân sự, cần cân nhắc việc bổ sung quy định.
Về quy trách nhiệm chủ sàn thương mại điện tử trong kiểm soát người bán hàng trên sàn để hạn chế hàng giả, hàng nhái theo ông Đồng không khả thi. Ngay với chợ truyền thống cũng không quy định được chủ chợ chịu trách nhiệm khi tiểu thương bán hàng giả, hàng nhái.
Ông Đồng khuyến nghị nên cân nhắc công cụ khác, khuyến khích sàn tự xây dựng chuẩn mực, tự công bố thông tin, các công cụ báo cáo từ chủ hàng khi xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hoặc nâng cao vai trò giám sát, đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam với các sàn.
Bà Lại Việt Anh, cục phó Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương – cho rằng NĐ52 ra đời khi mọi người chưa biết tới Uber, Grab, nhưng nay nhà nhà, người người đã tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử, mua bán, giao dịch trên mạng.
Vì vậy, việc ban hành nghị định sửa đổi NĐ52 hướng mục đích cân bằng lợi ích các bên tham gia thương mại điện tử như chủ sàn, nhà sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng.
Cũng theo bà Lại Việt Anh, tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhái ngày càng tăng trên sàn, vì vậy nghị định đưa ra các giải pháp minh bạch thông tin hàng hóa, trách nhiệm chủ sàn.
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Thái Lan, Indonesia, Singapore, tốc độ tăng trưởng trong nước những năm gần đây khoảng 30%/năm.