24/12/2024

Việt Nam sắp ‘mất’ tuyến liên vận quốc tế?

Việt Nam sắp ‘mất’ tuyến liên vận quốc tế?

Doanh nghiệp lo chi phí tăng, kiểm tra vô lý khiến tuyến đường vận chuyển hàng hóa quốc tế đi qua Việt Nam có nguy cơ “mất trắng” lợi thế. Hải quan cũng đưa ra lý do của mình.

 

Việt Nam sắp mất tuyến liên vận quốc tế? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp kêu chi phí logistics vận chuyển hàng quá cảnh của Việt Nam đang kém cạnh tranh – Ảnh: LINH NGA

Điều này dẫn đến nỗi lo của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt: hàng quốc tế chuyển sang tuyến đường Trung Quốc – Lào để đưa hàng vào Đông Nam Á, bỏ qua Việt Nam.

Kém cạnh tranh vì chi phí cao

Anh T.V.H., giám đốc Công ty vận tải V.T. (Hà Nội) chuyên vận chuyển linh kiện cho các tập đoàn đa quốc gia quá cảnh Việt Nam, cho hay năm 2020 tuyến đường biển bị ảnh hưởng bởi thiếu vỏ container nên nhiều hãng chuyển hướng sang đường bộ, đơn hàng tăng mạnh. Nhưng anh lo ngại một tuyến đường bộ mới được hình thành từ Trung Quốc chạy thẳng sang Lào để đến Thái Lan và vào các nước ASEAN, không đi qua Việt Nam, đang được nhiều hãng vận chuyển lựa chọn.

Theo anh T.V.H., một trong những lý do khiến tuyến đường liên vận quốc tế từ Trung Quốc đi qua Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh là chi phí logistics cao, thủ tục hành chính và các chi phí phải đóng. Dẫn chứng, hiện yêu cầu hàng vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị phải là xe của Trung Quốc chở sang. Khi giao hàng sang Trung Quốc phải là xe của Việt Nam đảm nhiệm. Các cửa khẩu khác không yêu cầu việc này nên chỉ cần 2 xe gắp đổi container cho nhau. Với cửa khẩu Hữu Nghị cần tới 4 xe và đi qua biên giới 2 lần, làm tăng chi phí.

Ngoài ra, DN còn phải đóng thêm chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng của địa phương, như tại Lạng Sơn mỗi xe quá cảnh thu 6,5 triệu đồng, cửa khẩu Chalo thu 1,1 triệu đồng, cửa khẩu Lao Bảo 300.000 đồng.

Hàng kẹp chì vẫn tháo ra kiểm tra

Bên cạnh đó, nhiều DN đặc biệt lo ngại tình trạng kiểm tra hàng hóa. Chị N.M.P., giám đốc một công ty vận tải sở hữu hơn 50 xe, cho hay đặc thù hoạt động quá cảnh là hàng hóa đi từ người bán (hoặc nhà sản xuất, nhà phân phối lớn), sau đó được thu gom và đưa về các kho lớn để vận chuyển qua nhiều nước tới khách hàng. Do đó, vận chuyển phải đảm bảo container được “nguyên đai, nguyên kiện”.

Nhưng thực tế có tình trạng hải quan không kiểm tra lô hàng ngay tại cửa khẩu, tại khâu vận chuyển của nước bạn. “Chúng tôi xin được kiểm tra trước khi hàng chuyển sang cho DN Việt nhưng không được. Trong khi đây là hàng quá cảnh của người nước ngoài, chúng tôi chỉ vận chuyển thuê” – chị N.M.P. nói.

Một DN khác có trụ sở ở Lạng Sơn dẫn chứng thêm khi hàng quá cảnh được đưa vào cửa khẩu Hữu Nghị, DN sẽ khai tờ khai vận chuyển độc lập. Hải quan cửa khẩu sẽ cung cấp số kẹp chì. Ra khỏi cửa khẩu, DN Việt sẽ nhận xe hàng đã được niêm phong kẹp chì.

“Tuy vậy hải quan vẫn yêu cầu phải khai mã HS, số lượng, giá cả hàng hóa, chứng nhận xuất xứ… Việc ghi các thông tin này là không thể bởi đây là hàng quá cảnh, chứ không phải hàng nhập khẩu. Việc yêu cầu khai cả mã HS là không đúng với tinh thần vận chuyển hàng quá cảnh” – chủ DN nói.

Đáng chú ý, tình trạng kiểm tra hàng hóa khi container đã được niêm phong gây bức xúc. Theo phản ánh của DN, có trường hợp hải quan tháo tung container, rạch từng kiện hàng nhỏ để kiểm tra, thời gian kéo dài, mỗi ngày chỉ được 2-4 container, dẫn tới có thời điểm hàng trăm container nằm chờ kiểm tra, kéo dài cả tháng. “Mùa mưa, hàng bị tháo tung, nước đọng, hàng nát tươm, rất xót xa” – một DN than thở.

