Tuyển sinh 2021: Tránh trượt oan vì tiêu chí phụ!
Tuyển sinh 2021: Tránh trượt oan vì tiêu chí phụ!
Sáng 9-1, hơn 4.000 học sinh THPT ở thành phố Vinh và lân cận đã tựu về Trường ĐH Vinh (Nghệ An) tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.
Khi có giải học sinh giỏi quốc gia thì em đã có “vé” vào lớp kỹ sư tài năng. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển thẳng ở mỗi môn học chỉ 10 – 15%. Cho nên trường sẽ lấy chỉ tiêu từ trên xuống. Nếu em nằm trong 10 – 15% đó thì sẽ có cơ hội.
PGS.TS Trần Trung Kiên (trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Đọc kỹ đề án tuyển sinh
Ở phần tư vấn, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – lưu ý: “Năm 2019, 2020 có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng không để ý tiêu chí phụ là điểm học bạ nên trượt nguyện vọng 1. Các em phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh sai sót không đáng có”.
Với những thí sinh quan tâm đến tuyển thẳng, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên những bạn có giải nhì học sinh giỏi quốc gia vẫn nên thi thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì đôi khi đây là tiêu chí phụ quan trọng để bạn chiếm ưu thế so với người cùng giải nhì.
ThS Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng lưu ý: “Mặc dù thí sinh được phép đăng ký nguyện vọng không giới hạn nhưng khi đã nộp đơn vào nguyện vọng 1, hệ thống sẽ không cho phép đăng ký vào các trường khác nữa. Do đó khi các em thay đổi nguyện vọng phải nghĩ thật kỹ và điền thông tin thật chính xác”.
Có học sinh thắc mắc nếu đoạt giải quốc gia được một trường ĐH tuyển thẳng rồi, thi THPT quốc gia đạt điểm cao có thể đăng ký vào các trường khác không? Các chuyên gia cho biết theo quy định, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng.
Chỉ khi nào thí sinh quyết định nhập học vào trường nào đó thì hệ thống sẽ loại thí sinh ra hệ thống xét tuyển. Nên thí sinh đoạt giải quốc gia sẽ không được xét vào các trường khác nữa khi đã “chốt” nộp hồ sơ vào trường được tuyển thẳng.
Những học sinh mong muốn học song bằng ngay từ khi bước vào ĐH được các chuyên gia khuyên học xong năm thứ nhất, thấy bằng một có kết quả khá mới đăng ký bằng thứ hai…
Quan tâm nhiều ngành quân đội, công an
Tại chương trình, thí sinh Nghệ An đặt nhiều câu hỏi liên quan đến ngành công an, quân đội. Một thí sinh hỏi: “Nếu cha em có tiền án và đã hoàn thành xong án từ 16 năm trước thì em thi vào ngành quân đội, công an được không?”.
Đại tá Vũ Hồng Khanh – trưởng phòng đào tạo Học viện Biên phòng (Bộ Quốc phòng) – trả lời: “Tất cả những ai vi phạm pháp luật, sau khi thực hiện xong án phạt đều là công dân bình thường. Con cái của họ hoàn toàn có quyền đăng ký dự thi vào các trường này”.
Đại tá Khanh cũng lưu ý ngoài các quy định chung của Bộ GD-ĐT, khối ngành quân đội, công an sẽ xét lý lịch và yêu cầu khám sức khỏe sơ tuyển. Khi thí sinh trúng tuyển rồi, trường sẽ khám sức khỏe lần nữa. Người nào không đủ tiêu chuẩn vẫn có thể bị loại. Một số trường quân đội sau khi hậu kiểm sức khỏe phát hiện thí sinh có tật về mắt có thể châm chước cho thí sinh đi mổ.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, việc châm chước về thị lực chỉ ở những ngành đòi hỏi thị lực vừa phải. “Còn những ngành liên quan đến chỉ huy, tham mưu đòi hỏi thị lực 100% thì không có chuyện châm chước” – đại tá Khanh nói.
Đại tá Khanh khuyên thí sinh muốn thi vào ngành quân đội tốt nhất nên khắc phục tật ở mắt mới nên thi. Tuy nhiên, có học sinh lại băn khoăn có hay không quy định người trẻ 18 tuổi mới được mổ cận. Thí sinh 17 tuổi đã phải thi ĐH rồi thì làm thế nào? TS Lê Đình Tùng – trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Trường ĐH Y Hà Nội – cho biết không có quy định nào bắt buộc người 18 tuổi mới được mổ cận.
“18 tuổi chỉ là độ tuổi để mổ cận đạt hiệu quả cao nhất mà ngành y khuyến cáo thôi” – TS Tùng nói.
Học sinh háo hức với chương trình
Trực tiếp đưa gần 200 học sinh đến dự chương trình, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An – cho biết: “Các em ở vùng sâu vùng xa ít có cơ hội được gặp các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, nên khi biết Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ thì cả thầy và trò đều háo hức”.
Cô Hoa cho biết học trò vùng sâu vùng xa đi học xa nhà rất nghị lực, nhiều quyết tâm. Năm 2020, 100% các em Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An đều thi đỗ tốt nghiệp THPT và 87% các em xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
DOÃN HÒA