28/11/2024

Nếu dễ hài lòng, đất nước sẽ khó ‘cất cánh’

“Việt Nam muốn cất cánh phải tạo lòng tin, gia cố tổ chức. Giáo dục và đào tạo cần những bước đổi mới có tính chất quyết định, không thể cứ loanh quanh những giải pháp kỹ thuật cụ thể, mà cần thay đổi căn bản triết lý giáo dục, cách tiếp cận giáo dục”.GS.TSKH VŨ MINH GIANG

 

Nếu dễ hài lòng, đất nước sẽ khó ‘cất cánh’

“Việt Nam muốn cất cánh phải tạo lòng tin, gia cố tổ chức. Giáo dục và đào tạo cần những bước đổi mới có tính chất quyết định, không thể cứ loanh quanh những giải pháp kỹ thuật cụ thể, mà cần thay đổi căn bản triết lý giáo dục, cách tiếp cận giáo dục.”
GS.TSKH VŨ MINH GIANG

GS.TSKH Vũ Minh Giang – phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện đầu năm. Những điều ông ấn tượng trong năm 2017 là:

“Đây là năm triển khai nhiều chương trình có tính chất cải cách. Ví dụ như đổi mới giáo dục, có thể chưa đánh giá được hiệu quả ngay, nhưng mọi người đều nhận thức cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới. Nếu nền giáo dục không đáp ứng yêu cầu đặt ra của đất nước, không phù hợp với xu thế của thời đại thì những cố gắng chỉ mang tính giải pháp tình thế.

Tất nhiên khi triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chúng ta mới thấy khó hơn mình nghĩ. Khó hơn trước hết vì trong thời gian dài phát triển giáo dục gần như bị mặc nhiên nghĩ là phải có chương trình thế này, trường lớp thế kia, mà quên cái cần thiết là đi theo cách tiếp cận nào”.

Chống tham nhũng và lòng tin

 

* Giáo dục vốn là gốc và cái gốc khác quan trọng hơn hiện nay chính là niềm tin của dân. GS có thấy vậy không?

Đó là câu chuyện niềm tin, lòng tin với chính quyền, với Đảng. Đó không chỉ hiểu là yếu tố tinh thần, mà là nền tảng của sức mạnh dân tộc. Tất cả thành tựu đạt được cho đến nay nếu không có sự chung tay góp sức của dân – những người dân đã tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng – thì không thể thành công.

Thời gian qua, tính từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, VN đã làm được khá nhiều việc. Diện mạo thành thị đã khác, đời sống nâng lên, nhu cầu hưởng thụ về vật chất, tinh thần cũng được cải thiện rõ rệt. Nhưng nghịch lý là cùng với sự đi lên của hưởng thụ thì niềm tin có chiều hướng đi xuống. Tổng kết của Đảng cũng nhìn thẳng vào vấn đề này, lòng tin bị giảm sút ghê gớm. 

Trong thời gian khá dài, quyền lực bị tha hóa trong một bộ phận không nhỏ cán bộ. Họ sử dụng quyền lực để đem lại lợi ích cho cá nhân, nhóm, gia đình. Điều này làm phương hại đến lợi ích quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm giảm sút lòng tin, giảm sút đến mức báo động.

Trong bối cảnh đó, Đảng phát động công cuộc chống tham nhũng, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp Chính phủ vừa qua là với cường độ “hơn bao giờ hết”. 

Nhìn lại năm 2017, trên mặt trận này để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là việc kiên quyết xử lý một số trường hợp mà trước nay vẫn dè chừng cho là chỉ “tắm từ vai trở xuống”, tức là chưa đụng đến những người có chức vụ cao, như có người từng ở vị trí ủy viên Bộ Chính trị. 

Sự kiên quyết xử lý một số vụ việc như vậy đã tạo lòng tin trong nhân dân, để người dân hiểu rằng tham nhũng có thể chống được nếu có đủ quyết tâm, nếu làm thật sự, có thể chế tốt.

Nếu nhìn một cách thực sự bình tĩnh và khoa học thì thấy lòng tin không phải mất đi một cách đột ngột trong một vài ngày, nên cũng không thể lấy lại chỉ trong một thời gian ngắn thông qua vài sự kiện, mà cần cả quá trình. 

Nhân dân vẫn đang theo dõi công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ được thực hiện tiếp theo thế nào, không chỉ những vụ đại án đã được nêu, mà còn những trường hợp khác nữa. Hiện tượng tham nhũng đâu chỉ tập trung ở vài người, mà còn ở những dự án này, dự án khác, cấp nào cũng có.