Anh T.V.H., giám đốc Công ty vận chuyển P.G., dẫn chứng mỗi lần dỡ hàng ra cho hải quan kiểm tra, DN phải thuê công nhân hết 5 triệu đồng/container/lần bốc xếp. Việc kiểm tra thủ công còn đẩy rủi ro cho DN phải đền bù nếu hàng bị hư hỏng.

“Nếu kiểm tra như vậy không ai dám đi qua Việt Nam nữa. Có thông tin từ Hải quan Campuchia là lượng hàng qua cửa khẩu Hoa Lư, Xa Mát giảm nghiêm trọng tới 40%, nhưng lượng hàng vào nước này không đổi bởi họ đi thẳng qua Lào” – anh T.V.H. lo lắng.

Việt Nam sắp mất tuyến liên vận quốc tế? - Ảnh 2.

Tuyến đường liên vận quốc tế được hình thành, trong đó tuyến số 1 đi qua Việt Nam và tuyến số 3 do Trung Quốc mở ra và bắt đầu hình thành, khiến doanh nghiệp lo ngại có thể cạnh tranh trực tiếp với tuyến đường liên vận của Việt Nam – Đồ họa: T.ĐẠT

Cứ tháo dỡ hàng, kiểm tra là bị phạt?

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, phó giám đốc thường trực văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), cho hay căn cứ pháp lý mà cơ quan quản lý nhà nước hiện đang vận dụng để kiểm tra, xử phạt các DN này là nghị định 99/2013 về sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Tuy nhiên, vấn đề về hàng quá cảnh trước hết phải tuân theo những điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, trong đó có quy định xác định việc xử phạt cả chủ hàng chứ không chỉ DN vận chuyển.

Bà Thủy cũng cho hay theo phản ánh của DN, có khi hải quan gỡ hàng ra kiểm tra không phát hiện vi phạm sở hữu trí tuệ thì phạt một lỗi hành chính nào đó, số tiền rất nhỏ nhưng tổn thất của DN vô cùng lớn.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Ban IV đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan nhanh chóng giải quyết các vướng mắc theo hướng giảm chi phí logistics, tăng nguồn thu cho Nhà nước, đặc biệt có chủ trương rõ với việc thu hút, đẩy mạnh nguồn hàng quá cảnh của Campuchia và các nước qua Việt Nam.

Một đại diện Bộ Công thương: Hàng quá cảnh khác hàng nhập khẩu

Chúng ta kỳ công mới tạo được tuyến đường quá cảnh thành luồng, nhưng cứ tình trạng này thì các hãng vận tải có xu hướng chuyển sang tuyến đường khác. Xét ở khía cạnh dịch vụ kinh tế, chúng ta sẽ mất thu.

Bản chất đó là hàng quá cảnh, đi qua nước mình chứ không phải là hàng tiêu thụ ở Việt Nam, nên việc lấy danh nghĩa kiểm tra hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để kiểm tra hàng quá cảnh có những bất cập. Còn có lợi dụng quá cảnh tuồn hàng vào Việt Nam thì cần phải lo kiểm soát, chặn hàng thẩm lậu…

* Ông Nguyễn Văn Ổn (phó cục trưởng Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan):

 

anh box 2

 

Lợi dụng hàng quá cảnh để buôn lậu rất phức tạp

Với những phản ánh của DN, chúng tôi báo cáo Bộ Tài chính. Thực tế có tình trạng các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng hàng quá cảnh để buôn lậu rất phức tạp, khó kiểm soát. Tổng cục Hải quan và Cục Chống buôn lậu đã có kế hoạch đấu tranh với những đối tượng này, hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

Trong cả kế hoạch đấu tranh thì chúng tôi tổ chức thời điểm quyết liệt nhất là vào tháng 7, kiểm tra cho thấy tỉ lệ sai, vi phạm tới 75%, chủ yếu là hàng giả. Trong trường hợp quá cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam và đi sang Campuchia, hàng giả chủ yếu tiêu dùng nội địa, vi phạm sở hữu trí tuệ. Chúng tôi có văn bản gửi Hiệp hội Vận tải ASEAN, khẳng định việc thực hiện kiểm tra là đúng quy định.

* Ông Đậu Anh Tuấn (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam):

 

anh box 3

 

Có cách khác kiểm tra công khai, minh bạch

Chúng ta thường nói về tầm quan trọng, vai trò Việt Nam khi là cửa ngõ để vào ASEAN. Vận chuyển hàng quá cảnh là một hoạt động cụ thể để phát huy vai trò này.

Dù lo ngại của cơ quan nhà nước là có về nguy cơ hàng thẩm lậu, nhưng có nhiều cách thức làm. Đơn cử, cơ quan chức năng có thể kiểm soát từ chủ hàng, từ đầu vào, nhưng ở đây lại có tình trạng để đến cửa khẩu xuất mới dỡ tung hàng để kiểm tra. Cách thứ hai là có thể kiểm soát rủi ro, trường hợp nào mà tần suất vi phạm cao thì công bố, tăng áp dụng công nghệ như soi chiếu, chứ không phải vì xử lý hàng vi phạm sở hữu trí tuệ mà quá tích cực… đè “ông” vận tải ra phạt.

NGỌC AN
TTO