Lãnh đạo thế giới nói gì về vụ nổi loạn chấn động ‘ngày phán quyết’ ở Mỹ?
Lãnh đạo thế giới nói gì về vụ nổi loạn chấn động ‘ngày phán quyết’ ở Mỹ?
Lãnh đạo các nước và nhà ngoại giao cấp cao lên án vụ nổi loạn ở Mỹ và kêu gọi Tổng thống Trump can thiệp.
Theo CNN, nhiều lãnh đạo trên thế giới và các nhà ngoại giao cấp cao cực lực lên án vụ nổi loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ và một số người đang hối thúc Tổng thống Donald Trump kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump xông vào điện Capitol và một phụ nữ bị bắn chết khi biểu tình vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến quy trình đếm phiếu đại cử tri nhằm chứng nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Joe Biden bị gián đoạn.
Bạo lực bùng phát sau khi Tổng thống Trump phát biểu trước đám đông biểu tình, khăng khăng khẳng định ông chiến thắng trong cuộc bầu cử. Sau sự việc, lãnh đạo nhiều nước bày tỏ sự quan ngại trên mạng xã hội, mô tả cảnh hỗn loạn ở thủ đô của Mỹ là “gây sốc” và “đáng hỗ thẹn”.
Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng cá nhân Tổng thống Mỹ chịu trách nhiệm đối với tình hình hỗn loạn đó. “Những gì chúng ta đang thấy từ Washington là sự công kích vào nền dân chủ ở Mỹ một cách hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tổng thống Trump phải có trách nhiệm ngăn chặn điều này. Những hình ảnh đáng sợ và khó tin rằng điều này là ở Mỹ”, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg viết trên mạng xã hội.
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney thì nhấn mạnh rằng thế giới đang nhìn vào và bày tỏ hy vọng tình hình ổn định được phục hồi.
“Những cảnh tượng gây sốc và đáng buồn sâu sắc ở Washington DC. Chúng ta phải lên tiếng về điều này: một sự tấn công cố ý vào nền dân chủ bởi một đương kim tổng thống và những người ủng hộ, nỗ lực đảo ngược một cuộc bầu cử tự do và công bằng”, ông Coveney kêu gọi.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề cập trực tiếp đến Tổng thống Trump: “Những hình ảnh khủng khiếp từ Washington D.C. Ông Donald Trump thân mến, hãy công nhận ông Joe Biden là tổng thống tiếp theo ngay hôm nay”.
Nhiều lãnh đạo và nhà ngoại giao cấp cao của Iceland, Pháp, Áo, Colombia, Scotland và các nước khác nhắc lại vai trò của Mỹ là hình mẫu dân chủ của thế giới.
Việc xông vào điện Capitol, lần đầu tiên tòa nhà bị xông vào kể từ sau vụ tấn công của Anh trong cuộc chiến năm 1812, là điều khó tin đối với nhiều người, theo ông Samuel Holliday tại Hiệp hội lịch sử điện Capitol Mỹ.
“Đây không phải là nước Mỹ”, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu Josep Borrell lên tiếng, đồng thời mô tả hành động của đám đông là “vụ tấn công chưa từng thấy vào nền dân chủ Mỹ”.
Trên mạng xã hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh rằng Mỹ là đại diện cho dân chủ trên thế giới. “Quốc hội Mỹ là đền đài dân chủ. Chứng kiến cảnh tưởng tối nay ở Washington D.C quả là choáng váng”, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg kêu gọi người dân Mỹ tôn trọng kết quả bầu cử. Chủ tịch nghị viện châu Âu David Sassoli cũng kêu gọi tương tự, còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh của nền dân chủ Mỹ: “Chuyển giao quyền lực ôn hòa là trọng tâm. Ông Joe Biden đã thắng cử. Tôi trông mong sẽ làm việc cùng, khi ông ấy là Tổng thống Mỹ tiếp theo”.
Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo công dân về khả năng bạo loạn tiếp diễn ở Mỹ. “Chúng tôi tin rằng Mỹ sẽ vượt qua khủng hoảng chính trị nội bộ bằng sự chín chắn. Chúng tôi khuyến cáo công dân của chúng tôi ở Mỹ tránh xa các đám đông”, theo Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
KHÁNH AN
TNO