Đấy mới là xử lý phần ngọn. Phần gốc, phần nền tảng “vì sao lại có tham nhũng” phải xử lý triệt để, chứ không phải cứ “đánh” ông này lại ra ông kia.

Nếu dễ hài lòng, đất nước sẽ khó cất cánh - Ảnh 3.

* Vậy theo GS, làm thế nào để triệt tiêu cái gốc của tham nhũng?

Tham nhũng gắn với quyền lực, không có quyền lực không thể tham nhũng được. Chống tham nhũng phải tính triệt bỏ nguồn gốc tham nhũng, ấy là kiểm soát quyền lực. Tôi rất tâm đắc ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “phải nhốt quyền lực trong cái lồng pháp luật”.

Hệ thống pháp luật VN chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài để giám sát quyền lực. Vì vậy, khi người ta có quyền gần như không ai kiểm soát được. Ấy là chưa nói đến vai trò giám sát của nhân dân hầu như chỉ là hình thức. Với hệ thống như thế, việc họ lợi dụng vào quyền chức để trục lợi, đục khoét, ỷ vào quyền lực để sách nhiễu dân là khó tránh khỏi. 

Do đó, bên cạnh các biện pháp có tính chất mạnh mẽ, quyết liệt như đang làm, cần phải tìm ra cơ chế để quyền lực được kiểm soát. Đây không phải việc dễ, cần giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, pháp luật, tổ chức và cả giáo dục…

Quyền lực sẽ được kiểm soát nếu tiếng nói của người dân được lắng nghe, được trân trọng, người dân có quyền tham gia quá trình chính trị, tham gia các quyết sách lớn. Nếu để người dân được nói tiếng nói của mình thì họ biết hết “ông nào là ông nào”. 

Nếu cứ phớt lờ dư luận, đến khi bệnh trọng mới lôi ra xử, dù có tuyên mức án tử hình hay chung thân cũng đã mất tất cả tài sản, uy tín, con người. Còn nếu biết lo phòng bệnh từ sớm và hữu hiệu phải dựa vào dân.

Nếu hỏi làm sao kiểm soát được quyền lực thì đó chính là hệ thống luật pháp chặt chẽ và tiếng nói người dân được lắng nghe.

Video tự động phát
 

Video tạm dừng

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đây là thời điểm phải cất cánh – Clip: LÊ KIÊN

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng chúng ta chưa thể hài lòng với những gì đã đạt được, mức GDP bình quân 2.385 USD/người cũng chưa có gì để vui mừng…

Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng đánh giá VN có hai nguồn tài nguyên rất dồi dào là nhân lực tài năng và cơ hội. Nhưng cũng theo ông Lý Quang Diệu, VN đã để lãng phí hai nguồn tài nguyên này.

Ví dụ như đối với sinh viên học ĐH, chúng ta dạy sinh viên làm gì? Vẫn chỉ là rèn luyện, nỗ lực, nâng cao kiến thức và kỹ năng để ra tranh việc với người khác, chứ chưa dạy để các em tạo việc làm. Đó là điều khác biệt với các nước tiên tiến. 

Thị trường lao động, vì thế, đầy rất nhanh. Vì ai cũng chỉ muốn vào doanh nghiệp này, cơ quan nhà nước kia, làm thuê cho người nọ…, rất ít người nghĩ đến việc tạo ra việc làm cho người khác. Khởi nghiệp bị hạn chế, chỉ sống dựa dẫm vào Nhà nước, làm tiêu hao nguồn lực sẵn có, không tạo ra chuỗi giá trị mới.

Trong bối cảnh đó, chúng ta ghi nhận cố gắng, nỗ lực của Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp trong thời gian gần đây.

Nếu dễ hài lòng, đất nước sẽ khó cất cánh - Ảnh 5.

Nguồn: Tổng cục thống kê – Đồ họa: TẤN ĐẠT

* Vậy chúng ta cần điều kiện gì để có bước đột phá trong phát triển, thưa GS?

Tôi thấy người Việt hay sống về tương lai, khá lạc quan, nên với những điều đạt được thì dễ thỏa mãn, hài lòng. Đó là lý do chúng ta chưa có những bước phát triển đột phá.

Vậy năm 2018 cần hướng tới những điều gì? Có thể hình dung thế này: thời kỳ san lấp để có đường băng tốt xong rồi, chúng ta cũng có tiền để sắm máy bay rồi, chúng ta bắt đầu chạy trên đường băng và đây là thời điểm phải cất cánh. Không cất cánh được thì chiếc máy bay chỉ là trò chơi, chạy loanh quanh ở dưới. Muốn máy bay cất cánh, phải gia cố để nó chịu được áp lực.

