24/11/2024

Để hố ngăn cách không bị đào sâu thêm

Để hố ngăn cách không bị đào sâu thêm

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 đã gay cấn và tranh cãi tới phút chót, với đỉnh điểm là đợt xâm nhập của một bộ phận người Mỹ vào toà nhà Quốc hội.

 

Để hố ngăn cách không bị đào sâu thêm - Ảnh 1.

Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump leo tường vào tòa nhà Quốc hội ở đồi Capitol ngày 6-1-2021 – Ảnh: REUTERS

Trước hết, cần phân biệt rạch ròi giữa cuộc tuần hành ôn hòa và vụ xâm nhập Đồi Capitol.

Nếu cuộc xâm nhập này chắc chắn là hành động bất hợp pháp, không thể chấp nhận và khiến cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều lên án, thì cuộc tuần hành vừa qua cần phải được đánh giá công bằng.

Luật pháp Mỹ công nhận và cho người ta được làm những việc hợp pháp. Trước khi có sự chứng nhận về kết quả cuối cùng, người ta vẫn được quyền chất vấn, khiếu nại.

Một cái nhìn công bằng dành cho những gì xảy ra nhiều ngày qua sẽ là tiền đề cho nhiệm vụ then chốt nhất mà chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden đối diện: hàn gắn nước Mỹ.

Cuộc tuần hành trên và thái độ khiếu nại từ Tổng thống Donald Trump một mặt cho thấy sự phân hóa, bất bình, quá khích tồn tại trong lòng nước Mỹ, một mặt đóng vai trò cảnh báo nền chính trị Mỹ về nhu cầu khôi phục lòng tin. Dù đã trải qua nhiều phiên tòa, các khiếu nại cũng như thái độ quá khích trong vụ xâm nhập đã đồng thời cho thấy bất bình sẽ còn tiếp tục chứ chưa chấm dứt.

Thêm vào đó, dù bầu cử Mỹ đã qua đi, hiện nay cuộc bầu cử ở Quốc hội cũng gợi lên những thách thức tiếp theo. Bất kể diễn biến vừa qua cho thấy phe Dân chủ sẽ kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng viện lẫn Hạ viện, sự chia rẽ trong chính trị Mỹ không vì thế mà mất đi.

Trong tình thế 50-50, Đảng Dân chủ chỉ nắm Thượng viện nhờ chủ tịch Thượng viện nghiễm nhiên là Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris. Còn ở Hạ viện, sự áp đảo của Đảng Dân chủ đã vơi đi, với chỉ 222 ghế so với 220 ghế của Cộng hòa. Sự kiểm soát mong manh này đòi hỏi phía Dân chủ phải tranh thủ, tìm tiếng nói chung, trước viễn cảnh bất đồng sẽ kéo dài tới bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và bầu cử tổng thống 2024.

Do đó, ưu tiên hàng đầu là tìm thấy tiếng nói chung cho hai bộ phận cử tri đã bầu cho ông Trump và ông Biden.

Khi cuộc bầu cử này trao cho ông Biden 81 triệu lá phiếu thì rõ ràng phía bên kia ông Trump cũng nhận được sự tin tưởng từ 74 triệu phiếu. Khi cả hai đều nhận số phiếu cao kỷ lục của mình, đây không còn là chuyện hơn thua, vì ông Biden không thể chỉ hành động vì 81 triệu cử tri của mình, mà phải đảm bảo đáp ứng mong mỏi của toàn bộ cử tri.

Nói cách khác, để hàn gắn nước Mỹ, đây là thời điểm hai đảng ở Mỹ phải tham vấn, tìm ra điểm chung để hố ngăn cách giữa hai bên không bị đào sâu thêm.

Hơn nữa, khi nhìn lại bốn năm cầm quyền của ông Trump, có thể thấy ông đã có những thành tựu. Trước khi đại dịch xảy ra, chính quyền ông Trump đã thể hiện tốt trong các chỉ số kinh tế, tỉ lệ việc làm. Ông cũng đã định vị lại nước Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung.

Dù tranh cãi thế nào, đó vẫn là những di sản ông Trump để lại cả về đối nội lẫn đối ngoại. Sự hàn gắn trong nước Mỹ sẽ đòi hỏi chính quyền mới không thể bỏ toàn bộ những gì ông Trump đã làm, mà phải kế thừa một cách có chọn lọc.

PHẠM QUANG VINH (cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ)
TTO