Có trường tuyển mới 16 ngành năm 2021 !
Nhiều trường ĐH đã công bố thông tin
tuyển sinh năm 2021. Điểm mới đáng chú ý trong phương án của nhiều trường là dự kiến mở thêm nhiều ngành mới. Có trường cho biết dự định tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới trong năm nay. Sau khoảng thời gian 5 – 6 năm, có trường ngành đào tạo bậc ĐH tăng gấp đôi.
Quy định mở ngành đào tạo
Theo thông tư của Bộ GD-ĐT, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự
phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường. Việc mở ngành phải đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau. Ví dụ, chỉ riêng số tiến sĩ cần có, ngành y khoa cần có tối thiểu 2 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 6 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 1 tiến sĩ thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng.
Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố tuyển sinh 29 ngành và chuyên ngành cho cơ sở chính tại TP.HCM. Trong số này, có 11 ngành và chuyên ngành mới lần đầu được tuyển sinh trong năm nay. Cụ thể gồm: kinh tế đầu tư, bất động sản, quản trị nhân lực, kinh doanh nông nghiệp, kiểm toán, thương mại điện tử, luật kinh tế, quản lý bệnh viện, ngành kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh, chuyên ngành quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo (thuộc ngành quản trị kinh doanh), chuyên ngành quản trị tín dụng (thuộc ngành tài chính – ngân hàng). Trước đó, năm 2020 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã mở thêm 5 ngành và chuyên ngành mới. Năm 2019, trường này có tất cả 17 ngành và chuyên ngành.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến tuyển sinh mới 6 ngành và chuyên ngành mới trong năm nay. Như vậy, trường có tổng số 41 mã ngành đào tạo (không tính chương trình liên kết, chương trình chất lượng cao và các chuyên ngành). Nếu tính tổng cộng các ngành và chương trình, thí sinh có trên 50 lựa chọn khác nhau. Ở thời điểm năm 2016, trường này thêm 15 ngành học mới. Trước đó, năm 2015 trường này mới chỉ có 20 ngành đào tạo bậc ĐH.
Tốc độ phát triển về số lượng ngành đào tạo bậc ĐH của khối trường ngoài công lập càng “chóng mặt” hơn.
Chẳng hạn, Trường ĐH Văn Lang sẽ tuyển sinh 50 ngành đào tạo bậc ĐH trong năm 2021, chưa kể một số ngành mới dự kiến liên quan đến khối ngành
sức khỏe. Trước đó vào năm 2016, trường này chỉ có 18 ngành đào tạo.
Trường ĐH Hoa Sen cũng dự kiến tuyển mới 11 ngành (trong đó có 4 ngành khối sức khỏe), nâng tổng số ngành đào tạo của trường năm 2021 lên 39 ngành. So với thời điểm năm 2011, trường này đã tăng thêm 25 ngành đào tạo bậc ĐH.
Đặc biệt, năm 2021 Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố dự kiến tuyển sinh 68 ngành học, trong đó sẽ mở mới 16 ngành. Trong số các ngành mới, riêng nhóm ngành sức khỏe có 8 ngành gồm: y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, quản lý bệnh viện. Một số ngành mới dự kiến khác gồm: bất động sản, kỹ thuật y sinh, công nghệ sinh học y dược, tâm lý học, quản trị sự kiện, quan hệ công chúng, giáo dục tiểu học và
quản lý giáo dục. Chỉ sau 4 năm, số ngành đào tạo của trường này đã tăng hơn gấp đôi (năm 2017 trường tuyển sinh 31 ngành).
Mở nhiều ngành mới để trở thành trường đa ngành ?
GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trong số 11 ngành và chuyên ngành mới dự kiến tuyển sinh năm nay, có 10 ngành được nâng cấp từ chuyên ngành thành ngành và chỉ 1 ngành hoàn toàn mở mới là kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh.
“Đặc thù của trường từ trước nay là có nhiều chuyên ngành thuộc ngành, nay các chuyên ngành phát triển đủ mạnh để tách thành ngành nên đảm bảo các điều kiện đã có từ trước. Do vậy dù số lượng ngành tăng lên nhưng tổng chỉ tiêu các năm gần như không đổi”, ông Hoài nói. Việc phát triển các ngành này, theo ông Hoài, là đáp ứng quy định pháp luật, nhu cầu nhân lực và
xu hướng chung thế giới.