Cũng như vậy, VN muốn cất cánh phải tạo lòng tin, gia cố tổ chức. Giáo dục cần những bước đổi mới có tính chất quyết định, không thể cứ loanh quanh những giải pháp kỹ thuật cụ thể, cần thay đổi căn bản triết lý giáo dục, cách tiếp cận giáo dục. Giáo dục là chìa khóa cho sự thành công của tương lai.

Học sinh tất cả các bậc học đang đứng trước thời kỳ cách mạng 4.0. Các bạn có quá nhiều phương tiện để học. Vậy các trường học cần có sự thay đổi phù hợp với thời đại 4.0 ra sao? Nếu chỉ chú trọng học trong lớp là không đúng. Cần dạy cho học sinh kỹ năng, cách học cả trong lớp và ngoài lớp. 

Năng lực phản biện trái chiều chưa được chú trọng trong giáo dục. Nhiều vấn đề đang đặt ra cho giáo dục từ mầm non, tiểu học đến đại học. Đây là thời kỳ cái gì cũng có thể mô phỏng được, cái gì cũng có thể kết nối được. Lớp học thông minh cho phép chỉ cần người học ngồi vào bàn là thầy giáo biết anh là ai, anh từ đâu đến, sức khỏe của anh thế nào…

Nhiều thầy giáo đến giờ vẫn cho rằng tại sao học sinh chưa biết cái này, cái kia mà không hiểu rằng biết hay chưa biết không quan trọng bằng cách dạy cho học sinh cách tìm ra điều đó, cách phản biện về những thông tin khác nhau.

Với ý nghĩa đó, sự thay đổi tư duy trong giáo dục là quan trọng nhất. Đổi mới tư duy giáo dục chưa sâu rộng lắm, nên khi triển khai vẫn vướng cái này, mắc cái kia.

Nếu dễ hài lòng, đất nước sẽ khó cất cánh - Ảnh 6.

Trung tâm TP.HCM bên sông Sài Gòn – Ảnh: TỰ TRUNG

Củng cố nền tảng văn hóa – đạo đức

* Trong năm 2017, nhiều vấn đề xã hội liên quan đến văn hóa – giáo dục thực sự đáng báo động. Đó là những vụ án rùng rợn, đặc biệt là những vụ giết người thân trong gia đình; đó là các vụ bạo lực, trong đó có bạo lực học đường… GS nhận định hiện tượng này thế nào? Phải chăng chúng ta đang phát triển ở một giai đoạn mà nền tảng văn hóa – giáo dục có những trục trặc rất lớn nên nảy sinh những vấn đề này?

Biểu hiện đạo đức xuống cấp không chỉ do giáo dục, mà là hiện tượng đáng báo động khác, đó là suy thoái văn hóa – đạo đức. Đó là câu chuyện xã hội, nhưng cũng là câu chuyện trong từng gia đình, ở từng con người. 

Trong một thời gian dài, việc giáo dục đạo đức được khoán trắng cho nhà trường, trong khi nhà trường dạy học sinh theo những công thức rất chung chung. Trong khi đó, có thể đo đếm những cái khác thì chúng ta không chú trọng đến giáo dục ở gia đình.

Mặt khác, tấm gương người lớn lại không tốt. Những năm qua, có hiện tượng xuống cấp đạo đức ngay từ người lớn, những suy nghĩ, phát ngôn, hành vi không chuẩn của người lớn lập tức phản chiếu vào nhận thức của con trẻ. 

Trẻ em hồn nhiên, nếu thấy bố mẹ nhìn người ăn xin không chút lòng thương, thậm chí cười cợt, hay nhìn người lao động lam lũ thì coi khinh, vào bữa cơm nghe bố mẹ nói chuyện chạy chức chạy quyền thì các em sẽ bị ảnh hưởng. 

Tất cả những chuyện tưởng như nhỏ nhặt đó cứ nhuốm dần vào nhận thức, làm nhân cách kém đi, tình nhân loại mờ hơn, khiến thế hệ trẻ dần dần biến thành tầng lớp vị kỷ, chỉ biết mình.

Ngay cả đến cách chúng ta “dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” theo kiểu “muốn gì cho nấy, đòi hỏi sao đáp ứng vậy” cũng không đúng, bởi trẻ em muốn phát triển thành công phải trải qua rèn luyện. 

Ở các nước văn minh, họ tập trung cho việc dạy trẻ sống tự lập. Nhiều bậc phụ huynh ở VN không để ý đến điều này, cứ mải miết cõng con trên lưng mà không biết rằng đang làm hại con mình. 

Một công trình nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 70% đóng góp thành công cho một con người nhờ những thử thách đã vượt qua, còn 30% là điều kiện. Ở VN ngược lại, gần như 100% nhờ vào điều kiện.

Video tự động phát
 

Video tạm dừng

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Phụ huynh Việt cứ mải miết cõng con trên lưng – Clip: LÊ KIÊN

GS Nguyễn Đức Khương (chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp; Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris): Xây dựng môi trường kinh tế số thông thoáng

Kinh tế năm 2018 khởi đầu với những thuận lợi và đà tăng trưởng của 2017. Đặt trong một tầm nhìn rộng – tương quan với thế giới; và xa – tầm nhìn 2050 là vô cùng quan trọng.

Cần xây dựng một mô hình kinh tế rõ nét hơn, xoay quanh trục kinh tế tri thức, tập trung vào năng suất lao động vượt trội, công nghệ, số hóa.

Để nền kinh tế có sức bật hơn, cần tiếp tục cam kết mạnh mẽ ổn định môi trường vĩ mô, cắt giảm các thủ tục hành chính, kiểm soát chi tiêu công, đầu tư hiệu quả có tính đến bền vững về mặt xã hội và môi trường là những điểm nhấn chính sách quan trọng.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, do vậy xu hướng kinh tế số hóa đặt ra yêu cầu phải xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế số, mà quan trọng nhất là hạ tầng dữ liệu lớn, dữ liệu mở và hạ tầng viễn thông đảm bảo tính kết nối.

Vì vậy, cần xây dựng một môi trường kinh tế số thông thoáng, thuận lợi về mặt pháp lý và cơ chế ưu đãi sẽ tạo ra được không gian cho doanh nghiệp mới phát triển dựa trên tính ưu việt của các ngành công nghiệp mềm (sử dụng công nghệ và trí tuệ), từ đó thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (ý tưởng, vườn ươm công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, đào tạo, tư vấn…).

Đây cũng là tiền đề để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và sự dịch sang nền kinh tế tri thức.

TS Đặng Hoàng Giang (phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng): Chấn hưng văn hóa từ sự tôn trọng thiên nhiên

Năm 2017, nền kinh tế tăng trưởng 6,81%, nhưng kỳ lạ thay, trong xã hội người ta không nghe thấy những tiếng kêu hân hoan, vui mừng. Lý do thật đơn giản. Ở các đô thị lớn, con người dường như đang bị đè bẹp bởi những cao ốc – pháo đài, bị tấn công bởi dòng thác xe cộ đang lấp kín mọi không gian.

Khắp nơi trên đất nước, từ Phú Quốc tới Bà Nà, tới Cát Bà, tới Sa Pa… vẻ đẹp hoang sơ và sự đa dạng của thiên nhiên đang biến mất, thay vào đó là bêtông vô hồn và quang cảnh đơn điệu tới nhức mắt của các khách sạn, resort, nhà hàng, siêu thị.

Chưa bao giờ chúng ta ý thức được rõ ràng như hôm nay rằng xã hội có thể nghèo nàn đi như thế nào trong khi con người giàu có lên.

Và như vậy, sự chấn hưng văn hóa vào thời điểm này, trước hết phải là việc chúng ta chữa lành mối quan hệ của ta với thiên nhiên, với vạn vật quanh ta.

Một nền văn hóa không coi thiên nhiên như một nguồn nuôi dưỡng cho tâm hồn, cho tinh thần, cho con tim, mà chỉ là nguồn tài nguyên để khai thác, để sử dụng, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng là một nền văn hóa suy thoái và què quặt.

Và như vậy, giáo dục tình yêu và lòng tôn trọng thiên nhiên, bồi đắp vai trò của nó trong cuộc sống tinh thần và tâm linh, cũng là giáo dục và bồi đắp cho một nền văn hóa mà ở đó có sự tôn trọng, có lắng nghe, có công bằng, có khiêm nhường, chứ không phải nuôi dưỡng một nền văn hóa mà ở đó kẻ mạnh thắng kẻ yếu, đám đông đàn áp thiểu số và quyền lực đồng nghĩa với chính nghĩa.

Chấn hưng văn hóa là chấn hưng ở chỗ đó. NGỌC AN – VŨ VIẾT TUÂN ghi

 

LÊ KIÊN – NGỌC HÀ thực hiện