Gần với quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khẳng định việc phát triển các ngành đào tạo không nhắm đến mục tiêu mở rộng quy mô tuyển sinh. Vì dù tăng thêm 6 ngành nhưng tổng chỉ tiêu năm 2021 dự kiến vẫn tương đương năm ngoái, khoảng 8.000.
Những ngành học nào cần nhu cầu nhân lực trong thời gian tới ?
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng hầu hết những ngành học mà các trường ĐH mới mở để tuyển sinh, tại TP.HCM đều có nhu cầu nhân lực trong thời gian tới.
Ông Vân cho biết: “Thành phố phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp phần mềm, kỹ thuật số trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao. Vì thế, trong tương lai, nhu cầu lao động sẽ tập trung tại các phân ngành, lĩnh vực thuộc danh mục các sản phẩm, dịch vụ
công nghệ cao được thành phố ưu tiên phát triển như sản xuất các sản phẩm, linh kiện, thiết bị tin học, viễn thông, nghe nhìn, sản xuất phần mềm và nội dung số. Trong một vài năm tới, nhu cầu nhân lực tiếp tục tăng mạnh với các vị trí như an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web, thiết kế và thực hiện quy trình công nghệ, kỹ sư điện tử, thiết kế vi mạch, kỹ thuật viên điện tử, bảo trì hệ thống điện tử…”.
Bên cạnh đó, theo ông Vân, cùng với sự phát triển vũ bão của internet, thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là một yếu tố để các trường có thể đẩy mạnh đào tạo những ngành này, cụ thể là đào tạo chuyên môn để sinh viên tốt nghiệp có thể làm các công việc như giám sát viên marketing, quản lý kế hoạch kỹ thuật số, tiếp thị số, điều phối viên truyền thông, người viết quảng cáo…
“Logistics đã được một số trường đào tạo nhưng số lượng cung chưa đủ cầu. Thời gian tới cần rất nhiều nhân lực phục vụ chuỗi cung ứng, với các vị trí nhân viên chứng từ, thanh toán quốc tế, thu mua, nhân viên hiện trường/giao nhận, nhân viên điều vận đội xe/bãi, quản lý hàng hóa… Trong khi đó, nhóm ngành dịch vụ cá nhân – chăm sóc sức khỏe và y tế cũng cần nhân lực và đứng thứ 6 trong số 12 nhóm ngành nghề tại TP.HCM”, ông Thanh Vân thông tin thêm.
Mỹ Quyên
“Thực ra ngoài những ngành mới hoàn toàn do sự thay đổi của thực tiễn cuộc sống thì các ngành mới của trường có thể xem là sự chuyên môn hóa các lĩnh vực ngành nghề. Thay vì một ngành rất chung, trường phát triển ngành thành những ngành chuyên sâu hơn nhằm tạo điều kiện cho người học cơ hội tìm kiếm việc làm sát hơn trong một lĩnh vực nghề nghiệp”, ông Nhân phân tích.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết trong số 68 ngành và chuyên ngành của trường, có 13 ngành và 3 chuyên ngành dự kiến mở mới trong năm nay. Trong số này, còn có 8 ngành chương trình liên kết quốc tế và 9 ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh từ những ngành đã có của trường. Do vậy, hiện trường chỉ có chính thức 35 mã ngành tuyển sinh.
Lý giải việc đẩy mạnh mở nhiều ngành trong năm nay, theo ông Phong, các điều kiện về
giảng viên, cơ sở vật chất nhà trường tự tin đáp ứng đầy đủ các điều kiện mở ngành. “Nhà trường tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chung”, hiệu trưởng này cho hay.
Ông Phong nói thêm: “Điều đầu tiên trường quan tâm khi mở ngành là xác định nhu cầu của thị trường lao động trong 5 – 10 năm tới. Vì nếu xã hội không cần thì sinh viên sau này ra trường sẽ không có việc làm hoặc mức lương rất thấp”.
Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng để các trường mở thêm nhiều ngành, thậm chí không liên quan đến những ngành đang đào tạo tại trường, theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài,
luật Giáo dục ĐH mới cho phép các trường ĐH đủ điều kiện phát triển thành ĐH. Muốn vậy, một trong các điều kiện là trường phải phát triển đa ngành và đa lĩnh vực. Như vậy, với ngành kiến trúc và thiết kế đô thị thông minh được mở trong năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chính thức bước sang lĩnh vực đào tạo khác ngoài lĩnh vực kinh tế.